PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TIN HỌ CỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
3.1 KHÁI NIỆM PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Dạy học là một hoạt động có tính đặc thù của con người. Hoạt động này có đặc tính nổi bật, đó là một hoạt động nhận thức. Trong thực tế, hoạt động nhận thức diễn ra trước tuổi đến trường, ở mọi nơi và suốt đời cho tất cả mọi người. Tuy nhiên ở trong nhà trường, hoạt động nhận thức được tổ chức và có định hướng, được điều khiển và kiểm tra chặt chẽ. Nó diễn ra chủ yếu trong quá trình dạy học các bộ môn khoa học. Khi bàn về phương pháp dạy học trong trường phổ thông ta chỉ giới hạn ở quá trình dạy học.
Quá trình dạy học trước hết là quá trình hoạt động nhận thức. Do đó muốn hiểu được phương pháp dạy học cần nghiên cứu hoạt động phương pháp hoạt động nhận thức (gọi tắt là phương pháp ) đã được khái quát hoá trong triết học.
Mọi hoạt động của con người đều có mục đích và đối tượng (hay nội dung). Căn cứ vào mục đích mà tìm kiếm phương tiện và cách sử dụng nó để tác động lên đối tượng làm cho đối tượng biến đổi, tức là tìm kiếm phương pháp hoạt động. Hoạt động nhận thức có mục đích là hiểu biết được thế giới xung quanh. Thế giới đó là nội dung của hoạt động nhận thức, sông định nghĩa gọn và tổng quát nhất có lẽ là định nghĩa do Hegel nêu lên: “Phương pháp là ý thức về hình thức của sự tự vận động bên trong của nội dung” (Theo V.I Lê-nin, “Bút kí triết học”, trang 105).
Từ định nghĩa này, ta thấy “phương pháp” có hai mặt: mặt khách quan và mặt chủ quan. Mặt khách quan là những quy luật chi phối sự tồn tại và phát triển của nội dung, của đối tượng. Con người phải nắm vững mặt khách quan của phương pháp . Đó là điều kiện cần để phương pháp trở nên hiệu nghiệm. Đó là thính chân thực của phương pháp . Thường thì mặt khách quan của phương pháp ít được chú ý tới. Đó là điều nguy hiểm, vì nó làm ta hiểu lệch lạch về phương pháp hoạt động nói chung, hoạt động nhận thức nói riêng.
Mặt chủ quan của phương pháp là hoạt động tìm kiếm biện pháp, thủ thuật để tác động lên đối tượng. Đây là điều kiện đủ để phương pháp có tính hiệu nghiệm. Chỉ khi tác động phù hợp với quy luật phát triển của đối tượng thì nó mới biến đổi theo sự chờ đợi của ta. Do đó chỉ có hiểu đối tượng (hiểu đúng mặt khách quan) thì mới có hi vọng tìm được biện pháp tác động chính xác (có sự đúng đắn của mặt chủ quan). Thông thường mặt chủ quan của phương pháp hay được để ý nhiều. Đây là điều không nên, bởi vì nó làm ta hiểu lệch lạc về cấu trúc của khái niệm phương pháp.
Như vậy có thể hiểu phương pháp là con đường, là cách thức hành động để đạt được mục đích. Con đường (hay cách thức) hành động đó
bao gồm hai mặt: nghiên cứu và tìm hiểu các quy luật khách quan của sự tồn tại và phát triển của đối tượng; và tìm phương tiện, biện pháp, thủ thuật tác động cho đối tượng biến đổi theo mục đích đã định. Hai mặt đó phải phù hợp, phải thống nhất với nhau thì phương pháp mới có hiệu lực.
Vận dụng những điều cơ bản trên đây về “phương pháp hoạt động“ vào việc phân tích khái niệm phương pháp dạy học, trước hết phải thấy rằng đay là một hoạt động phức tạp, gồm hoạt động dạy và hoạt động học. Đối tượng của hoạt động dạy là học sinh và nội dung khoa học của các môn học. Chủ thể của hoạt động dạy là giáo viên. Mục đích của hoạt động dạy là: học sinh nắm vững nội dung môn học và có nhân cách phát triển, có đạo đức và có năng lực hành động. Hoạt động học có đối tượng là nội dung môn học, có chủ thể là học sinh. Mục đích học và much đích dạy là cơ bản trùng nhau. Chính sự trùng nhau này nên ta hi vọng có thể đưa học sinh vào chủ thể không những của hoạt động học, mà cao hơn nữa-chủ thể của hoạt động dạy học. Tức là ta muốn nâng cao tính tích cực hoạt động của học sinh trong hoạt động học đến mức cao nhất. Nếu làm được như vậy thì chính phương pháp dạy học đã làm biến đổi quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Nhưng điều lí tưởng này chỉ thực hiện được ở một số bài học, một số khâu của quá trình dạy học và ở những bậc học nhất định. Ngay cả khi tạo được vị thế là chủ thể của hoạt động dạy học cho học sinh thì người thầy vẫn là chủ thể chính của hoạt động đó ở mức độ cao hơn- ở vai trò theo dõi, tổ chức, điều khiển và cố vấn.
Từ những phân tích trên đây, có thể định nghĩa: “Phương pháp dạy học là cách thức làm việc của giáo viên và học sinh trong sự phối hợp thống nhất với nhau dưới dự chỉ đạo của giáo viên, nhằm làm cho học sinh tự giác, tích cực tự lực đạt được mục đích dạy học” (Nguyễn Ngọc Quang, Lí luận dạy học đại cương, 1989).