Mục tiêu giáo dục tiểu học

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 49 - 51)

— Mục tiêu giáo dục tiểu học là sự vận dụng mục tiêu giáo dục tổng quát vào việc xây dựng mục tiêu của từng cấp học nhằm định hướng cho hoạt động thực tiễn của bậc giáo dục tiểu học.

— Việc xác định mục tiêu giáo dục tiểu học phải dựa vào những nội dung, yêu cầu đã được xác định trong mục tiêu chung của hệ thống giáo dục quốc dân (đã trình bày ở trên) và mục tiêu giáo dục của ngành giáo dục phổ thông là “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

— Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. [Điều 23, Luật giáo dục, NXBCTQG HN, 2002].

— Vì thế, học sinh khi học xong bậc tiểu học phải đạt được các yêu cầu chủ yếu sau :

+ Có lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước, hoà bình, công bằng; kính trên, nhường dưới; có ý thức về bổn phận của mình đối với người thân, đối với bạn bè, đối

với cộng đồng và môi trường sống; biết tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật và các quy định ở nhà trường, khu dân cư, nơi công cộng; sống hồn nhiên, mạnh dạn, tự tin, trung thực.

+ Có kiến thức cơ bản về tự nhiên, xã hội, con người và thẩm mĩ, có kĩ năng cơ bản về nghe, đọc, nói, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ sức khoẻ.

+ Biết cách học tập; biết tự phục vụ, biết sử dụng một số đồ dùng trong gia đình và công cụ lao động thông thường; biết vận dụng và làm một số việc như chăn nuôi, trồng trọt, giúp việc gia đình.

Nhiệm vụ của hoạt động 2

Nhiệm vụ 1: Chuẩn bị chủ đề xêmina

— Giáo sinh nhận thức chủ đề xêmina. Làm việc cả lớp.

+ Chủ đề xêmina : Phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nên những con người có kiến thức văn hoá khoa học, có kĩ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kỉ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, sống lành mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước những năm 90 và chuẩn bị cho tương lai. [Văn kiện hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khoá VII - 1993]

+ Giáo sinh xác định các nhiệm vụ cần giải quyết thuộc chủ đề xêmina. + Các nhóm giáo sinh nhận nhiệm vụ học tập :

Nhóm 1 - Tìm hiểu về “Nâng cao dân trí”. Nhóm 2 - Tìm hiểu về “Đào tạo nhân lực”. Nhóm 3 - Tìm hiểu về “Bồi dưỡng nhân tài”.

Nhóm 4 - Tìm hiểu về “Phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam”.

+ Giáo sinh trao đổi về các điều kiện và phương tiện để thực hiện nhiệm vụ học tập.

— Chuẩn bị chủ đề xêmina. Làm việc theo nhóm (ngoài giờ lên lớp).

+ Nhóm sinh viên lên kế hoạch nghiên cứu, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân của nhóm, triển khai kế hoạch và viết kết quả nghiên cứu của nhóm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tự học của cá nhân, của nhóm, giáo sinh có thể chia sẻ, trao đổi với giáo viên, bạn cùng học về phương pháp, phương tiện tự học để sinh viên thực hiện tốt việc chuẩn bị chủ đề xêmina. Lưu ý một số lỗi thường mắc khi nghiên cứu các khái niệm như :

• Với mục tiêu “bồi dưỡng nhân tài”, sinh viên sẽ nhầm lẫn giữa nhân tài và người có bằng cấp cao. Khi đó, giáo sinh cần đọc bài Một khả năng ngăn ngừa định mệnh cho người tài, Tuổi trẻ, số ra ngày 19-9-1992. (Võ Quang Phúc, Giáo dục đổi mới dưới góc nhìn của khoa học giáo dục, Trường CBQLGD-ĐT II, TP. HCM, 1998).

• Với mục tiêu phát triển con người, giáo sinh sẽ khó sắp xếp các yêu cầu (giá trị) trong cấu trúc nhân cách con người thời đại. Lúc đó, giáo sinh nên gạch chân

những cụm từ phản ánh yêu cầu về tri thức, kĩ năng, thái độ đối với tổ quốc, dân tộc; với lao động và đời sống xã hội, với bản thân.

Xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc; công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kĩ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỉ luật; có sức khoẻ, là những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa

chuyên như lời căn dặn của Bác Hồ. [Văn kiện hội nghị lần thứ hai - BCHTƯ khoá VIII, NXBCTQG, HN, 1997, tr.28, 29].

Nhiệm vụ 2 : Thực hiện chủ đề xêmina ở trên lớp.

1- Mở đầu

— Giáo sinh nhắc lại chủ đề xêmina, thông báo kết quả chuẩn bị chủ đề xêmina của cá nhân và của nhóm; nhắc lại mục đích, yêu cầu của xêmina.

2- Phát triển

— Lần lượt đại diện từng nhóm lên trình bày tham luận đã chuẩn bị (giáo sinh lưu ý trình bày ngắn gọn, tránh lan man. Không nên đọc bài viết mà chỉ trình bày những ý chính. Thời gian tối đa trình bày một tham luận là 10-15 phút, tham luận sau có thể bổ sung cho tham luận trình bày trước và không lặp lại những thông tin mà tham luận trước đã nêu ra).

— Giáo sinh thảo luận và tranh luận về nội dung các vấn đề được trình bày trong tham luận (giáo sinh phải làm rõ các điểm quan trọng, những mâu thuẫn trong các ý bằng cách nêu câu hỏi cho bạn, cho giáo viên và trả lời câu hỏi của bạn, của thầy).

3- Tổng kết

* Dùng hệ thống câu hỏi để tổng kết

1- Dân trí là gì ? Dân trí có ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển con người và xã hội ?

2- Hãy nêu nhận xét giữa trình độ dân trí của Việt Nam hiện nay so với yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?

3- Chỉ tiêu nâng cao dân trí của Việt Nam từ nay đến 2020 ?

4- Các giải pháp để thực hiện những chỉ tiêu nâng cao dân trí đã đề ra ?

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 49 - 51)