Đặc điểm sinh lý

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 68 - 69)

2 Những nghiên cứu ở Việt Nam

1.3.1Đặc điểm sinh lý

Sự hoạt động của cơ thể trẻ cũng như cơ thể của người lớn không phải là gồm những hoạt động riêng lẻ của từng hệ cơ quan, mà các cơ quan trong cơ thể đều hoạt động trong một hệ thống hoàn chỉnh.

1.3.1.1Đặc điểm cấu tạo não bộ của trẻ

Đối với một đứa trẻ mới chào đời, bộ não của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ mặc dù hình thái và cấu tạo giải phẫu của nó không khác với não người lớn là mấy. Ở trẻ sơ sinh, não bộ có kích thước nhỏ, trọng lượng khoảng 370 – 392g chiếm 1/8 – 1/9 trọng lượng cơ thể. Đến khoảng 2 tuổi, bộ não của trẻ có trọng lượng chiếm 1/11 – 1/12 trọng lượng cơ thể và đặc biệt còn tăng lên mạnh mẽ trong 9 năm đầu.

Gần 2 tuổi, quá trình myelin hóa đã tương đối hoàn thiện. Sự myelin hóa có ý nghĩa lớn vì nó góp phần làm cho hưng phấn được truyền một cách riêng biệt theo các sợi thần kinh. Vì thế hưng phấn được truyền đến vỏ não một cách chính xác, định khu hơn. Từ đó hoạt động của trẻ hoàn thiện hơn.

Trẻ 1 – 2 tuổi, có khối lượng và kích thước của tiểu não gần giống với não của người lớn.

1.3.1.2 Đặc điểm cấu tạo cơ quan phát âm của trẻ

Trẻ 9-18 tháng tuổi còn rất non nớt, cấu tạo và chức năng của các cơ quan trong cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh, hệ hô hấp còn yếu.

Khoang mũi và khoang hầu ở trẻ nhỏ tương đối nhỏ và ngắn, nên không khí vào mũi không được lọc sạch, sưởi ấm một cách đầy đủ, tổ chức họng ít phát triển, khả năng bảo vệ của lớp niêm mạc mũi yếu, nên những kích thích tác động vào niêm mạc đều gây rối loạn nhịp thở và hoạt động của hệ tim mạch. Mặt khác, các xoang như xoang trán, xoang hàm trên chưa phát triển đầy đủ.

Thể tích hai lá phổi nhỏ, các tổ chức của phổi ở trẻ ít đàn hồi nên dễ bị xẹp phổi, giãn phế quản nhỏ khi bị viêm phổi. Phổi của trẻ giàu mao mạch hơn người lớn do đó sự trao đổi khí ở trẻ em cao hơn ở người lớn, trung khu điều hoà hô hấp của trẻ rất dễ bị hưng phấn, vì thế khi trẻ chỉ hơi xúc động, hoặc lao động chân tay hay khi nhiệt độ tăng chút ít đã thở mạnh.

Hơn nữa, thường thì trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu mọc răng sữa đầu tiên, khi trẻ 2 tuổi có 20 chiếc răng sữa. Cấu tạo răng của trẻ 9-18 tháng tuổi chưa hoàn chỉnh do đó ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ

Chính vì thế, nhịp thở của trẻ nhanh, hơi yếu, nên trẻ chưa thể nói được câu hay từ dài, trẻ mới chỉ phát ra những âm đơn giản, những từ ngắn gọn, đặc trưng.

1.3.1.3 Đặc điểm cấu tạo cơ quan thính giác

Cơ quan thính giác là cửa ngõ của âm thanh, là nơi thu nhận những kích thích âm thanh truyền về vùng thính giác trên vỏ não, rồi phân tích những kích thích đó; tiếp thu những kiến thức, những kinh nghiệm của thế hệ trước qua ngôn ngữ và ngoài ra, cơ quan thính giác còn có chức năng là thưởng thức các dạng nghệ thuật được xây dựng bằng âm thanh.

Cấu tạo của cơ quan thính giác bao gồm:

- Bộ phận nhận cảm: cơ quan thụ cảm thính giác (ốc tai). - Bộ phận dẫn truyền: dây thần kinh thính giác.

- Bộ phận trung ương: vùng thính giác trên vỏ não.

Cơ quan thính giác phát triển dần lên theo sự phát triển của trẻ. Sau khi sinh, tai trong và tai giữa hầu như không lớn thêm ra, còn tai ngoài vẫn có nhiều biến đổi. Loa tai của trẻ mới sinh rất lớn: chiều dài của loa tai chỉ kém 2 lần, chiều rộng gần như bằng loa tai của người lớn. Loa tai tiếp tục lớn lên trong 2-3 năm đầu, sau đó chậm lại hẳn.

Theo một số nghiên cứu, người ta đã chứng mình rằng, giác quan được hoàn thiện ở trẻ trước tiên đó chính là thính giác. Trẻ sơ sinh bắt đầu rèn luyện giác quan này ngay từ trong bụng mẹ, đặc biệt là 3 tháng cuối thời kì mang thai, các nghiên cứu cho thấy trẻ có thể nghe thấy nhịp tim đập của mẹ và các âm thanh đến từ bên ngoài như giọng nói và tiếng nhạc. Trên thực tế, nhiều gia đình và các bà mẹ hiểu về điều này, họ giao tiếp với đứa con trong bụng bằng cách thường xuyên trò chuyện, cho thai nhi nghe nhạc… và họ cảm nhận được đứa trẻ trong bụng cũng hiểu được lời nói và những âm thanh đó, họ thấy được đứa trẻ đang lắng nghe và đáp trả lại bằng những chuyển động trong bào thai. Khả năng nghe sẽ hoàn thiện vào cuối tháng đầu tiên trong cuộc đời, mặc dù trẻ sẽ mất thời gian lâu hơn để hiểu được ý nghĩa của những gì mà mình nghe thấy.

Một phần của tài liệu Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 9 18 tháng tuổi thông qua tương tác mẫu tính (Trang 68 - 69)