Đặc điểm ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 71 - 73)

2 Những nghiên cứu ở Việt Nam

1.3.3Đặc điểm ngôn ngữ

Trẻ ở giai đoạn cuối hài nhi và giai đoạn đầu của tuổi ấu nhi (9-18 tháng tuổi) phát triển mạnh mẽ nhu cầu giao tiếp với người lớn và nhu cầu khám phá môi trường xung quanh. Chính điều này đã làm tăng khả năng lĩnh hội ngôn ngữ ở trẻ.Trong một nghiên cứu về “Tình hình phát triển tâm-vận động của trẻ từ 0-3 tuổi ở Việt Nam theo test Brunet – Lézine ”, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Vũ Thị Chín đã bước đầu xác định được một số đặc điểm về ứng xử và ngôn ngữ của trẻ 0-3 tuổi, trong đó có nhóm tuổi 9-18 tháng mà luận án quan tâm[trích theo 35, 344-349]. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để chúng tôi dựng lại một bức tranh chung về đặc điểm ngôn ngữ của trẻ 9-18 tháng tuổi.

Về ngữ âm, trẻ giai đoạn 9-18 tháng tuổi đã có một định hướng sâu sắc vào hệ thống âm vị, ngữ âm của ngôn ngữ thứ nhất (thông thường là tiếng mẹ đẻ.) Nếu như ở giai đoạn sơ sinh, trẻ có một tiềm năng bẩm sinh là có khả năng phân biệt được mọi âm vị của mọi ngôn ngữ trên thế giới, thì ở thời điểm này, khả năng đó đã giảm dần, thay vào đó là sự nhạy bén với hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ thứ nhất mà trẻ tiếp xúc. Có thể nói, ở giai đoạn này, hệ thống tri giác âm thanh ngôn ngữ đã được tổ chức lại trong não bộ đứa trẻ. Giá trị của việc tổ chức lại khả năng tri giác âm vị này là ở chỗ: sự mất đi năng lực nhận thức tất cả các âm vị là liên quan tới sự phát triển năng lực phân loại âm vị của ngôn ngữ thứ nhất. Cùng với khả năng nhận thức ngữ âm, việc phát ra âm thanh ngôn ngữ cũng là một bước tiến quan trọng của giai đoạn 9-12 tháng tuổi. Giai đoạn này, trẻ đã phát ra một chuỗi âm thanh được gọi là âm bập bẹ. Âm bập bẹ (babbling) có hình thức âm thanh giống với âm thanh trong ngôn ngữ thứ nhất, có tổ chức âm tiết rõ ràng, thường là có sự kết hợp giữa một phụ âm với một nguyên âm. Lúc đầu, ở trẻ chỉ xuất hiện hiện tượng láy âm “bababa…papapa…”, sau đó tiếng bập bẹ trở nên đa dạng hơn “bamipabo”…Tuy có sự gần gũi với ngữ âm của ngôn ngữ thứ nhất, nhưng âm bập bẹ chưa phải là ngôn ngữ vì còn thiếu ý nghĩa và vật tham chiếu. Trẻ 9-12 tháng tuổi thường có xu hướng phát ra âm bập bẹ khi chỉ có một mình, cho thấy những phát âm bập bẹ có mối liên hệ với việc luyện tập phát âm của trẻ hơn là việc rèn luyện giao tiếp.

Về từ vựng, khoảng từ 12 tháng tuổi trở đi, trẻ xuất hiện những từ đúng đầu tiên: âm thanh có nghĩa. Các nhà khoa học nhận thấy có mối liên quan mật thiết giữa kiểu phát

âm bập bẹ với hình thức ngữ âm của những từ đầu tiên này. Ý nghĩa của những từ đầu tiên này thường liên quan tới những sự vật quen thuộc gắn bó với trẻ như tên người, tên đồ chơi, quần áo và thức ăn…Ý nghĩa của từ mà trẻ lĩnh hội ở giai đoạn này chưa thật sự tương ứng với các thành phần ý nghĩa (nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và nghĩa biểu thái) vốn có trong từ theo quy ước của một ngôn ngữ nhất định. Giai đoạn này, trẻ thường lĩnh hội tên gọi của sự vật có nhiều ảnh hưởng tới trẻ, vì thế từ loại danh từ chiếm đa số trong cơ cấu từ loại của trẻ. Ở giai đoạn 12-18 tháng tuổi, với sự xuất hiện của những từ đầu tiên, đã đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ: sự phát triển ngôn ngữ của trẻ đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ giai đoạn phát âm vô nghĩa sang giai đoạn phát âm có nghĩa. Tuy nhiên sự phát âm về từ vựng ở giai đoạn này có biểu hiện không đồng đều ở các trẻ nên trung bình về số lượng từ tích lũy được ở giai đoạn này có thể dao động từ 0-50 từ. Thông thường các bé gái do bán cầu não trái phát triển sớm hơn bán cầu não trái của các bé trai, nên ngôn ngữ nói chung và từ vựng nói riêng phát triển có phần vượt trội hơn các bé trai. Nhìn chung, 18 tháng tuổi trở đi, trẻ chuẩn bị bước vào thời kì có sự gia tăng đột phá về vốn từ, nhất là sau khi đã tích lũy được 50 từ. Trước giai đoạn 18 tháng tuổi, do vốn từ của trẻ còn ít, nên trẻ thường sử dụng từ với một phạm vi rộng quá mức, tức là chưa tương ứng với ý nghĩa vốn có theo quy ước của từ. Ví dụ từ “ạ”, ở giai đoạn 9-18 tháng, được sử dụng rất rộng rãi, vừa chỉ “chào”, “xin”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, “tạm biệt”; từ “măm măm” vừa chỉ ăn cơm, uống/bú sữa, ăn bánh, cam quýt…Nhưng từ 18 tháng tuổi trở đi, phạm vi sử dụng từ được thu hẹp lại và thích hợp hơn, trẻ đã biết phân loại và gọi tên sự vật theo đúng tên gọi của nó (cơm, sữa, mì, phở…), thậm chí một số từ trẻ không còn sử dụng ở giai đoạn này nữa (từ “măm măm…”).

Về mặt ngữ pháp, do đây là giai đoạn đầu của việc xuất hiện và tích lũy từ vựng, nên trẻ thường sử dụng câu 1 từ. Và cấu trúc ngữ pháp mà chúng ta thường gặp ở trẻ là:

Hành động trỏ + Danh từ (động từ). Ở trẻ Việt Nam, phần đông ở lứa tuổi này cũng có thể sử dụng ngữ pháp 2 từ, nhưng chưa phải là 2 từ được phân phối rõ ở vai trò là hai nòng cốt chính trong câu: Chủ ngữ + Vị ngữ, mà thường là 2 từ trong một cụm từ hô gọi “mẹ ơi”/ “bà ơi”. Giai đoạn này nhìn chung trẻ chưa tích lũy được những hư từ thực hiện chức năng ngữ pháp, nếu có chỉ là những hư từ đơn giản, thường dùng kèm với động từ, gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của trẻ như “rồi”, “cũng”, “đang”…

Về giao tiếp, trẻ từ 9 tháng tuổi trở đi đã hiểu được cảm xúc và sự chú ý của người khác, tức là đã hình thành được các kĩ năng nền tảng của quá trình giao tiếp là: kĩ năng

cộng tác tham gia (hành động tương tác mang tính xã hội) và kĩ năng nhìn cùng hướng

nhận sự điều khiển. Việc nhìn cùng hướng giúp trẻ phần nào hiểu được ý định của người khác, hình thành không gian chung giữa trẻ và người lớn cũng như hình thành thế giới chủ quan của trẻ từ đó tạo ra cơ hội của sự cộng tác xã hội. Cũng từ 9 tháng tuổi trở đi, trẻ bắt đầu đóng vai trò là chủ thể chơi trong mối quan hệ ba chiều. Điểm quan trọng ở đây là trẻ có thể truyền đạt ý nghĩ và mong muốn của mình về sự vật hiện tượng cho người lớn biết và có thể dùng hành động của chính bản thân để thể hiện đúng nguyện vọng và nhu cầu của mình. Khoảng từ 11 tháng tuổi trở đi, ở trẻ xuất hiện hành động trỏ tay, 15 tháng tuổi, hành động này được gia tăng gắn liền với thời kì phát âm 1 từ (a, măm, đi, hoa…). Lúc này, việc sử dụng hành động trỏ gia tăng cả về tần số và ý nghĩa. Hành động trỏ không chỉ mang ý nghĩa bộc lộ nhu cầu, cầu khiến mà còn thể hiện sự chia sẻ, giao cảm, miêu tả. Trẻ sẽ nhìn vào mặt người lớn và trỏ về những sự vật yêu thích như chiếc xe yêu thích, con vật, sách tranh hay nhân vật hoạt hình yêu thích.

Tóm lại, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 9-18 tháng tuổi diễn ra theo các hướng: sự tích lũy các đơn vị ngôn ngữ làm nền tảng cho khả năng nghe hiểu ngôn ngữ và duy trì và phát triển nhu cầu giao tiếp với người lớn, tạo nên động cơ để phát triển ngôn ngữ tích cực của trẻ tại thời điểm này cũng như ở các giai đoạn về sau.

Dựa vào quan niệm về sự phân chia các giai đoạn phát triển của trẻ dựa vào các thao tác hành động theo Enconin mà tác giả Nguyễn Ánh Tuyết đã phản ánh: hài nhi từ 2-15 tháng; ấu nhi: 15- 36 tháng, mẫu giáo: 3-6 tuổi [trích theo 35], thì giai đoạn 9-18 tháng tuổi bao gồm hai chặng nhỏ: 9-15 tháng: giai đoạn cuối của tuổi hài nhi và 15-18 tháng: giai đoạn đầu của tuổi ấu nhi. Đây là giai đoạn chuyển giao đột biến quan trọng xét về mọi phương diện (tâm lý, vận động…). Riêng về ngôn ngữ, như đã nói trong lí do chọn đề tài, 9-18 tháng tuổi là giai đoạn trẻ đã hình thành được những nền móng quan trọng của việc lĩnh hội và phát triển ngôn ngữ.

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 71 - 73)