HỆ THỐNG LỚP-BÀI TRONG DẠY HỌC TIN HỌC

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Tin học ở trường phổ thông (Trang 96 - 97)

TỔ CHỨC DẠY HỌC TIN HỌC

4.1 HỆ THỐNG LỚP-BÀI TRONG DẠY HỌC TIN HỌC

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, đã diễn ra nhiều hình thức tổ chức dạy học nói chung. Ban đầu là tự phát, nhằm đáp ứng nhu cầu của sự truyền thụ kinh nghiệm trong gia đình, trong cộng đồng. Sau đó, cùng với sự hình thành xã hội có giai cấp, hoạt động dạy học trở nên một hình thái hoạt động tự giác có tổ chức và ngày càng phát triển. Theo các tư liệu lịch sử sư phạm thì hình thức tổ chức dạy học theo hệ thống lớp-bài được hình thành vào giữa thế kỷ 17. Và Za.A.Kôménki (1592-1670), nhà sư phạm Tiệp khắc (cũ) đã là người khởi xướng hình thức dạy học này, và cho đến ngày nay, hệ thống lớp-bài trong dạy học càng tỏ ra rất hiệu quả và được áp dụng hầu khắp thế giới. Đối với môn Tin học, dù có những đặc thù riêng nhưng trong điều kiện hiện nay, hình thức này vần tỏ ra hợp lí .

Hai yếu tố cơ bản của hệ thống lớp-bài trong dạy học là bài học và lớp học. Bài học là cơ sở của quá trình dạy học. Nó được quy định diễn ra trong một thời lượng bắt buộc, đó là tiết học. Các nhà sư phạm Tin học và sau đó là giáo viên Tin học phải lựa chọn nội dung để dạy trong thời lượng đó, và cấu trúc Tin học, cấu trúc logic của nội dung đó phải đảm bảo sự kế thừa và sự tiếp tục trong chuỗi nội dung cho các tiết học đã diễn ra và sẽ diễn ra. Nội dung đã được lựa chọn và biên soạn đó cho một tiết học được gọi là bài học. Chuỗi các bài học được sắp xếp thành hệ thống phản ánh nội dung môn học, có tác dụng trong việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ môn học, góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của nhà trường.

Lớp học là yếu tố thứ hai của hệ thống lớp-bài trong hoạt động dạy học. Lớp học là tập hợp một số lượng học sinh nhất định, có cùng trình độ kiến thức và cùng trình độ phát triển của tâm sinh lí (thường cùng độ tuổi).

Bài học và lớp học được tổ chức thực hiện trong phòng học, theo những tiêu chuẩn phù hợp với từng bộ môn. Đó là phòng học bộ môn. Ở nước ta hiện nay chưa có các trường theo kiểu phòng học bộ môn mà chỉ có phòng học theo lớp cho mọi bộ môn của lớp đó. Một số trường đã có phòng máy chuyên sử dụng cho dạy và học môn Tin nhưng cũng chỉ dừng lại ở bài học thực hành, một loại bài học chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong toàn bộ chương trình. Vì vậy ta chỉ xét bài học Tin học được tiến hành trong điều kiện phòng học chung của lớp học tương ứng.

Do đặc trưng của môn học và do đặc điểm hoạt động dạy học, để tiện lợi cho cho việc phân tích công tác dạy học Tin học, người ta thường phân loại bài học. Có thể có các loại bài học Tin học sau:

- Bài học nghiên cứu tài liệu mới, xây dựng tri thức mới

- Bài học thực hành, ôn luyện tri thức, rèn luyện kĩ năng về Tin học - Bài học ttổng kết, hệ thống hoá kiến thức Tin học

- Bài học kiểm tra , đánh giá trình độ kiến thức và kĩ năng của học sinh.

Sự phân loại này cho ta một cách nhìn có trọng tâm vào chức năng chủ yếu mà bài học đảm nhận. Từ đó mà giáo viên có được sự thiết kế và thi công cho phù hợp với việc thực hiện chức năng đó.

Ngoài bốn loại bài học được tiến hành trong khuôn khổ lớp-bài tại trường còn có loại bài học tham quan các ứng dụng trong thực tiễn của khoa học Tin học tại các cơ quan, xí nghiệp,... Đây là loại bài học bổ sung để mở rộngtầm hiểu biết và lòng yêu khoa học cho học sinh.

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Tin học ở trường phổ thông (Trang 96 - 97)