Các chỉ tiêu đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 30 - 33)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

1.1.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Chuyển dịch CCKT nông nghiệp phải nhằm đạt tới mục tiêu hiệu quả kinh tế cao, việc đo lường hiệu quả kinh tế của chuyển dịch CCKT nông nghiệp rất phức tạp. Xét về mặt lí thuyết thì hiệu quả kinh tế là sự chênh lệch giữa kết quả của sản xuất với chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó.

Để làm rõ quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp cần phải xem xét một số chỉ tiêu phản ánh quan hệ tỉ lệ của các ngành trên cơ sở của sự phân công lao động trong nội bộ nông nghiệp. Đó là:

- Cơ cấu GTSX nông nghiệp theo nghĩa rộng (bao gồm nông, lâm, thủy sản). - Cơ cấu GTSX nông nghiệp theo nghĩa hẹp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp).

- Cơ cấu lao động nông nghiệp.

- Cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp (thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ: chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng đất đai ở địa phương;…).

- GTSX/ha đất nông nghiệp.

- Cơ cấu GTSX nông nghiệp phân theo thành phần kinh tế. - GTSX nông nghiệp phân theo địa phương.

Ngoài hiệu quả kinh tế đơn thuần, chuyển dịch CCKT nông nghiệp còn hướng tới mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội, tới bảo vệ môi trường sinh thái. Việc đánh giá các loại hiệu quả này dựa vào các chỉ tiêu sau:

- Kết quả giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư địa phương,…

- Bảo vệ môi trường (đất, nước, tài nguyên rừng)

Khi sử dụng các chỉ tiêu trên để đánh giá sự chuyển dịch CCKT nông nghiệp, cần phải sử dụng một cách tổng hợp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào phạm vi nghiên cứu mà sử dụng các chỉ tiêu và cách tính cho thích hợp, mặt khác khi phân tích các chỉ tiêu ở các thời kì hoặc các giai đoạn khác nhau thì các chỉ tiêu phản ánh chuyển dịch CCKT nông nghiệp cũng khác nhau và quá trình chuyển dịch cũng diễn ra theo xu hướng nhanh hay chậm khác nhau.

Việc xác định chỉ tiêu đo lường chuyển dịch CCKT nông nghiệp cho đến nay vẫn còn có những quan điểm khác nhau, chưa có mô hình đánh giá thống nhất, nhưng về cơ bản gồm có các nhóm chỉ tiêu chủ yếu:

- Nhóm chỉ tiêu phản ánh kết quả, hiệu quả chuyển dịch CCKT nông nghiệp. - Nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tác động của các nhân tố đến chuyển dịch CCKT nông nghiệp.

Để phù hợp với địa bàn nghiên cứu và nguồn số liệu thu thập được, tác giả vận dụng và đánh giá sự chuyển dịch CCKT nông nghiệp theo các nhóm chỉ tiêu sau đây:

a. Nhóm chỉ tiêu phản ánh kết quả chuyển dịch

- Cơ cấu GDP hoặc cơ cấu GTSX nông nghiệp: đây là một trong những thước đo khái quát nhất, phổ biến nhất để đo lường, đánh giá trạng thái, xu hướng và mức độ thành công của quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp. Các chỉ tiêu sử dụng để đánh giá gồm có:

+ GDP và tỉ trọng GDP nông nghiệp trong GDP nền kinh tế. + Tăng trưởng GDP và GTSX của các ngành trong nông nghiệp. + GTSX và tỉ trọng GTSX các ngành trong nông nghiệp.

+ GTSX và tỉ trọng GTSX nội bộ các ngành trong nông nghiệp.

+ Cơ cấu lao động nông nghiệp: sự chuyển đổi quy mô của các ngành có ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố và sắp xếp lại lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Thông qua kết quả của các chỉ tiêu có thể rút ra những nhận định về trạng thái chuyển dịch CCKT ổn định hay không ổn định, xu hướng chuyển dịch đúng hay không đúng, mức độ chuyển dịch nhanh hay chậm và nền kinh tế tăng trưởng cao hay thấp, bền vững hay không không bền vững.

- Cơ cấu nông nghiệp theo thành phần kinh tế gồm GTSX, số lượng, quy mô các hình thức: nhà nước, ngoài nhà nước: kinh tế hộ, hợp tác xã, kinh tế trang trại... và có vốn đầu tư nước ngoài. Từ mối quan hệ giữa các thành phần thấy được xu hướng phát triển và vai trò của từng thành phần kinh tế để từ đó có thể đưa ra những giải pháp tác động phù hợp với yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế.

- Cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, GTSX/ha đất nông nghiệp: thể hiện sự chuyển dịch lãnh thổ, từ đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh với quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ trên địa bàn.

b. Nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả chuyển dịch

- Hiệu quả về xã hội là một trong ba mục tiêu cần đạt được của chuyển dịch CCKT nông nghiệp ở địa phương. Hiệu quả này thể hiện ở việc giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội như:

+ Tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. + Giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. + Giảm tỉ lệ nghèo đói trong dân cư.

- Hiệu quả môi trường là mục tiêu quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nhất là trong bối cảnh BĐKH như hiện nay. Hiệu quả này được đánh giá thông qua việc bảo đảm những yêu cầu sau:

+ Bố trí hoạt động SXNN phù hợp với tiềm năng sinh thái của lãnh thổ. + Cơ cấu nông nghiệp mới có khả năng đảm bảo cân bằng nước, không làm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất chống xói mòn và có tác dụng bảo vệ tính bền vững sinh thái.

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)