Chính sách xuất nhập khẩu

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 118 - 121)

IV. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

2. Chính sách xuất nhập khẩu

Chính sách xuất nhập khẩu (ngoại thương) là một hệ thống những nguyên tắc, biện pháp kinh tế, hành chính và pháp luật dùng để thực hiện những mục tiêu đã xác định trong lĩnh vực thương mại quốc tế của một nước trong từng thời kỳ nhất định.

Chính sách xuất nhập khẩu là một bộ phận của chính sách phát triển quan hệ kinh tế quốc tế, bao gồm: chính sách mặt hàng, chính sách thị trường và các chính sách hỗ trợ khác như chính sách đầu tư nước ngoài, chính sách tín dụng, chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách giá cả...

a) Chính sách mặt hàng

Chính sách mặt hàng là nhữngchủ trương, quy định của nhà nước về những mặt hàng được chú trọng (hoặc hạn chế) xuất khẩu, nhập khẩu tuỳ theo đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế và nhu cầu của đất nước. Những hàng hoá hạn chế xuất nhập khẩu và cấm xuất nhập khẩu do những đòi hỏi khách quan của nền kinh tế, của xã hội trong từng giai đoạn.

Ví dụ: ở Việt nam cấm xuất khẩu vũ khí đạn dược, hoá chất độc, các loại ma tuý, đồ cổ, vật liệu nổ, trang thiết bị quân sự. Cấm nhập khẩu văn hoá phẩm đồi truỵ.

Hàng hoá được quản lý bằng hạn ngạch như gạo, hàng dệt may xuất khẩu sang EU, Canađa, Na uy... Hàng hoá xuất nhập khẩu được quản lý theo chuyên ngành, ví dụ: khoáng sản do Bộ thương mại và Bộ khoa học, công nghệ và môi trường quản lý.

Hàng hoá có liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân ở Việt nam như xăng dầu, xi măng, phân bón, thép xây dựng, xe hơi... là những mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng, ngân sách và cung cầu trên thị trường thì nhà nước quản lý.

b) Chính sách thị trường

Chính sách thị trường là việc định hướng và mở rộng thị trường, xâm nhập thị trường mới, xây dựng thị trường trọng điểm bằng nhiều biện pháp khác nhau: kinh tế, ngoại giao...

Trước khi tham gia vào ASEAN, thị trường của việt nam chủ yếu là Liên xô và Đông Âu. Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thị trường của Việt nam bị thu hẹp đáng kể. Ở Châu Á, bạn hàng lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản. Nhật Bản đã thay thế vị trí của Liên Xô trước đây. Việt Nam luôn xuất siêu sang Nhật các mặt hàng như than đá, dầu thô, một số loại nông thuỷ sản. Đứng thứ hai sau Nhật Bản là Trung Quốc. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt nam chủ yếu là nhập siêu, bởi vì chủng loại và cơ cấu hàng hoá giống nhau, cạnh tranh chứ không phải là bổ sung. Quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với Trung Quốc khá đa dạng, vừa là mậu dịch, vừa là phi mậu dịch. Thị trường EU, Mỹ là thị trường mới đối với Việt Nam và do đó chưa phải là thị trường lớn của Việt nam. Mục tiêu của chính sách thị trường của nhà nước ta trong những năm trước mắt phải là xâm nhập sâu hơn vào thị trường EU và Mỹ. Vì vậy, chính sách thị trường của nhà nước ta là đa dạng hoá thị trường, mở rộng buôn bán với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị xã hội trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và các bên cùng có lợi, đặc biệt chú ý các thị trường truyền thống (Liên Xô trước đây và Đông Âu), thị trường các nước ASEAN.

c) Các chính sách hỗ trợ khác.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào những khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, do đó có tác động quan trọng làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt nam trên thị trường thế giới. Chính sách tín dụng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tín dụng cho các nhà xuất khẩu. Chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách giá cả, có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động xuất nhập khẩu.

Để thực hiện mục tiêu trước mắt và lâu dài, chính sách xuất khẩu và chính sách nhập khẩu của Việt Nam cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chính sách xuất khẩu: tăng kim ngạch xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.

Nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống trong nền kinh tế mở đòi hỏi phải tăng nhập khẩu. Do vậy, tăng kim ngạch xuất khẩu là yêu cầu bức xúc đối với nước ta. Từ năm 1990 đến nay, chúng ta đã duy trì được mức độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao, khắc phục được hậu quả của việc thị trường truyền thống giảm sút đột ngột sau khi Liên Xô tan rã và các nước Đông Âu sụp đổ. Tuy nhiên, mức xuất khẩu bình quân đầu người vẫn còn rất thấp, có rất ít mặt hàng xuất khẩu chủ lực có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Nhìn chung, chất lượng hàng xuất khẩu của ta còn kém khả năng cạnh tranh; cơ cấu hàng xuất khẩu chưa hấp dẫn, trình độ chế biến kém, mẫu mã, bao bì chưa theo kịp trình độ quốc tế, xuất khẩu hàng thô là

chủ yếu; kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu rất lạc hậu, tổ chức bộ máy xuất khẩu chưa hợp lý, yếu và kém.

Chính sách xuất khẩu trong những năm tới vẫn là tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mức xuất khẩu bình quân đầu người; tăng nhanh hàng xuất khẩu đã qua chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên liệu và sơ chế; tạo thêm mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu có khối lượng và giá trị cao; thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích xuất khẩu. Điều cần lưu ý là hiện nay trên thị trường thế giới nhìn chung nước ta đang ở vào thế thua thiệt so với các nước có nền công nghiệp hiện đại. Do vậy, phải gấp rút nâng cao trình độ công nghệ, hạ giá thành; tiếp cận thị trường thế giới, xây dựng đồng bộ chương trình và công nghệ xuất khẩu (từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận); thực hiện nhà nước thống nhất quản lý ngoại thương nhưng không độc quyền kinh doanh ngoại thương. Bằng cách đó, vừa tăng kim ngạch xuất khẩu vừa tạo điều kiện ổn định thị trường tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu.

- Chính sách nhập khẩu

Gần đây, hoạt động nhập khẩu tuy có những tiến bộ nhất định, song trong hoạt động này vẫn còn những hạn chế: nhập khẩu chưa gắn bó với đẩy mạnh xuất khẩu, còn lãng phí trong sử dụng hàng nhập khẩu, tệ nạn buôn lậu rất trầm trọng, còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, chèn ép sản xuất trong nước và khuyến khích việc tiêu dùng hàng ngoại...

Chính sách nhập khẩu trong thời gian tới phải tập trung vào nguyên liệu, vật liệu, các loại thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Việc hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phục vụ chiến lược hướng mạnh vào xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu những mặt hàng sản xuất có hiệu quả ở trong nước; coi trọng phục vụ việc xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện tiết kiệm ngoại tệ; bảo vệ sản xuất trong nước; điều tiết thu nhập qua việc bán hàng cao cấp; tăng việc làm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng có thu nhập khác nhau; có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tệ buôn lậu.

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tự do thương mại và bảo hộ thương mại.

Tự do thương mại có nghĩa là chính phủ không can thiệp bằng biện pháp kinh tế hoặc phi kinh tế đối với hoạt động xuất nhập khẩu, cho phép hàng hoá cạnh tranh tự do trên thị trường trong nước và ngoài nước, không thực hiện đặc quyền và ưu đãi đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của nước mình, không có sự kỳ thị hàng hoá xuất khẩu của nước ngoài. Tự do thương mại là xu thế của thời đại và đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia.

Bảo hộ thương mại có ý nghĩa là chính phủ thông qua biện pháp thuế quan và phi thuế quan như: hạn chế về số lượng nhập khẩu, chế độ quản lý ngoại tệ để hạn chế hàng hoá nước ngoài xâm nhập; phát triển và mở rộng hàng hoá xuất khẩu nhằm bảo vệ ngành nghề và bảo vệ thị trường nội địa. Bảo hộ thương mại có nhiều ưu điểm nhưng cũng có không ít nhược điểm: nền kinh tế mang tính trì trệ, những khó khăn trong nền kinh tế chậm được khắc phục...

Trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện tự do thương mại có lợi hơn cho các nước có nền kinh tế phát triển. Cho nên, vấn đề đặt ra đối với nước ta là phải xử lý thoả đáng hai xu hướng trên sao cho vừa phát triển sản xuất trong nước; vừa thúc đẩy tự do thương mại, tận dụng được các lợi thế của thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Vì vậy, hội nhập khu vực và thế giới là rất cần thiết nhưng cũng rất cần cân nhắc về tiến độ hội nhập.

- Hình thành một tỷ giá hối đoái sát với sức mua của đồng tiền Việt Nam. Tỷ giá hối đoái là tương quan về sức mua giữa đồng nội tệ với đồng ngoại tệ, là tỷ lệ giữa đồng tiền của nước sở tại với đồng tiền của nước ngoài. Mức cao hay thấp của tỷ giá phụ thuộc vào các nhân tố như: sức cạnh tranh về giá cả của hàng hoá, dịch vụ; công nghệ sản xuất hàng hoá xuất khẩu của một nước so với nước ngoài; tỷ lệ lợi thế so sánh trên thế giới và giá thành đầu tư tài sản, giá trị đồng tiền tệ của quốc gia và các đồng ngoại tệ; tình hình lạm phát, tình hình dự trữ vàng và ngoại tệ... Tỷ giá hối đoái là một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Do vậy, việc xây dựng một tỷ giá hối đoái phù hợp là rất cần thiết cho mỗi nước. Đây là một công việc khó khăn đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao trong quản lý kinh tế vĩ mô.

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 118 - 121)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w