Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 28)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

1.1.1.5.Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Cho đến nay, với nhiều lí thuyết về chuyển dịch CCKT nông nghiệp như: lí thuyết về chuyển dịch cơ cấu hai khu vực của Lewis (1955) và Harry T.Oshima (1960); lí thuyết về thay đổi cơ cấu của Chenery; mô hình các giai đoạn phát triển nông nghiệp của Todaro (1990) và Sung Sang Park (1992); lí thuyết về phát triển nông nghiệp bền vững; mô hình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn;… đều khẳng định sự phát triển kinh tế cần phải được thông qua quá trình chuyển dịch CCKT. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu SXNN có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, nó được xem là xuất phát điểm của quá trình chuyển dịch CCKT của mỗi quốc gia.

Chuyển dịch CCKT nông nghiệp là quá trình chuyển dịch các nguồn lực trong nông nghiệp nhằm gia tăng sản lượng của các phân ngành [41, tr.18]. Quá trình này trước hết được thể hiện ở sự thay đổi chủng loại và tỉ lệ các loại cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tốt hơn các điều kiện sản xuất của vùng. Thực chất của chuyển dịch CCKT nông nghiệp là hoạt động nhằm đa dạng hóa sinh học, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Sự phát triển với cơ cấu và tốc độ khác nhau giữa các phân ngành của nông nghiệp tạo nên sự chuyển dịch CCKT nông nghiệp.

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, CCKT nông nghiệp sẽ chuyển dịch nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của xã hội. Sự chuyển dịch này còn là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển bền vững nông nghiệp.

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 28)