Tính thống nhất và mâu thuẫn của các thành phần kinh tế

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 29 - 31)

a) Tính thống nhất

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cơ chế thị trường tồn tại khách quan và trong cơ chế đó, các thành phần kinh tế không tồn tại biệt lập. Mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân thống nhất. Sự phát triển của mỗi thành phần đều góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Mỗi thành phần kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất tuy có sự độc lập tương đối và có bản chất riêng, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong môi trường chung, cùng chịu tác động của các nhân tố, các quy luật thị trường. Đồng thời, các thành phần kinh tế tác động lẫn nhau, cả tích cực và tiêu cực. Sự biến đổi của thành phần kinh tế này sẽ ảnh hưởng

đến các thành phần kinh tế khác. Hơn thế nữa, các thành phần kinh tế có thể liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh. Trong nền kinh tế quốc dân thống nhất do nhà nước hướng dẫn, điều tiết, các chủ thể sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế vừa hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau và cùng bình đẳng trước pháp luật.

b) Sự mâu thuẫn

Các thành phần kinh tế mâu thuẫn với nhau vì mỗi thành phần kinh tế có đặc điểm riêng về quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất. Do quy luật kinh tế hình thành, hoạt động trên cơ sở quan hệ sản xuất, cho nên ở mỗi thành phần kinh tế vừa có các quy luật kinh tế chung, vừa có các quy luật kinh tế đặc thù hoạt động, chi phối mỗi thành phần. Như vậy, mỗi thành phần kinh tế mang bản chất kinh tế khác nhau, có các lợi ích kinh tế khác nhau, thậm chí đối lập với nhau.

Mâu thuẫn giữa các thành phần kinh tế làm cho cạnh tranh trở thành tất yếu. Cạnh tranh là động lực quan trọng để cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất. Do đó, nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi cho cạnh tranh. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là mâu thuẫn giữa một bên là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư bản nhà nước với một bên là tính tự phát tư sản và tiểu tư sản của kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế cá thể, tiểu chủ... ngày càng trở nên gay gắt cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Giải quyết mâu thuẫn theo hướng tăng cường vị thế của các thành phần kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là nhiệm vụ căn bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, giải quyết các mâu thuẫn đó như thế nào là việc không đơn giản. Những mâu thuẫn này không thể được giải quyết bằng biện pháp hành chính đơn thuần, bằng ý chí chủ quan, bằng bạo lực... , mà phải bằng cách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ấy phát triển mạnh mẽ, có lợi cho quốc kế dân sinh, hướng các thành phần kinh tế tư nhân đi vaò con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước, thông qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau: hiệp tác, liên kết, liên doanh; bằng việc nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể...

Tóm lại, trong nền kinh tế tồn tại nhiều thành phần, sự thống nhất và mâu thuẫn giữa chúng là khách quan. Sự thống nhất và mâu thuẫn làm cho các thành phần kinh tế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Trong quá trình cạnh tranh và hợp tác, từng thành phần kinh tế tồn tại với tư cách là đơn vị sản xuất hàng hoá đều đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế và cần có sự quản lý của nhà nước nhằm đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, đem lại thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Các thành phần kinh tế cần được thừa

nhận và tạo điều kiện để chúng tồn tại phát triển. Đồng thời, các thành phần kinh tế cần được bình đẳng trên mọi phương diện.

Nền kinh tế nhiều thành phần là cơ sở tồn tại các giai cấp hoặc tầng lớp xã hội khác nhau mà tổng hợp toàn bộ các giai cấp hoặc tầng lớp xã hội đó tạo thành cơ cấu xã hội - giai cấp. Trong cơ cấu xã hội - giai cấp ấy, mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp xã hội, các chủ thể sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đều có những lợi ích kinh tế riêng, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau.

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 29 - 31)