0
Tải bản đầy đủ (.doc) (125 trang)

BẢN CHẤT, CHỨC NĂNG VÀ VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH

Một phần của tài liệu GIAO TRINH KTCT2 POT (Trang 77 -81 )

1. Bản chất của tài chính

Trong bất kỳ xã hội nào, kết qủa của quá trình sản xuất cần được phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư và nhu cầu của sản xuất. Trong nền kinh tế hàng hoá, kết qủa của sản xuất không chỉ được phân phối dưới hình thức hiện vật mà còn được phân phối dưới hình thức giá trị.

Kết qủa của quá trình sản xuất trước hết được phân phối cho các chủ thể kinh tế tham gia trực tiếp vào quá trình đó, hình thành thu nhập của các chủ thể này. Tiền lương là thu nhập của người lao động; lợi nhuận là thu nhập của chủ doanh nghiệp; thuế là thu nhập của nhà nước.

Sau phân phối lần đầu, nhà nước còn phân phối lại một phần thu nhập của các chủ thể kinh tế khác nhằm đảm bảo những hoạt động của nhà nước, hoạt động công cộng và đảm bảo cuộc sống cho các thành viên của xã hội không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất xã hội. Thu nhập của nhà nước được cấp phát để duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước, trả lương cho đội ngũ cán bộ thuộc biên chế nhà nước, đáp ứng nhu cầu các hoạt động xã hội: văn hoá, y tế, thể dục thể thao; đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội như: xoá đói, giảm nghèo; trợ cấp xã hội ...

Tất cả các hoạt động liên quan đến việc phân phối thu nhập, đến sự hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu của các cá nhân và của xã hội được gọi là hoạt động tài chính.

Trong nền kinh tế thị trường, vốn là một trong các nguồn lực cơ bản. Việc phân bổ các nguồn vốn thông qua quan hệ trực tiếp giữa các chủ thể kinh tế hoặc thông qua các quan hệ thị trường, các trung gian tài chính cũng được gọi là hoạt động tài chính.

Tài chính là hệ thống quan hệ kinh tế biểu hiện trong việc hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ thể kinh tế trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của đời sống kinh tế - xã hội.

Từ những điều trình bày trên đây, có thể thấy rằng, tài chính có các đặc trưng chủ yếu sau:

Thứ nhất, tài chính là quan hệ kinh tế mang hình thức tiền tệ. Do đó, tài chính là phạm trù kinh tế của kinh tế thị trường, phản ánh quan hệ sản xuất. Là phạm trù kinh tế của kinh tế thị trường, quan hệ tài chính chịu sự chi phối của các quy luật thị trường.

Thứ hai, trong quan hệ tài chính, giá trị được chuyển dịch từ chủ thể này sang chủ thể khác. Sự chuyển dịch đó có thể không đòi hỏi phải có bồi hoàn trực tiếp. Chẳng hạn, nhà nước cấp phát tiền cho các cơ quan hành chính sự nghiệp, cho các doanh nghiệp, cho hoạt động quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp, công dân có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước... Sự chuyển dịch đó có thể phải có bồi hoàn. Chẳng hạn, hoạt động tín dụng, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán...

Thứ ba, quan hệ tài chính mang tính khách quan nhưng lại phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của các chủ thể kinh tế như doanh nghiệp, hộ gia đình... Bởi vậy, việc nhận thức quan hệ này và sử dụng nó để điều tiết các hoạt động của các chủ thể kinh tế đó là hết sức cần thiết.

2. Các chức năng của tài chính

Tài chính có các chức năng chủ yếu sau:

a) Chức năng phân phối

Trong nền kinh tế hàng hoá, tiền tệ là hiện thân của của cải. Do đó, phân phối của cải có thể được thực hiện dưới hình thức tiền tệ. Bởi vậy, tài chính có chức năng quan trọng là phân phối.

Phân phối gồm phân phối lần đầu và phân phối lại. Phân phối lần đầu hình thành thu nhập của các chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất như người lao động, chủ doanh nghiệp, nhà nước; phân phối lại hình thành thu nhập của các chủ thể không trực tiếp tham gia vào quá trình đó: những người làm việc trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp, những người không có khả năng hoặc không còn khả năng lao động ... Chức năng này làm cho các hoạt động tài chính trở nên đặc biệt cần thiết trong cơ chế thị trường và tài chính trở thành công cụ quan trọng của nhà nước để điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, huy động các nguồn tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu của các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác.

Quá trình phân phối hình thành thu nhập hay quỹ tiền tệ của các chủ thể kinh tế. Nhưng không phải bất cứ chủ thể nào cũng có thể sử dụng hiệu quả quỹ tiền tệ của mình. Trong khi đó lại có những chủ thể không có đủ quỹ tiền tệ cần thiết cho các hoạt động của mình. Do đó, quan hệ tài chính dưới các hình thức như: tín dụng, mua bán các chứng khoán...là tất yếu khách quan.

Các hoạt động tín dụng, mua bán các chứng khoán... làm tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng tiền tệ. Điều này có lợi cho cả hai phía: người sở hữu có thu nhập; người sử dụng nhờ hoạt động kinh doanh cũng có thu nhập. Đồng thời, xã hội cũng có lợi: tập trung được những khoản tiền nhỏ, phân tán cho đầu tư; dòng vốn có thể chuyển từ nơi có hiệu quả thấp đến nơi có hiệu quả cao.

b) Chức năng giám đốc

Từ việc thực hiện chức năng phân phối, chủ thể của các hoạt động tài chính có thể hiểu rõ quá trình hình thành và tình hình sử dụng các nguồn tài chính. Chẳng hạn, khi nộp thuế cho nhà nước, doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động của mình cho các cơ quan chức năng của nhà nước; các cơ quan hành chính - sự nghiệp hoạt động bằng nguồn tài chính do nhà nước cấp phát phải báo cáo việc sử dụng các nguồn tài chính cho các cơ quan chức năng của nhà nước... Từ đó nhà nước có thể nắm chắc tình hình và điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cũng như các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Như vậy, tài chính có chức năng giám sát, đôn đốc hoạt động của các chủ thể, từ các doanh nghiệp cho đến các cơ quan hành chính - sự nghiệp. Từ chức năng này, tài chính trở thành công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của nhà nước.

3. Vai trò của tài chính trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở ViệtNam Nam

Bản chất và các chức năng của tài chính quy định vai trò của nó. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tài chính có các vai trò chủ yếu sau đây:

a) Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Vốn là nguồn lực hết sức quan trọng trong cơ chế thị trường. Để giải quyết nhu cầu về vốn, các chủ thể kinh tế phải sử dụng các quan hệ tài chính.

Nhà nước có thể huy động vốn bằng tăng thuế, bán các loại trái phiếu trên thị trường chứng khoán...; doanh nghiệp có thể huy động vốn dưới hình thức tín dụng ngân hàng, phát hành cổ phiếu... Bằng các hình thức đó, quan hệ tài chính đã làm cho các nguồn tiền tệ nhàn rỗi trong xã hội được huy động. Đồng thời, do tác động của lãi suất ngân hàng và thị giá của các loại chứng khoán, dòng vốn được di chuyển từ nơi có hiệu quả thấp đến nơi có hiệu quả cao.

Trong điều kiện nền kinh tế mở, các quan hệ tài chính không chỉ huy động và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn trong nước, mà còn có thể thu hút được các nguồn vốn nước ngoài.

Như vậy, sử dụng các quan hệ tài chính là hết sức cần thiết và chỉ như vậy mới có khả năng giải quyết được khó khăn về vốn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển.

b) Điều tiết các hoạt động kinh tế

Nền kinh tế thị trường có nhiều ưu việt nhưng cũng có nhiều khuyết tật. Việc khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính ổn định, công bằng và hiệu quả, từ đó, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Để khắc phục những khuyết tật đó, nhà nước có thể sử dụng công cụ tài chính.

Để hạn chế tính chu kỳ, nhà nước có thể tăng thuế, thu hẹp đầu tư khi nền kinh tế ở trong trạng thái quá nóng; giảm thuế, tăng đầu tư khi nền kinh tế ở vào giai đoạn trì trệ, suy thoái.

Nhà nước sử dụng khả năng tài chính đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực khoa học - công nghệ mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng đầu tư. Đó là những điều kiện hết sức cần thiết cho nền kinh tế tăng trưởngnhanh và bền vững.

Bằng công cụ tài chính, nhà nước có thể điều chỉnh cơ cấu kinh tế cho phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong từng giai đoạn. Nhà nước có thể tác động cả vào cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu các vùng kinh tế và cả cơ cấu các thành phần kinh tế, làm cơ cấu của nền kinh tế thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chẳng hạn, nhà nước có thể đánh thuế cao vào những ngành, lĩnh vực tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường ... giảm thuế, miễn thuế, thậm chí trợ cấp hoặc đầu tư cho các ngành, lĩnh vực cần khuyến khích.

Nền kinh tế thị trường không tự phát đi lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, nhà nước cần phải định hướng nền kinh tế. Tài chính là công cụ quan trọng nhà nướccó thể sử dụng để thực hiện sự định hướng đó.

Trước hết, cùng với các giải pháp khác, nhà nước có thể đầu tư để hiện đại hoá một số doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước có thể đổi mới thiết bị công nghệ, nhờ đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Nhà nước cũng có thể đầu tư xây dựng mới các doanh nghiệp của mình trong các lĩnh vực then chốt. Như thế, tài chính sẽ góp phần xây dựng kinh tế nhà nước thành thành phần kinh tế chủ đạo, định hướng nền kinh tế lên chủ nghĩa xã hội.

c) Điều tiết lợi ích giữa các thành phần kinh tế, thực hiện công bằng xã hội

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sự khác biệt về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất sẽ dẫn đến bất công trong phân phối thu nhập. Sự bất

công này trong chừng mực nhất định sẽ tạo động lực cho các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” đòi hỏi phải hạn chế sự bất công đó. Tài chính là công cụ quan trọng để thực hiện công bằng xã hội. Thông qua các hình thức thuế, trước hết là thuế thu nhập, nhà nước có thể điều tiết một phần thu nhập của những người có thu nhập cao. Bằng các quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ tạo việc làm, quỹ trợ cấp, quỹ hỗ trợ người nghèo học giỏi... nhà nước trực tiếp làm tăng thu nhập cho người nghèo, hạn chế bớt chênh lệch giàu nghèo.

d) Đảm bảo những điều kiện vật chất cho hoạt động của các cơ quan nhà nước và các hoạt động công cộng; củng cố quốc phòng, an ninh.

Trong xã hội có giai cấp, sự tồn tại của nhà nước là khách quan. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhà nước chuyên chính vô sản còn có chức năng quan trọng là tổ chức xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được các chức năng đó, cần phải có những phương tiện vật chất. Từ chức năng phân phối, tài chính sẽ cung cấp những phương tiện vật chất cho các cơ quan chức năng của nhà nước.

Các hoạt động như: văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục thể thao... mang tính chất công cộng rất cao và rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Tài chính sẽ phải cung cấp những phương tiện chủ yếu đảm bảo cho các hoạt động này.

Xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Chi tiêu của ngân sách nhà nước cho quân đội, công an và các lực lượng dân quân, tự vệ trực tiếp làm tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh. Các hoạt động tài chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm tăng tiềm lực kinh tế quân sự, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Một phần của tài liệu GIAO TRINH KTCT2 POT (Trang 77 -81 )

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×