Phát triển ngôn ngữ theo phương diện cấu trúc

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 103 - 108)

2 Những nghiên cứu ở Việt Nam

2.2.1 Phát triển ngôn ngữ theo phương diện cấu trúc

2.2.1.1 Sự phát triển ngôn ngữ theo hướng cấu trúc

Khi đánh giá về sự phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non, ta thấy trước hết là có xu hướng đánh giá xem trẻ phát âm được bao nhiêu âm, bắt đầu là âm vô nghĩa tiến tới là âm

có nghĩa, trẻ sẽ nói được bao nhiêu từ, nói được câu ngắn hay câu dài; nói được nhiều câu cùng một lúc để diễn tả về cùng một vấn đề nào đó hay không. Xu hướng này đã xem xét sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ở phương diện cấu trúc của ngôn ngữ, tức là xét theo tiêu chí về các đơn vị cấu thành của một ngôn ngữ, bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Nhìn nhận phát triển ngôn ngữ của trẻ theo hướng cấu trúc tức là quan sát, đánh giá và hỗ trợ trẻ lĩnh hội các đơn vị trong hệ thống cấu trúc ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng và các đơn vị ngữ pháp như cụm từ và câu, tức là hỗ trợ năng lực ngôn ngữ của trẻ.

2.2.1.2 Sự phát triển ngôn ngữ theo hướng cấu trúc ở độ tuổi 9-18 tháng tuổi

Việc lĩnh hội được ngôn ngữ có nghĩa, cái mà được đánh giá bằng những mốc cụ thể sau: những sự bắt chước đầu tiên, những từ mang tính tự phát, vốn từ được khoảng 50 từ, sự liên kết từ-từ, và việc sử dụng ngôn ngữ để nói về quá khứ. Từng mốc kể trên được xem như là những chỉ số phát triển quan trọng trong năng lực giao tiếp và nhận thức của trẻ. Dựa vào các mốc phát triển ngôn ngữ theo hướng cấu trúc trong giai đoạn từ 9-18 tháng tuổi, chúng tôi đề xuất nội dung phát triển ngôn ngữ theo hướng cấu trúc theo các khía cạnh như sau:

2.2.1.2.1 Phát triển ngữ âm

Có thể nói, năm đầu tiên của cuộc đời, đối với việc học tập ngôn ngữ theo hướng cấu trúc, trẻ dành thời gian tập trung chủ yếu vào việc nhận thức ngữ của ngôn ngữ đầu tiên mà trẻ tiếp xúc. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã đặc biệt nhạy cảm và hứng thú với giọng nói của con người, biết phân biệt giọng của mẹ đối với giọng của những người phụ nữ khác. Các nhà tâm lý học đã tiến hành thực nghiệm để quan sát xem trẻ có khả năng phân biệt âm vị hay không thông qua phương pháp quen và lạ. Tức là cho trẻ chơi với một chuỗi âm thanh, ví dụ như “ba ba ba ba ba”. Lúc đầu trẻ rất hứng thú, nhưng sau hứng thú sẽ giảm dần do trẻ đã quen với chuỗi âm đó. Khi trẻ đã thờ ơ, thực nghiệm viên sẽ chen vào đó một âm lạ, chẳng hạn như: “ba ba pa ba ba pa…” Nếu trẻ hứng thú trở lại với chuỗi âm đó, chứng tỏ trẻ đã phân biệt được cái quen với cái lạ, tức là phân biệt được âm vị, ví dụ là cặp âm /b/ & /p/. Bằng phương pháp này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trẻ từ sơ sinh trở đi đã có khả năng phân biệt mọi âm vị của mọi ngôn ngữ trển thế giới. Nhưng khả năng này kéo dài không quá 12 tháng, nó chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định. Khoảng từ 4- 6 tháng tuổi, trẻ rất nhạy cảm trong việc phân biệt âm vị, nhưng đến khoảng 10- 12 tháng tuổi, khả năng này kém dần đi trong việc phân biệt ấc âm vị không thuộc hệ thống ngữ âm tiếng mẹ đẻ. Như vậy, hệ thống tri giác âm thanh ngôn ngữ được tổ chức lại trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng tuổi đến 10-12 tháng tuổi. Rõ rang, sự định hướng và thói quen tới âm thanh ngôn ngữ đã trẻ trong việc nhận thức sự đối lập âm vị không tồn tại trong tiếng mẹ đẻ. Quả thực, có một năng lực nhận thức âm vị mang tính bẩm sinh nhưng nó sẽ bị mất

đi do quá trình trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ nhất. Việc mất đi năng lực nhận thức các âm vị có liên quan tới sự phát triển năng lực phân loại âm vị của ngôn ngữ thứ nhất. Ta gọi đây là quá trình tổ chức âm vị. Giai đoạn 9-18 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bước đầu có sự định hướng rõ ràng hơn đến hệ thống âm vị, ngữ âm ngôn ngữ thứ nhất và bước đầu thể hiện được quá trình nhận thức này thông qua việc phát âm bập bẹ, phát ra âm của những từ đúng đầu tiên. Việc người lớn xung quan chú ý hơn tới quá trình tổ chức âm vị ở giai đoạn này đặc biệt quan trọng. Nếu như 9 tháng đầu đời là giai đoạn chuẩn bị thì 9 tháng tiếp theo này, kết quả của những sự chuẩn bị trước đó bắt đầu được thể hiện ra và cũng là giai đoạn tích lũy thêm những kinh nghiệm ngôn ngữ mới khác cho giai đoạn phát triển ngôn ngữ kế tiếp.

Trong quá trình phát triển ngữ âm, đặc biệt là hỗ trợ khả năng phát âm của trẻ, việc bắt chước ngữ âm của trẻ sẽ tạo cho cha mẹ một cơ hội củng cố cho trẻ ý nghĩa mang tính khu biệt của mỗi kiểu phát âm, và trẻ sẽ thường xuyên bắt chước các từ mới bên ngoài vốn từ của chúng để tiến hành mở rộng vốn từ từ khoảng 17 tháng tuổi đến 21 tháng tuổi.

Vì những lẽ trên, nội dung phát triển ngữ âm giai đoạn từ 9-18 tháng tuổi cần tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Tiếp tục duy trì thói quen định hướng tới âm thanh ngôn ngữ mà trẻ đã hình thành được từ các tháng tuổi trước.

- Tăng cường hỗ trợ quá trình tổ chức âm vị trong não bộ của trẻ bằng cách tăng cơ hội cho trẻ được tri giác hệ thống ngữ âm ngôn ngữ thứ nhất bằng thính giác (âm thanh) và bằng thị giác (trẻ quan sát khẩu hình người nói chuyện).

- Quan sát và hỗ trợ giai đoạn phát ra những âm bập bẹ của trẻ. Những âm bập bẹ này thường là một bộ phận âm thanh của tiếng mẹ đẻ. Đồng thời, đây là những âm bắt đầu có tổ chức âm tiết (Syllabic organisation) với hiện tượng láy âm (Reduplication) “ba ba ba ba...”. Giai đoạn bập bẹ được đặc trưng bởi những âm tiết gồm nguyên âm, phụ âm giống với âm tiết mà người lớn sản sinh, kịp thời trong quá trình tổng thể và trong quá trình chuyển đổi phụ âm-nguyên âm, từ đó bắt đầu đi vào các đặc điểm của từ. Cùng với thời gian, tiếng bập bẹ trở nên đa dạng hơn (Variegated babbling) với những phát âm có sự thay đổi về âm tiết “bamipabo...”. Mặc dù những âm bập bẹ có nhịp điệu, ngữ điệu khiến người nghe liên tưởng tới lời nói nhưng chưa phải là lời nói vì còn thiếu ý nghĩa và vật tham chiếu. Người ta thấy rằng giữa các âm bập bẹ và những từ đúng đầu tiên của trẻ có mối liên hệ mật thiết về mặt âm vị và âm tiết. Ta thường thấy trẻ sẽ phát ra âm bập bẹ khi có một mình. Có thể là những âm bập bẹ đầu tiên có mối liên hệ với việc luyện tập lời nói hơn là rèn luyện giao tiếp. Những trẻ điếc cũng có giai đoạn bập bẹ nhưng thường muộn hơn so

với trẻ bình thường (11-24 tháng tuổi). Điều này cho thấy việc tiếp xúc ngôn ngữ âm thanh có ảnh hưởng lớn đến sự bập bẹ. Kết thúc năm đầu tiên, trẻ có xu hướng phát ra chuỗi âm thanh tựa như lời nói, có giai điệu, ngữ điệu nhịp nhàng. Đó chính là giai đoạn lời nói có giai điệu (Melodic Utterance). Vì vậy, giai đoạn này, người lớn cần có sự tương tác có tính chất hưởng ứng, khuyến khích để trẻ hình thành và duy trì thói quen phát âm, dù chỉ là những âm na ná, có ngữ điệu gần như lời nói mà chưa hề có nghĩa.

- Giúp trẻ chính xác hóa những âm na ná như từ, giúp trẻ gắn nghĩa thông qua các bối cảnh giao tiếp cụ thể để trẻ có được những từ đúng đầu tiên.

2.2.1.2.2 Phát triển từ vựng

Cũng ở giai đoạn 9-18 tháng tuổi, trẻ xuất hiện những từ đầu tiên (First Words). Khoảng 12 tháng tuổi, trẻ tập trung vào những từ có liên quan tới những chủ đề ở đây, bây giờ gắn liền với những vật, việc cụ thể gần gũi như tên người, đồ chơi, quần áo và thức ăn. Đó là tên của những người, những sự vật có nhiều ảnh hưởng tới trẻ. Khi lĩnh hội được những từ đầu tiên, trẻ thường mắc 2 loại lỗi căn bản:

- Lỗi tham chiếu quá rộng (Overextension – refer): vì vốn từ còn hạn chế nên trẻ có xu hướng dùng một từ để định danh cho nhiều hoạt động, hay sự vật mà giữa chúng có nét tương đồng nhau về hình thức bề ngoài. Ví dụ từ “ạ” vừa dùng để chào, để xin, hoặc để cảm ơn; hay từ “bóng” vừa dùng để gọi quả bóng, vừa gọi quả cam, bòng, bưởi. Điều này đánh một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển nhận thức – ngôn ngữ của trẻ: Trẻ nhận thức và gọi tên sự vật theo quy luật khái quát hóa dựa trên khả năng tư duy phân loại so sánh những nét tương đồng và dị biệt.

- Lỗi tham chiếu quá hẹp (Underextension- Refer): là hiện tượng trẻ chỉ dùng một từ nhất đinh để gọi tên một cá thể sự vật hiện tượng đặc biệt gần gũi với trẻ như cái ca, cái cốc, thìa v.v...của trẻ và không dùng tên gọi chung này để gọi những sự vật cùng, loại nhưng không thuộc sở hữu của trẻ. Ví dụ, chỉ con chó nhà mình trẻ mới gọi là chó, con chó chạy ở ngoài đường không phải là chó.v.v...

Những từ tự phát đầu tiên chính là tín hiệu ngôn ngữ có nghĩa đánh dấu việc bắt đầu học từ của trẻ khi trẻ bước sang tuổi thứ hai, qua đây có thể khẳng định rằng ở trẻ bắt đầu có sự liên kết đối chiếu giữa từ và các sự vật hiện tượng ở môi trường quanh mình. Khi vốn từ của trẻ được khoảng 50 từ trở đi thì cũng chính là lúc trẻ tăng tốc một cách đột ngột về khả năng sản sinh từ vựng (Nelson, 1973)[169], đồng thời hình thành khả năng phân loại sự vật, biết khoe về vật mà mình có, hình thành năng lực phát âm theo hệ thống âm vị và biết sử dụng ngôn ngữ để gợi ra những yếu tố hay đặc điểm của sự vật hiện tượng. Sự bắt đầu mạnh mẽ của việc liên kết thoại ở trẻ được xem là dấu hiệu chứng minh cho năng

lực miêu tả và mã hóa mối quan hệ giữa các lớp thực thể độc lập, theo đó, thiết lập nền móng cho quá trình lĩnh hội phương diện ngữ nghĩa và ngữ pháp của ngôn ngữ. Cuối cùng việc sử dụng ngôn ngữ để nói về quá khứ là bằng chứng chứng tỏ khả năng biểu tượng bằng ngôn ngữ ở trẻ về một sự vật, sự kiện trong quá khứ nó độc lập với sự tri giác trực tiếp và kinh nghiệm vận động.

Việc lĩnh hội các từ mới là một quá trình chậm. Những từ đầu tiên cũng có xu hướng âm vị học khác so với từ của người lớn thông thường. Tuy nhiên, chúng thường được công nhận bởi những người chăm sóc như là những đơn vị ngôn ngữ, vì chúng rất thường được phát ra trong bối cảnh quen thuộc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng chúng rất quan trọng để sử dụng các tiêu chí cụ thể cho một từ xác định. Dựa vào sự chấp nhận này thông thường chú trọng các khía cạnh cách phát âm và những ý nghĩa giả định. Giai đoạn từ vựng thường bao gồm nhiều danh từ hơn, đặc biệt là từ các đối tượng, hơn là động từ hoặc tính từ.

Với những đặc điểm phát triển từ vựng của trẻ ở giai đoạn 9-18 tháng tuổi kể trên, nội dung phát triển vốn từ cần tập trung vào những vấn đề sau:

- Nhận ra và dần dần chính xác, cố định hóa những từ đúng đầu tiên của trẻ về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa.

- Tăng cường “dán nhãn”, gọi tên các sự vật hiện tượng gần gũi xung quanh trẻ nhằm hạn chế lỗi tham chiếu hẹp và lỗi tham chiếu rộng trong việc lĩnh hội từ.

- Giúp trẻ tích lũy số lượng, nhanh chóng chạm tới mốc 50 từ để sớm bước vào cơ hội tăng đột phá về vốn từ sau mốc 50 từ.

- Phát triển vốn từ song song với việc cân bằng cơ cấu từ loại giúp trẻ đẩy mạnh liên kết thoại, phát huy năng lực miêu tả, và sử dụng được các hư từ đơn giản để diễn đạt các trạng thái ý nghĩa ngữ pháp nhất định.

2.2.1.2.3 Phát triển ngữ pháp

Bước sang giai đoạn từ khoảng 15 – 18 tháng tuổi trở đi: trẻ bước vào giai đoạn Lời nói gồm nhiều từ. Khoảng 15 tháng tuổi, vốn từ của trẻ có thể có 20-25 từ. Khoảng 2 tuổi, sau khi đạt được khoảng 50 từ đầu tiên, vốn từ của trẻ sẽ ra tăng đột biến, trẻ bắt đầu tạo được những câu 2 từ trở lên, mở đầu cho việc xuất hiện yếu tố ngữ pháp trong lời nói của trẻ. Khoảng 30 tháng tuổi trẻ tạo ra được những câu hơn 2 từ và đạt được trật tự ngữ phap cơ bản, tuy vậy do khuyết thiếu các từ giữ chức năng ngữ pháp (fuctional words – tiếng Anh là giới từ, tiếng Việt là hư từ) nên giai đoạn này được gọi là ngữ pháp điện báo (telegraphic stage). Ngoài ra, trẻ tự tạo ra quy tắc có tính chất khái quát (overgeneralise

rules: goed, chó sữa, mười mươi (khi đếm 100), “hết ông rồi”, “đến tầng 3, đến tầng 2, đến tầng 1, đến tầng 0 rồi mẹ ạ”...

Việc sử dụng ngôn ngữ để nói về quá khứ là bằng chứng chứng tỏ khả năng biểu tượng bằng ngôn ngữ ở trẻ về một sự vật, sự kiện trong quá khứ - những cái mà độc lập với sự tri giác trực tiếp và kinh nghiệm vận động. Do đó, đối với trẻ em nói tiếng Việt, việc sử dụng được một số hư từ biểu hiện thì quá khứ như rồi, đã cũng thể hiện một bước tiến về ngữ pháp trên cơ sở của sự phát triển tư duy.

Như vậy, việc phát triển ngữ pháp của trẻ giai đoạn 9-18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính cần chú ý đến những nội dung sau:

- Khuyến khích trẻ có hứng thú trong việc liên kết từ với từ.

- Giúp trẻ sử dụng một số mẫu cụm từ, câu đơn giản nhưng hiệu quả trong giao tiếp của trẻ.

- Tùy vào vốn từ của trẻ, từng bước giúp trẻ mở rộng cụm từ, câu.

- Giúp trẻ nắm bắt các hư từ với một số ý nghĩa ngữ pháp đơn giản như rồi, cũng, nữa, đã…thông qua các bối cảnh tương tác quen thuộc.

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 103 - 108)