II. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA
6. Chính sách tín dụng
Thu nhập của cư dân nông thôn nhìn chung rất thấp và sản xuất nông nghiệp lại rất nhạy cảm với điều kiện thời tiết. Do vậy, từ nghìn đời nay, hiện tượng vay nợ lãi đã tồn tại phổ biến ở nông thôn. Điều đó ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân nông thôn. Không ít gia đình nông dân bị bần cùng vì nạn cho vay nặng lãi, vì nợ truyền kiếp.
Ngày nay, thu nhập và đời sống của người nông dân đã được cải thiện đáng kể nhưng tình trạng thiếu vốn trong sản xuất - kinh doanh vẫn tồn tại phổ biến ở nông thôn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Không ít gia đình nông dân vì không có vốn sản xuất, kinh doanh mà rơi vào tình trạng nghèo đói.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, chức năng của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ và lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất của họ. Xét thuần tuý về kinh tế, cho người nghèo vay tiền có nghĩa là đầu tư vào lĩnh vực có độ rủi ro cao và vì thế tất yếu ngân hàng thương mại không muốn cho người nghèo vay tiền, nếu cho vay thì số lượng ít và lãi suất cao. Điều đó có nghĩa là người nông dân khó vay tiền, phải chịu lãi suất cao và do đó khó có cơ hội để cải thiện và nâng cao mức thu nhập, mức sống. Đây là nghịch lý, xét về phương diện xã hội và trái với việc thực hiện
định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, nhà nước cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho nông dân.
Chính sách tín dụng phải đáp ứng được các yêu cầu chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho nông dân có thể vay được tiền để sản xuất, kinh doanh với lãi suất thị trường.
Thứ hai, giúp đỡ nông dân sử dụng có hiệu quả đồng vốn, vừa hạn chế rủi ro khi cho vay, vừa giúp nông dân nâng cao mức thu nhập, mức sống.