Những nguyên tắc cơ bản của quan hệ kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 107 - 110)

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VÀ CÁC HÌNH THỨC CHỦ YẾU CỦA QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Những nguyên tắc cơ bản của quan hệ kinh tế quốc tế

Mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế của thời đại mà mỗi quốc gia không thể đứng ở ngoài vòng xoáy của xu thế đó.

Bức tranh của nền kinh tế thế giới mang tính nhiều vẻ và không kém phần phức tạp: có thuận lợi và khó khăn; có tích cực và tiêu cực; có hợp tác

và cạnh tranh ... Bởi vậy, việc thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế không đem lại lợi ích như nhau cho tất cả các quốc gia.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, để tranh thủ những tác động tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các quan hệ kinh tế quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển nhanh, việc thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế giữa nước ta với các nước trong cộng đồng quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Có bốn nguyên tắc cơ bản sau đây:

a) Nguyên tắc bình đẳng

Đây là nguyên tắc có ý nghĩa rất quan trọng làm nền tảng cho việc thiết lập và lựa chọn các đối tác trong quan hệ kinh tế quốc tế giữa các nước. Nguyên tắc này bắt nguồn từ yêu cầu phải coi mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế với tư cách là quốc gia độc lập có chủ quyền. Nó cũng bắt nguồn từ yêu cầu của sự hình thành và phát triển thị trường quốc tế mà mỗi quốc gia là một thành viên. Với tư cách thành viên, mỗi quốc gia phải được đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền tự chủ như mọi quốc gia khác. Nói cách khác, đảm bảo tư cách pháp nhân của mỗi quốc gia trước luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế là cơ sở đầu tiên khi tham gia vào đời sống kinh tế quốc tế. Thực hiện nguyên tắc này là cơ sở đầu tiên làm cho các quan hệ kinh tế quốc tế thực sự đem lại lợi ích, góp phần vào tăng trưởngkinh tế của đất nước ta.

b) Nguyên tắc cùng có lợi

Nếu nguyên tắc thứ nhất tạo ra nền tảng nói chung cho việc hình thành và phát triển quan hệ kinh tế quốc tế thì nguyên tắc này lại thể hiện tính mục đích của việc thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế giữa các quốc gia với nhau.

Trong việc thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia sẽ trở nên vô nghĩa nếu các quốc gia tham dự không đạt được mục tiêu lợi ích kinh tế. Nếu một trong các bên tham gia không đạt được mục tiêu lợi ích thì cũng không có cơ sở cho sự tồn tại quan hệ kinh tế quốc tế.

Nguyên tắc cùng có lợi phải trở thành động lực kinh tế để thiết lập và duy trì lâu dài mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia với nhau.

Cùng có lợi cũng có nghĩa là không được làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba, đến những quốc gia không tham gia vào các quan hệ kinh tế đó. Chỉ khi đó, các quan hệ kinh tế quốc tế mới có thể tồn tại và phát triển.

Cùng có lợi ích kinh tế phải là một trong những cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm và chính sách phát triển quan hệ kinh tế quốc tế và luật đầu tư nước ngoài ở nước ta.

Nguyên tắc chung này cần phải được cụ thể hoá thành những điểu khoản làm cơ sở để ký kết các hiệp định giữa các nước và ký kết các hợp đồng kinh tế, các dự án giữa các tổ chức kinh tế của các nước với nhau.

c) Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia

Độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia là thiêng liêng. Bởi vậy, việc thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế không được làm tổn hại tới độc lập và chủ quyền của đất nước. Quý trọng độc lập và chủ quyền của đất nước mình cũng có nghĩa là phải tôn trọng độc lập và chủ quyền của các nước khác. Do vậy, việc thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế phải dựa trên nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia.

Nguyên tắc này bắt nguồn từ nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia với nhau. Nó cũng bắt nguồn từ nguyên tắc cùng có lợi, mà xét đến cùng là cùng có lợi về mặt kinh tế với tư cách là cơ sở để cùng có các lợi ích khác về chính trị, quân sự, xã hội...

Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên trong hai hoặc nhiều bên phải thực hiện đúng các yêu cầu sau:

- Tôn trọng các điều khoản trong các nghị định thư và trong hợp đồng kinh tế đã ký kết.

- Không đưa ra những điều kiện có phương hại đến lợi ích của nhau. - Không được dùng các thủ đoạn có tính can thiệp vào nội bộ của quốc gia có quan hệ, nhất là dùng thủ đoạn kinh tế, kỹ thuật và kích động để can thiệp vào đường lối chính trị của các quốc gia đó.

d) Nguyên tắc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế phải nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội

Trong cộng đồng quốc tế, nếu xét về trình độ kinh tế kỹ thuật, giữa các quốc gia có điểm xuất phát và trình độ phát triển không đều nhau. Có thể phân thành hai loại: nước có nền kinh tế phát triển và nước có nền kinh tế đang phát triển hay kém phát triển.

Ở những nước có nền kinh tế kém phát triển, nhiều vấn đề gay cấn được đặt ra, trong đó khó khăn lớn nhất là trình độ kỹ thuật lạc hậu và thiếu vốn. Vì vậy, đối với những nước này và đối với Việt Nam, việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế phải nhằm đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đạt tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cao.

Đây chính là mục tiêu của việc thiết lập và phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do đó, tất cả các hoạt động kinh tế quốc tế mà chúng ta đang thực hiện đều phải xuất phát từ mục tiêu đó; phát triển quan hệ kinh tế quốc tế phải nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội là nguyên tắc cơ bản.

Bốn nguyên tắc nói trên có liên quan mật thiết với nhau, đều có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Xa rời những nguyên tắc đó sẽ không thực hiện được hoặc làm hạn chế tốc độ và hiệu quả của việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia. Đặc điểm nổi bật hiện nay là mở rộng quan hệ kinh tế không tách rời với đấu tranh chính trị. Cho nên, trong chính sách đối ngoại của đất nước ta, phải kiên trì tính nguyên tắc, giữ vững mục tiêu, đồng thời phải linh hoạt, khôn khéo trong sách lược.

Về những vấn đề này, Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VIII đã chỉ rõ: “Mở rộng quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực; bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hoà bình; làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền”. 1

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w