II. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA
3. Phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần
Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần có rất nhiều ưu việt và sử dụng cơ cấu này là tất yếu khách quan cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và cho khu vực kinh tế nông thôn.
Kinh tế cá thể, tiểu chủ (ở nông thôn còn gọi là kinh tế hộ gia đình) là hình thức kinh tế phổ biến ở nông thôn trong các làng nghề, trong các hoạt động dịch vụ và trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do lực lượng sản xuất còn thấp kém, kinh tế hộ gia đình có vai trò to lớn trong việc khai thác các tiềm năng đất đai, vốn, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất cuả dân cư ...Do đó, kinh tế hộ gia đình có vai trò to lớn trong việc phát triển lực lượng sản xuất.
Để phát triển kinh tế hộ gia đình cần có nhiều điều kiện: đất đai, vốn liếng, thị trường...và những hàng hoá công cộng như: hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông, trạm biến thế, đường dây tải điện... Xác lập những điều kiện này vượt xa khả năng cuả các hộ gia đình và điều đó có nghĩa là kinh tế hộ gia đình rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước và các thành phần kinh tế khác.
Kinh tế hộ gia đình, dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nên không tránh khỏi tính tự phát, bị phân hoá... Do đó, phát triển kinh tế nông thôn không thể chỉ có kinh tế hộ gia đình mà rất cần sự có mặt của các thành phần kinh tế khác.
Kinh tế nhà nước. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Do đó, hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có đặc điểm riêng, không giống trong công nghiệp. Nhìn chung, khi lực lượng sản xuất còn thấp kém, kinh tế hộ gia đình là hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức khác. Bởi vậy, kinh tế nhà nước trong nông nghiệp dưới hình thức nông trường quốc doanh khó chứng minh được ưu thế của mình về hiệu quả. Do vậy, việc phát triển các nông trường quốc doanh rất cần được cân nhắc. Nhưng kinh tế hộ cũng có những nhược điểm cố hữu, khó có thể tự khắc phục. Do quy mô nhỏ, kinh tế hộ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra và giải quyết các yếu tố đầu vào như giống, thuỷ lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ... Các doanh nghiệp nhà nước lại có nhiều ưu thế trong những lĩnh vực này. Do đó, kinh tế nhà nước ở nông thôn trong lĩnh vực dịch vụ dưới các hình thức: trạm giống, công ty bảo vệ thực vật, công ty thuỷ lợi, công ty thương mại...là hết sức cần thiết đối với nông nghiệp, nông thôn. Hơn nữa, đây là
những vị trí then chốt trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, do đó, nếu kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí này, một mặt, kinh tế nhà nước có khả năng đóng góp to lớn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; mặt khác, sẽ tạo điều kiện cho kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, định hướng nông nghiệp, nông thôn lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, phát triển kinh tế nhà nước ở nông nghiệp, nông thôn là hết sức cần thiết nhưng cũng cần cân nhắc trong từng khâu, từng lĩnh vực cụ thể.
Kinh tế tập thể là sự liên kết một cách tự nguyện của những người nông dân, thợ thủ công trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hình thức chủ yếu của kinh tế tập thể là các hợp tác xã.
Khi nông nghiệp đã vượt qua giai đoạn tự cung, tự cấp, từng bước chuyển sang kinh tế hàng hoá, kinh tế hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Nếu các hộ gia đình liên kết với nhau trong các hợp tác xã thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn; việc sử dụng các yếu tố đầu vào sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Có thể nói rằng, kinh tế tập thể là sự phát triển tất yếu của kinh tế hộ gia đình.
Kinh tế tư bản tư nhân tồn tại khách quan ở nông thôn và cũng là sự phát triển tự nhiên của kinh tế hộ gia đình. Sự phát triển của thành phần kinh tế này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn vì đây là thành phần kinh tế rất năng động trong cơ chế thị trường, có khả năng về vốn liếng, về tổ chức quản lý, về kinh nghiệm sản xuất, về khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ ... Đây là thành phần kinh tế sẽ có đóng góp to lớn trong việc đưa nông nghiệp, nông thôn lên sản xuất lớn. Nhưng thành phần kinh tế này cũng có mặt trái, tác động tiêu cực đến sự phát triển nông thôn. Sự phát triển của kinh tế tư bản tư nhân sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy phân hoá giàu nghèo ở nông thôn.
Kinh tế trang trại là một hình thức của kinh tế tư bản tư nhân ở nông thôn. Hình thức kinh tế này có nhiều ưu thế nhờ quy mô khá lớn và đặc biệt là tỷ suất nông phẩm hàng hoá rất cao. Đây là bộ phận quan trọng của nền nông nghiệp hàng hoá. Do đó, phát triển nền nông nghiệp hàng hoá không thể không chú ý tới hình thức kinh tế này. Phát triển kinh tế trang trại ở nước ta đã được khẳng định. Tuy nhiên, sự phát triển của hình thức kinh tế này đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề như: quan hệ ruộng đất, vốn, công nghệ, thị trường ...