II. QUAN HỆ PHÂN PHỐI TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
2. Các hình thức phân phối trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
ở Việt Nam
a) Phân phối theo lao động
+ Tính tất yếu khách quan. Sức lao động là một yêú tố của quá trình sản xuất. Do đó, người đóng góp sức lao động sẽ được phân phối thu nhập.
Nếu người lao động không phải là người chủ của tư liệu sản xuất thì phần thu nhập mà họ nhận được sẽ không căn cứ vào kết qủa lao động của họ. Chẳng hạn, trong chế độ chiếm hữu nô lệ, người nô lệ chỉ được phân
phối ở mức tối thiểu, thậm chí dưới cả mức tối thiểu để tái sản xuất sức lao động; dưới chủ nghĩa tư bản, người lao động được phân phối căn cứ vào giá trị sức lao động của họ. Chỉ khi nào người lao động làm chủ tư liệu sản xuất thì phân phối thu nhập mới vì lợi ích của họ, tức là phân phối theo lao động.
Sau khi lật đổ chính quyền cũ, thiết lập chuyên chính vô sản, quyền làm chủ về tư liệu sản xuất của người lao động từng bước được thiết lập. Trong khu vực kinh tế dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể), người lao động làm chủ tư liệu sản xuất. Do đó, trong khu vực này, sự tồn tại của hình thức phân phối theo lao động là tất yếu.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kinh tế hộ gia đình tồn tại khách quan. Mỗi gia đình đều có những tiềm năng nhất định về lao động, vốn liếng, kinh nghiệm sản xuất... Kinh tế hộ gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc tận dụng các nguồn lực đó. Mặc dù trong phạm vi từng gia đình các nguồn lực không lớn nhưng trong phạm vi xã hội các nguồn lực trong các hộ gia đình là rất đáng kể. Bởi vậy, phát triển kinh tế hộ là rất cần thiết. Trong các hộ gia đình, người lao động đồng thời là chủ tư liệu sản xuất. Do đó, thu nhập của các hộ gia đình có nhiều nguồn gốc, trong đó có thu nhập từ lao động. Dưới góc độ xã hội, thu nhập đó là kết qủa của phân phối theo lao động.
Trong chủ nghĩa xã hội chưa thể phân phối theo nhu cầu mà phải phân phối theo lao động vì:
- Lực lượng sản xuất phát triển chưa cao, của cải chưa “dào dạt”, chưa cho phép phân phối theo nhu cầu.
- Trong chủ nghĩa xã hội vẫn còn sự khác biệt giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa lao động phức tạp và lao động giản đơn. Để kích thích sản xuất phát triển, cần phải trả công khác nhau cho lao động có chất lượng khác nhau.
- Trong chủ nghĩa xã hội, tâm lý ngại lao động, chây lười, làm ít muốn hưởng nhiều... vẫn tồn tại. Do đó, phân phối theo lao động sẽ có tác dụng hạn chế những thói hư tật xấu này.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng sản xuất chưa phát triển cao, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mới được thiết lập, chưa được hoàn thiện thì càng không thể phân phối theo nhu cầu.
+ Nội dung phân phối theo lao động
Phân phối theo lao động là việc phân phối thu nhập căn cứ vào số lượng, chất lượng lao động. Điều đó có nghĩa là người làm nhiều, làm tốt hưởng nhiều; người làm ít hưởng ít; ai không làm không hưởng.
Phân phối theo lao động không có nghĩa là toàn bộ sản phẩm thuộc về người lao động. Theo quy luật phân phối tổng sản phẩm xã hội của C.Mác thì trong bất kỳ xã hội nào, người lao động không thể được hưởng toàn vẹn sản phẩm của lao động.
Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, hộ gia đình là những chủ thể kinh tế độc lập, tự chịu trách nhiệm về kết qủa sản xuất kinh doanh. Do đó, phân phối theo lao động sẽ được thực hiện trong phạm vi các tổ chức kinh tế đó. Hơn nữa, kết qủa phân phối còn phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, vào điều kiện thị trường. Như vậy, phân phối theo lao động không có nghĩa là đóng góp lao động như nhau sẽ được hưởng thụ như nhau, nếu người lao động làm việc trong những doanh nghiệpkhác nhau, trong cùng một thành phần kinh tế.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tồn tại nhiều hình thức sở hữu hỗn hợp, đan xen: công ty liên doanh, công ty cổ phần... Do đó, ngay trong khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cũng tồn tại nhiều hình thức phân phối.
+ Tác dụng của phân phối theo lao động
- Phân phối theo lao động làm cho mức thu nhập, mức sống của người lao động trực tiếp phụ thuộc vào kết qủa lao động. Do đó, để nâng cao mức thu nhập, mức sống người lao động phải quan tâm tới kết qủa lao động của bản thân mình và những người có liên quan. Vì vậy, phân phối theo lao động có tác dụng thúc đẩy người lao động tích cực lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng suất lao động, củng cố kỷ luật lao động ...
- Phân phối theo lao động làm cho mức thu nhập, mức sống của người lao động trực tiếp phụ thuộc vào không chỉ số lượng lao động, mà còn phụ thuộc vào chất lượng lao động của họ. Điều đó thúc đẩy người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, nâng cao tay nghề; giữ gìn và nâng cao sức khoẻ, thể lực.
- Phân phối theo lao động tạo nguồn thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động đảm bảo.
Như vậy, phân phối theo lao động không chỉ có tác dụng tích cực với sản xuất mà cả đời sống. Bởi vậy, phân phối theo lao động rất cần được khuyến khích.
+ Hạn chế của phân phối theo lao động
Phân phối theo lao động là một bước tiến về công bằng trong phân phối thu nhập. Tuy nhiên, phân phối theo lao động vẫn chưa thật sự công bằng, vẫn còn mang tính pháp quyền tư sản. Sự công bằng ở đây được hiểu theo nghĩa “quyền của người sản xuất là tỷ lệ với lao động mà người ấy
cung cấp”1, và vì thế “với một công việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu dùng của xã hội thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia”.2 Điều đó thể hiện ở chỗ:
- Khả năng lao động của mỗi người không giống nhau, do đó mức thu nhập, mức sống của họ sẽ chênh lệch.
- Ngay cả khi khả năng lao động như nhau, mức sống của họ cũng không giống nhau vì mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Đến chủ nghĩa cộng sản, khi lực lượng sản xuất phát triển cao, của cải dồi dào, phân phối theo nhu cầu được thực hiện thì mới thật sự công bằng trong phân phối; khi đó mọi cá nhân sẽ có những điều kiện cần thiết cho sự phát triển tự do và toàn diện.
b) Phân phối theo giá trị sức lao động
Trong cơ chế thị trường, sự tồn tại của thị trường hàng hoá sức lao động là khách quan. Khi bán sức lao động, người nhận được tiền lương, tức là được phân phối căn cứ vào giá trị sức lao động của họ.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cơ chế kinh tế là cơ chế thị trường. Trong cơ chế này, sự tồn tại và hoạt động của thị trường lao động là khách quan. Do vậy, phân phối theo giá trị sức lao động là tất yếu.
Phân phối theo giá trị sức lao động có nghĩa là phân phối thu nhập căn cứ vào giá trị những tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động. Người lao động càng có học vấn cao, tay nghề cao, sức khoẻ tốt thì giá trị sức lao động của họ càng cao. Hơn nữa, trong điều kiện cung lao động tăng nhanh, những người lao động cạnh tranh với nhau cũng phải tìm cách nâng cao chất lượng sức lao động của mình. Do đó, phân phối theo giá trị sức lao động có tác dụng kích thích người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, nâng cao tay nghề.
Việc sử dụng hàng hoá sức lao động thuộc quyền của người mua. Người bán sức lao động phải làm việc dưới sự giám sát của họ. Do vậy, phân phối theo giá trị sức lao động buộc người lao động chấp hành nghiêm kỷ luật lao động.
Trong cơ chế thị trường, giá cả của hàng hoá sức lao động, tức là thu nhập của người bán sức lao động, không chỉ tuỳ thuộc vào giá trị của nó, mà còn tuỳ thuộc vào các nhân tố thị trường: quan hệ cung - cầu về sức lao động, chính sách của nhà nước...
1 C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.19, tr.34 2 s.đ.d tr.35 2 s.đ.d tr.35
Vì giá cả của hàng hoá sức lao động chịu tác động của nhiều nhân tố trên thị trường cho nên phân phối theo giá trị sức lao động có những hạn chế rất quan trọng là làm cho đời sống người lao động trở nên bấp bênh, không ổn định. Trong điều kiện dân số tăng nhanh, sức ép của cung về lao động rất lớn làm cho tìm kiếm việc làm trở nên rất khó khăn, người lao động bị lệ thuộc vào giới chủ và phải chấp nhận mức tiền lương thấp, tạo ra bất công trong phân phối thu nhập. Vì vậy, việc nhà nước điều tiết nhằm hạn chế sự bất công đó là rất cần thiết.
c) Phân phối theo tài sản
Trong cơ chế thị trường, vốn là nguồn lực quan trọng của sản xuất và do đó, người sở hữu và sử dụng vốn sẽ được phân phối thu nhập. Người sở hữu vốn, nếu nhượng quyền sử dụng cho người khác, tức là bán hàng hoá vốn sẽ được phân phối thu nhập dưới hình thức lãi suất. Những người sử dụng vốn, tức là đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ có thu nhập dưới hình thức lợi nhuận.
Trong cơ chế thị trường, đất đai là nguồn lực quan trọng của sản xuất, kinh doanh và do đó, người sở hữu đất đai cũng được phân phối thu nhập. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thay mặt toàn dân để thực hiện quyền sở hữu đó. Do đó, nhà nước có thu nhập dưới hình thức thuế sử dụng đất. Các cá nhân, hộ gia đình được giao quyền sử dụng đất. Nếu họ nhượng quyền sử dụng đất cho người khác sẽ được phân phối thu nhập dưới hình thức tiền cho thuê nhà, đất.
Như vậy, phân phối thu nhập theo tài sản là khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hình thức phân phối này có tác dụng quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh nhờ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, hình thức phân phối này có thể làm gia tăng giãn cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
d) Phân phối thông qua các quỹ phúc lợi công cộng
Đây là hình thức phân phối rất cần thiết nhằm bổ xung cho các hình thức phân phối khác. Sở dĩ như vậy là vì, trong xã hội có những người không có hoặc không còn khả năng lao động và cũng không có tài sản: những người tàn tật, những người về hưu... Xã hội có trách nhiệm phải đảm bảo cuộc sống cho những người này từ các quỹ tiêu dùng công cộng (quỹ lương hưu, quỹ trợ cấp...). Đồng thời, trong xã hội luôn có những người có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn rất cần có sự hỗ trợ của xã hội từ các quỹ phúc lợi công cộng (quỹ xoá đói, giảm nghèo; quỹ hỗ trợ người nghèo học tập, chữa bệnh...).
Mọi cá nhân với tư cách là thành viên của xã hội, của doanh nghiệp còn được hưởng phúc lợi chung từ quỹ phúc lợi xã hội, quỹ phúc lợi doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể.
Phân phối thông qua các quỹ phúc lợi công cộng cần thiết với mọi xã hội. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hình thức phân phối này có tác dụng ổn định xã hội, tạo điều kiện để một bộ phận dân cư có thể tồn tại và phát triển, thực hiện công bằng xã hội.