Đặc điểm tâm lý

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 69 - 71)

2 Những nghiên cứu ở Việt Nam

1.3.2Đặc điểm tâm lý

1.3.2.1 Giai đoạn từ 9-15 tháng

Giai đoạn từ 9-15 tháng tuổi được gọi là giai đoạn cuối của tuổi hài nhi. Ở trẻ đã xuất hiện hiện tượng biết phân biệt lạ quan rõ rệt: trẻ thường tỏ ra sợ hãi và từ chối giao tiếp với người lạ.

Cũng ở tuổi này trẻ xuất hiện nhu cầu cầm nắm, sờ mó các đồ vật, theo đó, nhu cầu giao tiếp trực tiếp với người lớn ở giai đoạn trước được chuyển sang giao tiếp vì đồ vật, giao tiếp với người lớn để được tiếp xúc với đồ vật, từ đó mối quan hệ ba chiều (trẻ - người lớn- đồ vật) cũng được hình thành. Nhờ vào hoạt động ba chiều có sự phối hợp với người lớn, trẻ nảy sinh khả năng bắt chước hành động của người khác. Trên cơ sở đó, trẻ có sự phát triển vận động, hành động với đồ vật và định hướng vào môi trường xung quanh rõ rệt hơn. Nhờ vậy mà trẻ cũng hình thành được những tiền đề của sự lĩnh hội ngôn ngữ: trẻ bắt chước âm thanh ngôn ngữ, có hứng thú giao tiếp với mọi người xung quanh, ở trẻ hình thành được mối liên hệ giữa tên gọi của đối tượng với bản thân đối tượng càng ngày càng rõ rệt và đa dạng phong phú hơn, từ đó phát triển nhu cầu giao tiếp với người lớn.

1.3.2.2 Giai đoạn từ 15-18 tháng

15-18 tháng tuổi là giai đoạn đầu của tuổi ấu nhi.Khi bước vào tuổi ấu nhi, mối quan hệ giữa trẻ với thế giới đồ vật được thay đổi đáng kể. Ở trẻ ấu nhi, hoạt động với đồ vật là hoạt động chủ đạo. Trẻ khám phá thế giới đồ vật không chỉ để chơi, nghịch mà còn để tìm hiểu chức năng và cách thức sử dụng chúng. Thông qua giao tiếp với người lớn, những kinh nghiệm lịch sử-xã hội vốn có ở trong các đồ vật được trẻ lĩnh hội. Nhờ vậy mà tâm lý của trẻ phát triển mạnh, đặc biệt là trí tuệ. Trong khi lĩnh hội được các hành động sử dụng đồ vật sinh hoạt hàng ngày trẻ cũng đồng thời lĩnh hội được các qui tắc hành vi ứng xử xã hội. Việc nắm vững hoạt động với đồ vật và việc giao tiếp với người lớn đã tạo ra những biến đổi về chất trong hình thức giao tiếp của trẻ ấu nhi, quyết định sự phát triển ngôn ngữ ở lứa tuổi này: trẻ không chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ mà bắt đầu chuyển sang giao tiếp bằng ngôn ngữ. Do đó, ngôn ngữ đã tách tư duy ra khỏi hành động. Việc định hướng vào thế giới đồ vật cũng giúp trẻ đáng kể trong việc tích lũy ý nghĩa của từ, hoàn thiện sự thông hiểu lời nói của người lớn và hình thành ngôn ngữ tích cực của trẻ.

Về trí tuệ, đầu tuổi ấu nhi, khả năng tri giác của trẻ khá sơ sài, mới chỉ nhận được các dấu hiệu nào đó của sự vật, hiện tượng đang diễn ra trước mắt, và đó mới chỉ là dấu hiệu bề ngoài, ngẫu nhiên và còn mơ hồ.

Cuối tuổi hài nhi, trẻ đã xuất hiện những hành động được coi là mầm mống của tư duy, trẻ biết sử dụng mối liện hệ giữa các đối tượng để đạt tới mục đích. Nhưng điều này chỉ xuất hiện trong các tình huống giản đơn và quen thuộc. Điều quan trọng ở tuổi ấu nhi là trẻ học được những hành động xác lập mối quan hệ giữa các đồ vật để giải quyết một nhiệm vụ thực tiễn nào đó. Trong thời kì đầu, việc xác lập những mối quan hệ mới này được được thực hiện bằng các phép thử - sai trong thực tế. Có thể nói ở giai đoạn đầu của tuổi ấu nhi, trẻ sử dụng tư duy trực quan – hành động để tìm hiểu những mối liên hệ đa dạng trong thế

giới đồ vật xung quanh. Đây là loại tư duy chỉ được hình thành trong quá trình trẻ em hoạt động với đồ vật dưới sự hướng dẫn của người lớn. Như vậy, hoạt động với đồ vật có ý nghĩa quyết định giúp trẻ xác lập những mối quan hệ giữa chúng để giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn bên ngoài, từ đó, hình thành những hành động tâm lý bên trong như trí nhớ, tưởng tượng, tư duy được hình thành, tạo nên thế giới chủ quan của bản thân đứa trẻ.

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 69 - 71)