- Thị trường đồ mộc xuất khẩu:
2001 2010 Tốc độ tăng trưởng
2.3.3.1. Kết quả đạt được
CCKT nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và sự
phát triển ngành nông nghiệp nói riêng. Những kết quả đó thể hiện chủ yếu trên một số mặt sau đây:
- Cơ cấu ngành nông – lâm – thủy sản, đều có sự biến đổi ít nhiều theo hướng tiến bộ, đó là: giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, tăng tỉ trọng ngành thủy sản. Đây là xu hướng chuyển dịch phù hợp với xu thế chung của thế giới và với tiến trình phát triển của nền kinh tế địa phương và đất nước.
- Trong nội bộ từng ngành cũng chuyển biến:
+ Ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Tỉ trọng trồng trọt giảm, tỉ trọng chăn nuôi tăng nhưng dịch vụ nông nghiệp lại có xu hướng giảm. Ngành trồng trọt phát triển cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trong cơ cấu ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng cây ăn quả và rau đậu; giảm tỉ trọng cây lương thực, cây công nghiệp hàng năm và lâu năm. Tỉ trọng ngành chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỉ trọng nhóm chăn nuôi gia súc, tỉ trọng nhóm gia cầm và sản phẩm không qua giết thịt giảm tỉ trọng.
+ Ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng vừa gia tăng về giá trị kinh tế vừa mang ý nghĩa bền vững cả về môi trường và xã hội. Trong đó, khai thác gỗ và lâm sản giảm dần tỉ trọng và tăng tỉ trọng trồng và nuôi rừng trong cơ cấu GTSX ngành lâm nghiệp.
+ Ngành thủy sản cũng có bước phát triển đáng kể, nuôi trồng có xu hướng tăng tỉ trọng, ngược lại giá trị khai thác đánh bắt thủy sản lại có xu hướng giảm tỉ trọng, nhưng khai thác vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị ngành thủy sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Cơ cấu thành phần kinh tế trong ngành nông – lâm – thủy sản chuyển dịch theo định hướng chung, đó là: giảm tỉ trọng khu vực kinh tế nhà nước, tăng tỉ trọng khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Vai trò, vị trí của từng thành phần kinh tế đã được phát huy. Nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó các hợp tác xã, trang trại hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cùng với cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lãnh thổ cũng chuyển biến theo hướng tích cực, hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa, vùng chăn nuôi, vùng rừng và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thúc đẩy sự phát triển của các vùng khác.
- Chuyển dịch CCKT nông nghiệp cũng đã tạo ra những hiệu quả xã hội và môi trường nhất định đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể:
+ Hiệu quả về xã hội
Trong thời kì 2001 - 2010, chuyển dịch CCKT ngành nông – lâm – thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT – XH và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng lên không ngừng, từ 55,29 triệu đồng/người/năm - năm 2001 lên 149,2 triệu đồng/người/năm - năm 2010, gấp hơn hai lần so với năm 2001.
Năng suất lao động xã hội trong ngành nông, lâm nghiệp tăng từ 10,96 triệu đồng – năm 2007 lên 35,87 triệu đồng – năm 2010. Trong ngành thủy sản, năng suất lao động cũng tăng với tốc độ khá cao 65%/năm, đạt 122,46 triệu đồng.
Do thu nhập tăng lên, tích lũy vốn bình quân/hộ nông thôn của tỉnh từ năm 2006 đã dạt 6.933,2 nghìn đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2001, cao hơn mức trung bình của cả nước (tại thời điểm 1/7/2006 cả nước là 6.655,2 nghìn đồng) [9, tr.75].
Việc tăng cường thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản đã hình thành các vùng chuyên canh, các vùng nguyên liệu quy mô lớn và ổn định; các hợp tác xã, các trang trại đã thu hút thêm nhiều lao động góp phần giải quyết việc làm tại chỗ.
Nông nghiệp đã góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo và thúc đẩy phát triển KT – XH ở khu vực nông thôn. Tỉ lệ hộ nghèo đói của toàn tỉnh giảm từ 7,11% năm 2000 (theo tiêu chuẩn cũ) xuống 4,35% năm 2011 (theo chuẩn nghèo mới), 85% hộ dân được sử dụng điện, 75% số hộ dân có nước sạch, tất cả các xã (kể cả xã đảo Long Sơn – thành phố Vũng Tàu) đều có đường trải nhựa nối liền với thị trấn hoặc thị xã, thành phố [9].
Qua chương trình chuyển đổi CCCTVN, kiến thức và kĩ năng sản xuất của người nông dân được nâng lên, chuyển giao ứng dụng các giống mới, tiến bộ kĩ thuật và công nghệ sản xuất mới, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
+ Hiệu quả về môi trường
Việc chuyển những diện tích cây trồng (cà phê, lúa…) hiệu quả thấp, chi phí sản xuất cao sang cho đất lâm nghiệp hoặc cây trồng khác, đã góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nước, lãng phí tài nguyên trên những diện tích này.
Thông qua chương trình chuyển đổi CCKT nông nghiệp, người dân được hướng dẫn cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lí, tăng cường sử dụng các loại hóa chất mới ít có hại đến môi trường, các chế phẩm sinh học kích thích tăng trưởng, xây dựng hệ thống xử lí chất thải trong chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời học được các biện pháp sử dụng nguồn nước tưới hợp lí như: mô hình tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trong tưới rau, đồng cỏ thâm canh và vườn quả đặc sản, kĩ thuật giữ ẩm cho đất, kĩ thuật làm sạch môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản… Ngoài ra việc đưa vào trồng các giống mới chịu được hạn vừa cho phép hạ giá thành sản xuất vì giảm chi phí tưới, vừa có tác dụng bảo vệ cân bằng nước trong vùng.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng, phát triển các dự án du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Côn Đảo, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp với bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái địa phương.
2.3.3.2. Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, CCKT nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng còn có những hạn chế:
- CCKT ngành chuyển dịch còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỉ trọng nông, lâm, thủy sản trong CCKT của tỉnh vẫn còn ở mức cao trên 6%,
trong khi đó mục tiêu của quy hoạch tổng thể tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2006 - 2015 là 1,92%.
- Kết quả chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành vẫn chưa đạt mục tiêu chuyển dịch theo hướng bền vững. Mặc dù định hướng giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ trong cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng trên thực tế ngành trồng trọt vẫn chiếm tỉ trọng khá cao (trên 70%) ngành chăn nuôi chỉ chiếm 28,9%; trong khi mục tiêu cơ cấu GTSX ngành nông nghiệp đến năm 2020, trồng trọt và chăn nuôi có giá trị ngang bằng, khoảng 40%. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ nông nghiệp còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại.
- Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông – lâm – thủy sản còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch [28], thiếu bền vững. SXNN ngoài việc chịu tác động mạnh của thời tiết, khí hậu, dịch bệnh còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, ở một số nơi, người nông dân chưa cập nhật được hết thông tin cần thiết đã chuyển đổi tự phát theo tín hiệu của thị trường, vừa phá vỡ các quy hoạch khác, nhất là thủy lợi làm ảnh hưởng đến sản xuất chung của vùng, vừa bị thua thiệt khi có biến động trở lại của thị trường.
- Các thành phần kinh tế chưa phát huy hết thế mạnh, đồng thời sự gắn kết giữa các thành phần kinh tế còn nhiều hạn chế. Kinh tế hộ vẫn là hình thức phổ biến, quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong các khu dân cư. Nhiều trang trại có quy mô sản xuất nhỏ, hiệu quả kinh doanh chưa ổn định do tác động của cơ chế thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả thấp do vốn đầu tư thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn và trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế,…
- Trong quá trình phát triển các vùng sản xuất, tiềm năng và thế mạnh của từng vùng chưa được phát huy hiệu quả, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra có chất lượng trung bình hoặc thấp, khó tiêu thụ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư [28].
- Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hạn chế trên là do:
+ Công tác điều tra thực tế, dự báo xu hướng phát triển kinh tế chưa thật sát, dẫn đến việc nắm bắt tiềm năng, lợi thế của từng vùng hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế.
+ Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp thiếu đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch CCKT theo hướng phát triển bền vững.
+ Năng lực huy động và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực vốn đầu tư phục vụ chuyển dịch CCKT nông nghiệp còn hạn chế.
+ Chất lượng nguồn lao động còn thấp, gây khó khăn trong quá trình ứng dụng, chuyển giao giống mới, tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng chuyển dịch CCKT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2