Bản chất của quan hệ phân phố

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 93 - 94)

II. QUAN HỆ PHÂN PHỐI TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

1.Bản chất của quan hệ phân phố

Phân phối là một khâu của quá trình tái sản xuất, do sản xuất quyết định. Đồng thời, phân phối còn là một mặt của quan hệ sản xuất, do quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất quyết định. Tính chất, đặc điểm của quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất quyết định tính chất, đặc điểm của quan hệ phân phối. Kết qủa của phân phối biểu hiện trực tiếp mức độ thực hiện các lợi ích kinh tế.

Mặc dù do quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất quyết định, quan hệ phân phối có vị trí độc lập tương đối, tác động trở lại quan hệ sở hữu. Nếu phân phối thu nhập công bằng, hợp lý sẽ có tác dụng củng cố quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất và ngược lại, sẽ làm sói mòn, thậm chí phá hoại quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nền kinh tế có nhiều thành phần, tức là có nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Tương ứng với mỗi hình thức sở hữu tư liệu sản xuất sẽ có một hình thức phân phối thu nhập. Như vậy, trong nền kinh tế nhiều thành phần có nhiều hình thức phân phối thu nhập.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn tồn tại nhiều hình thức tổ chức sản xuất, nhiều hình thức kinh doanh khác nhau, ngay trong cùng một hình thức sở hữu. Chẳng hạn, trong khu vực kinh tế nhà nước, có công ty một trăm phần trăm vốn nhà nước, có công ty liên doanh, công ty cổ phần... Trong thành phần kinh tế tư bản tư nhân có công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần... Trong mỗi hình thức công ty trên đây có phương thức phân phối thu nhập khác nhau.

Cơ chế kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cơ chế thị trường. Do đó, phân phối thu nhập còn chịu sự chi phối của các quy luật thị trường. Trong cơ chế thị trường, các yếu tố sản xuất như: vốn, sức lao động, đất đai, công nghệ đều trở thành hàng hoá. Do đó, người sở hữu và sử dụng những yếu tố này sẽ được phân phối thu nhập. Mức thu nhập từ các yếu tố sản xuất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là các tác nhân của thị trường.

Nền kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lẽ đương nhiên, vận động theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nhân tố quan trọng chi phối quan hệ phân phối thu nhập. Định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phân phối thu nhập phải theo những nguyên tắc nhất định, phải công bằng. Nhưng công bằng trong phân phối không phải ngay lập tức xuất hiện, ngay cả trong điều kiện chuyên chính vô sản. Sự công bằng trong phân phối thu nhập tuỳ thuộc chủ yếu vào trình độ phát triển của nền sản xuất xã hội, vào vấn đề sở hữu các yếu tố sản xuất và sự tác động của nhà nước.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trình độ phát triển lực lượng sản xuất còn chưa cao, do đó, trong khu vực kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất cũng chưa thể phân phối theo nhu cầu, mà phải phân phối theo lao động. Hình thức phân phối này công bằng hơn phân phối theo giá trị sức lao động và theo tư bản trong chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn mang tính chất pháp quyền tư sản (phân phối căn cứ vào mức độ đóng góp) nên vẫn chưa hoàn toàn công bằng.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế có nhiều thành phần, có sự khác biệt về sở hữu các yếu tố sản xuất: vốn, công nghệ ... Trong cơ chế thị trường, thu nhập được phân phối theo các yếu tố sản xuất. Điều đó tất yếu dẫn đến chênh lệch về mức thu nhập, mức sống của dân cư.

Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự củng cố và hoàn thiện của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chính sách phân phối thu nhập của nhà nước sẽ góp phần làm cho việc phân phối thu nhập ngày càng công bằng hơn.

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 93 - 94)