SỰ CẦN THIẾT KHÁCH QUAN PHÁT TRIỂN KINH TẾ HÀNG HOÁ Ở NƯỚC TA

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 33 - 34)

Ở NƯỚC TA

Những hình thức đầu tiên của sản xuất hàng hoá xuất hiện ngay từ thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ và chúng tiếp tục tồn tại và phát triển ở các phương thức sản xuất tiếp theo. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, kinh tế hàng hoá tồn tại và phát triển là một tất yếu khách quan. Điều đó xuất phát từ các lý do chủ yếu sau đây:

- Phân công lao động xã hội là cơ sở tồn tại và phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hoá. Nền kinh tế nước ta hiện nay bao gồm nhiều ngành kinh tế khác nhau và đang xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới với trình độ chuyên môn hoá cao hơn. Hơn thế nữa, chuyên môn hoá và hợp tác hoá sản xuất trong một số lĩnh vực đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và mang tính quốc tế. Như vậy, mặc dù còn ở trình độ thấp hơn các nước tư bản phát triển nhưng phân công lao động trong nền kinh tế nước ta hiện nay đã cho phép sản xuất và trao đổi hàng hoá có thể hình thành và phát triển.

- Trong thơì kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế đang tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh phổ biến là doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tồn tại, hoạt động với tư cách là các chủ thể kinh tế độc lập. Trong điều kiện đó, sự trao đổi sản phẩm giữa các chủ thể kinh tế với nhau trên thị trường là một tất yếu.

- Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chỉ có đẩy mạnh sản xuất hàng hoá mới làm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng, phát triển nhanh, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống dân cư. Nền kinh tế hàng hoá chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế như: quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu... Dưới sự tác động của các quy luật đó, nền kinh tế trở nên năng động; người sản xuất hàng hoá phải hết sức quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, phải không ngừng cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã...

- Phát triển kinh tế hàng hóa không chỉ thúc đẩy kỹ thuật, công nghệ phát triển, mà còn tạo điều kiện và thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực. Nền kinh tế hàng hoá đòi hỏi phải có đội ngũ công nhân lành nghề, các cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ chuyên môn cao, những nhà quản lý và những nhà doanh nghiệp giỏi... Và chính nền kinh tế hàng hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cơ sở kinh tế, là tiền đề vật chất để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - công nghệ, đào tạo những người thợ giỏi ...cho nền kinh tế đất nước.

Sự phân tích trên cho thấy sự phát triển sản xuất hàng hoá đối với nước ta là một tất yếu khách quan, một nhiệm vụ kinh tế quan trọng để đưa nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại và từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới. Phát triển sản xuất hàng hoá mạnh mẽ là con đường khai thác có hiệu quả nhất mọi nguồn lực của đất nước để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT2 pot (Trang 33 - 34)