CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
1.1.2.2. Sự cần thiết chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Chuyển dịch CCKT nông nghiệp được coi là một bộ phận cấu thành trong chiến lược KT – XH quốc gia, bởi lẽ, để triển khai công cuộc CNH, HĐH đất nước,
trước hết phải thực hiện CNH, HĐH nền nông nghiệp mà trong đó nội dung cốt lõi của bước đi ban đầu là chuyển dịch CCKT nông nghiệp và xây dựng nông thôn kiểu mới (Thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa VIII). Chuyển dịch CCKT nông nghiệp là nhân tố tạo thế ổn định cho quá trình CNH, HĐH. Đó cũng là một bộ phận hữu cơ của quá trình chuyển dịch CCKT.
Trước hết, sự chuyển dịch CCKT nông nghiệp sẽ làm cho khối lượng tổng sản phẩm hàng hóa tăng lên, phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú của xã hội. Đối với những vùng, những quốc gia mà sản phẩm, hàng hóa còn nghèo thì đây là vấn đề quan trọng, giúp cho việc cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân vùng cao.
Sự chuyển dịch CCKT nông nghiệp, đặc biệt là việc tăng tỉ trọng của chăn nuôi, cây công nghiệp sẽ góp phần tăng thêm nguyên liệu cho công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp và cuối cùng tác động đến cơ cấu sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng.
Với sự chuyển dịch CCKT nông nghiệp sẽ góp phần khai thác các nguồn tài nguyên tạo sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Đối với các tỉnh miền núi, đây là vấn đề có ý nghĩa lớn, nhất là các nguồn lâm sản quý hiếm.
Chuyển dịch CCKT nông nghiệp theo hướng tiến bộ là: tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm, sẽ chuyển được một bộ phận lao động ra khỏi nông nghiệp để tham
gia vào các ngành kinh tế khác của nền kinh tế tạo điều kiện phân công lại lao động giữa các ngành kinh tế.
Trong quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp sẽ từng bước hình thành các vùng trồng lúa, vùng cây lâm sản, vùng chăn nuôi gia súc,… với các thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác, cá thể tư nhân. Sự biến đổi cơ cấu đó sẽ làm thay đổi cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lao động. Đồng thời tăng sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại.