1. Những nghiên cứu ở nƣớc ngoài
1.2.2 Nghiên cứu về những ảnh hưởng của tương tác mẫu tính đối với sự PTNN
mầm non
1.2.2.1 TTMT như là một cấu trúc xã hội tối ưu giữa mẹ - trẻ nhằm phát triển ngôn ngữ
Quá trình lĩnh hội ngôn ngữ và phát triển khả năng giao tiếp là một quá trình phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Chomsky (1965) cho rằng vì tính phức tạp như vậy nên trẻ không thể nào học ngôn ngữ thông qua lời nói của người lớn, bởi lẽ những mẫu nói năng của người lớn thường kém chuẩn mực, rời rạc và phức tạp[87]. Chính luận điểm này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc có hay không cấu trúc sẵn có, tự nhiên bẩm sinh trong mỗi người để học ngôn ngữ. Chẳng hạn như nghiên cứu về ngôn ngữ trực tiếp với trẻ nhỏ (Child-directed speech: CDS) hay là lời nói mẫu tính (maternal speech) của Charles A. Ferguson [84]. Sau lần chứng minh đầu tiên về rất nhiều điểm khác nhau giữa cách người lớn nói với trẻ và cách người lớn nói với nhau, một câu hỏi trọng tâm được đặt ra liên quan tới vai trò của ngôn ngữ trực tiếp với trẻ nhỏ đối với sự lĩnh hội ngôn ngữ ở trẻ (Harris, 1986[112]).
Tiếp đó là những nghiên cứu về sự điều chỉnh một cách tinh tế để giảm bớt sự phức tạp trong khái niệm và cấu trúc ngôn ngữ của người lớn cho phù hợp với trình độ phát triển của trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ lĩnh hội ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chú ý tới tầm quan trọng của các phát ngôn mang tính ngẫu nhiên, tự phát về mặt ngữ nghĩa của người lớn tới các phát ngôn, hành động và sự chú ý của trẻ.
Thêm vào đó, hầu hết những mô tả về cấu trúc xã hội tối ưu giữa mẹ và trẻ đã đóng góp những giả thuyết quan trọng cho rằng những đoạn cảnh đáp ứng qua lại ngẫu nhiên và manh tính xã hội giữa mẹ và trẻ là một nhân tố thuận lợi cho quá trình phát triển của trẻ ở giai đoạn mầm non (Moore & Dunham, 1995[101]). Theo đó, với quan điểm thực tiễn-xã hội trong phát triển ngôn ngữ, trẻ lĩnh hội ngôn ngữ như một phần toàn vẹn từ những tương tác xã hội với những người xung quanh (Bruner, 1983)[76]. Bruner cũng là một trong những người đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu hành vi giao tiếp tiền ngôn ngữ để hiểu về quá trình lĩnh hội ngôn ngữ, trong đó nhấn mạnh trẻ em đã nỗ lực để truyền đạt thông tin như thế nào ở giai đoạn tiền ngôn ngữ. Bởi lẽ, trong thực tế, trước khi bắt đầu sản sinh được những từ đầu tiên, trẻ hiểu được là cần phải giao lưu trao đổi với mọi người xung quanh, qua đó sẽ học được cách nhận ra ý định của mình như thế nào, mà đầu tiên là phải học cách sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ (Bates 1976[59], 1979[60], Bruner 1982, 1983) [75&76]. Trong quá trình học hỏi này, hoạt động xã hội quen thuộc đầu đời mà ở đó mẹ hoặc bảo mẫu hiểu được hoặc gắn nghĩa cho những tín hiệu mà trẻ phát, dõi theo tâm điểm chú ý của trẻ là một điều kiện quan trọng để hỗ trợ trẻ học ngôn ngữ.
1.2.2.2 TTMT là một nhân tố dự báo sự phát triển ngôn ngữ của trẻ
Theo nhiều nghiên cứu của Barrett, Harris và Chasin, 1991[57]; D‟Odorico, Salerni, Cassibba và Jacob, 1999[96]; Menyuk, Liebergotts và Schultz,1995[164], Snow, 1977[190] đã khẳng định những khía cạnh liên quan tới sự tương tác mang tính xã hội có thể đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình chuyển đổi từ giai đoạn tiền ngôn ngữ tới giai đoạn ngôn ngữ chính thức. Hơn thế nữa, những khía cạnh cụ thể của các hành vi mang tính tương tác từ người lớn sẽ có những ảnh hưởng cụ thể đến ngôn ngữ đầu ra của trẻ nhỏ hơn là những ảnh hưởng tổng quát (Tamis – LeMonda, 2001) [202]. Ở cùng một thời điểm, năng lực ngôn ngữ và năng lực giao tiếp ở giai đoạn đầu của bản thân trẻ có thể là những tiền đề dự báo cho giai đoạn phát triển ngôn ngữ về sau (Bloom, 1998[70], McCathren, Warren & Yoder 1996 [155].
Mặc dù những khía cạnh tự nhiên, bẩm sinh cũng được phản ánh theo nhiều cách ở giai đoạn ngôn ngữ sau của trẻ (Mundy & Gomes 1997) [168] nhưng sự nỗ lực của trẻ trong quá trình tương tác với mẹ (bảo mẫu) ở giai đoạn đầu của giao tiếp có thể được tính đến bởi có thể trẻ em lại sẽ có một sự điều chỉnh ngược lại đối với người lớn tạo nên những bước phát triển tiếp sau của bản thân mình. Việc hiểu biết thấu đáo từ quá trình tương tác này, một quá trình mà thông qua đó trẻ lĩnh hội được các kĩ năng giao tiếp và ngôn ngữ, sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, đặc biệt là đối với việc phát hiện sớm những trường hợp trẻ gặp phải những rối loạn về phát triển và mắc phải một chuỗi những khuyết tật ngôn ngữ trên cơ sở đó sẽ giúp tiến hành thiết kế những chương trình nhằm mục đích can thiệp sớm.
Như vậy, thông qua việc tìm hiểu tổng quan nghiên cứu, ta thấy vấn đề tương tác mẫu tính vốn là hệ quả từ sự giao thoa giữa Thuyết Sự gắn bó (Attachment Theory) với truyền thống của nghiên cứu tâm lý-ngôn ngữ học phát triển. Đầu tiên, kết quả chủ yếu mà chúng tôi muốn đề cập tới là việc phát hiện ra các khía cạnh trong sự tương tác của mẹ thì hành vi giao tiếp của mẹ có thể được xem là một yếu tố cấu thành tạo nên sự phản ứng nhạy cảm từ người mẹ. Thứ hai, đồng thời, mục tiêu quan trọng nhất là xác định được mối liên hệ mang tính dự báo giữa các biểu hiện trong sự giao tiếp của mẹ đối với việc hình thành nhu cầu giao tiếp và sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ ở giai đoạn tiếp sau. Tính cách cũng như những mặt phát triển khác nói chung của trẻ có thể được hình thành từ quá trình tương tác với mẹ.