- Thị trường đồ mộc xuất khẩu:
2.2.2.6. Tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp
Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ trong nông nghiệp đã trở thành một nhu cầu bức thiết, tạo nên sức mạnh to lớn của lực lượng sản xuất, là nhân tố có tác động quan trọng đến quá trình chuyển đổi CCKT nông nghiệp trên cả nước nói chung và ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
Trong những năm gần đây, địa phương đã tích cực tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ sinh học để lai tạo và nhân nhanh các giống cây trồng có sức chống chịu tốt với ngoại cảnh, sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt; xây dựng hệ thống canh tác thích hợp, hiệu quả kinh tế cao cho từng kiểu sinh thái; sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, cơ giới hóa, tự động hóa các công đoạn sản xuất của ngành trồng trọt và chăn nuôi nhằm giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm; ứng dụng rộng rãi công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tỉ lệ hao hụt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Song hiện nay việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất vẫn còn rất hạn chế. Riêng cơ giới hóa nông nghiệp mới chỉ đáp ứng yêu cầu làm đất cho 95 – 96% diện tích đất canh tác [40], còn lại các khâu canh tác khác vẫn sử dụng lao động thủ công là chính. Toàn tỉnh có 2.499 máy kéo, trong đó máy kéo lớn >12 CV là 445 chiếc, trung bình 0,44 CV/ha đất trồng trọt (chỉ bằng 40% so với cả nước). Vì vậy, năng suất thấp và chi phí cho một đơn vị sản phẩm còn cao.
Nói chung, khoa học kĩ thuật và công nghệ đã trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Do vậy, phải tập trung cao độ cho ứng dụng tiến bộ kĩ thuật mới và công nghệ cao vào sản xuất thì nông phẩm hàng hóa mới đủ sức cạnh tranh và mục tiêu xây dựng cánh đồng đạt giá trị sản lượng trên 50 triệu đồng/ha/năm và hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/hộ/năm mới trở thành hiện thực.
2.2.2.7. Tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO sẽ đem đến cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng những cơ hội và thách thức nhất định.
Để nắm bắt những cơ hội, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng cường hợp tác liên doanh và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Trong thời kì 1988 – 2010, trên toàn tỉnh có 12 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp được cấp phép với tổng số vốn đăng kí 15,25 triệu đôla Mĩ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thủy sản.
Khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của tỉnh có lợi thế cạnh tranh, xâm nhập được vào thị trường các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bị cạnh tranh quyết liệt hơn trên thị trường. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nông sản hàng hóa của tỉnh là tính cạnh tranh thấp, ngoài ra chất lượng sản phẩm thấp, đơn điệu, quy mô sản xuất còn phân tán,… Vì vậy, chuyển dịch CCKT nông nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu là một tất yếu để thích ứng với nền kinh tế thị trường luôn biến động, mang tính cạnh tranh cao và tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.
2.2.2.8. Các nhân tố khác
Trong hoạt động nông nghiệp, cư dân địa phương có nhiều kinh nghiệm trong canh tác và chế biến thủ công nhiều loại nông sản, đóng góp đáng kể vào việc hình
thành một CCKT nông nghiệp hợp lí, mang lại hiệu quả cao trên các vùng sinh thái của tỉnh.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển nền sản xuất hàng hóa lớn theo hướng hội nhập, còn không ít tập quán sản xuất lạc hậu chưa được khắc phục như: phần lớn nông dân trong tỉnh còn mang tư tưởng của người sản xuất nhỏ, dẫn đến quá trình liên kết, hợp tác trong sản xuất diễn ra chậm; nhiều kĩ thuật canh tác truyền thống lạc hậu như bón phân, phun thuốc không hợp lí; tình trạng nông dân sản xuất tự phát “trồng theo phong trào, chặt theo thị trường” do thiếu thông tin đang là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp không đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường do đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp và khu du lịch thiếu kiểm soát, cộng với những tác động của BĐKH trong thời gian gần đây làm cho SXNN kém hiệu quả, dẫn đến nông dân bỏ vụ hoặc bỏ hoang hóa đất nông nghiệp.