6. Kết cấu của luận văn
1.3.4. Nguyên nhân phát triển
1.3.4.1. Khủng hoảng chính trị, ý thức hệ Nho giáo suy thoái
Mâu thuẫn xã hội được manh nha từ cuối thế kỷ XVII trở nên ngày càng gay gắt, dẫn tới sự bùng nổ mang tính chất tất yếu của cao trào khởi nghĩa nông dân vào những năm bốn mươi của thế kỷ XVIII đã đặt chế độ phong kiến trên bờ vực thẳm. Ý thức hệ Nho giáo khủng hoảng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân. Đây là giai đoạn nhà nước phong kiến suy thoái, nội chiến tàn khốc, thành trì lễ giáo phong kiến bị tan rã từng mảng, không còn đủ sức ràng buộc, áp đặt con người với ý thức phận sự và phục tùng. Đó là điều kiện để ý thức cá nhân có nhu cầu tự bộc lộ mạnh mẽ, khao khát khẳng định vẻ đẹp, tài năng và đấu tranh cho khát vọng tình yêu, hạnh phúc.
Văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XVIII - XIX, mà đặc biệt là từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, có những sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Do những bước chuyển mình của lịch sử dân tộc (phong trào Tây Sơn), xã hội Việt Nam có sự thay đổi rõ nét, khát vọng giải phóng con người đã thực sự trở thành một nhu cầu bức thiết mang tính thời đại. Văn học cũng có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu phản ánh hiện thực và thế giới nội tâm của con người. Sự chi phối của đạo lý Nho giáo đã phần nào nhạt nhòa, con người dần trở nên mất lòng tin vào những thước đo giá trị chuẩn mực cũ. Nội dung văn học được các tác giá phản ánh vào thơ trữ tình đã được nới rộng phạm vi thể hiện cái nhìn nhân bản, cổ vũ cho việc giải phóng con người, cho quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân của mọi giai tầng trong xã hội.
1.3.4.2. Quan niệm sáng tác thay đổi
“Văn chương có mục đích trọng đại là giáo hóa, người sáng tác nghiêm trang, dù là viết ra để chơi vui, thù ứng thông thường cũng không thể nói càn, mà xa hay gần, đều nhằm nói được xúc cảm, suy nghĩ của mình, ngày xưa cho đó là cái chí, cái tình, cái tâm của mình” [39, tr.23]. Theo đó, văn chương theo quan niệm của các tác giả trung đại là phát ngôn hàm chứa những thông điệp về chí, về đạo và về tình. “Văn dĩ tải đạo”, “Thi dĩ ngôn chí” là những quan niệm được các tác giả thường xuyên thể hiện trong tác phẩm ở nhiều hình thức, nhiều mức độ.
Nếu chỉ xoay quanh những quan niệm sáng tác nói trên thì văn học chắc chắn sẽ bị rơi vào lối mòn, thế nhưng, “văn học thời trung đại nước ta vẫn phát triển liên tục và ngày càng có nhiều tác giả lớn, tác phẩm hay. Điều đó chứng tỏ, thời trung đại không phải chỉ có một quan niệm văn học nhà Nho” [33, tr.30]. Ở thời điểm thế kỷ XVIII - XIX, quan niệm sáng tác truyền thống ngôn chí, tải đạo nói trên vẫn tồn tại nhưng bên cạnh đó còn xuất hiện quan niệm sáng tác ghi nhận “những điều trông thấy”. Các tác giả bắt đầu có ý thức sáng tác theo cảm hứng trước những vấn đề mà hằng ngày họ tiếp xúc, trực tiếp hoặc gián tiếp biết đến. Những sáng tác này đã xuất hiện ở một vài tác phẩm từ giai đoạn thế kỷ XV - XVII, nhưng phải đến thế kỷ XVIII - XIX (đặc biệt ở bộ phận thơ chữ Nôm) mới thực sự phát triển mạnh mẽ với sự đồng hành của chủ nghĩa nhân đạo và yêu cầu phản ánh hiện thực từ cuộc sống. Cũng chính từ đây, tiếng nói của các tác giả bắt đầu mang màu sắc cá nhân hơn hẳn những sáng tác giai đoạn trước.
Việc sáng tác theo quan niệm “ghi nhận điều trông thấy” tạo nên sự đa dạng về chủ đề, đề tài thơ; sự phong phú về đối tượng phản ánh; sự đổi mới về giọng điệu, ngôn ngữ thơ… Thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX xuất hiện nhiều nhân vật vô danh có hoàn cảnh điển hình. Số phận của người phụ nữ chính là một vấn đề hiện thực bức xúc của đời sống được các nhà văn quan tâm, ghi nhận.
1.3.4.3. Văn học Nôm phát triển mạnh
Đây là mảng sáng tác mang tinh thần dân chủ, vượt ra ngoài sự kiểm duyệt của nhà nước phong kiến, thể hiện được nhu cầu giải phóng tình cảm của nhân dân.
“Văn học chữ Nôm ra đời và phát triển được một phần là chịu ảnh hưởng của Hán học và văn học chữ Hán, nhưng chủ yếu là dựa vào thành tựu của văn học dân gian, trước hết là những thành tựu về mặt rèn giũa ngôn ngữ văn học dân tộc và xây dựng thể loại văn học dân tộc” [33, tr.27], chữ Nôm xuất hiện vào thế kỷ XIII là sự phản ứng lại của tinh thần dân tộc, các tác phẩm văn chương chữ Nôm phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII - XIX chính là minh chứng cho sự bùng nổ của ý thức dân tộc.
Cuối thế kỷ XVIII, tình hình xã hội có những bước ngoặt lớn, chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng, xã hội càng lúc càng rối ren đã khiến cái nhìn đạo lý Nho giáo dần bị nhạt nhòa, con người mất đi lòng tin vào những thang giá trị chuẩn mực cũ thì bộ phận văn học chữ Nôm phát triển ngày một mạnh mẽ như một yêu cầu tất yếu của thời đại. Sự phát triển của văn học Nôm là điều kiện thuận lợi để các tác giả mạnh dạn bộc lộ những tình cảm riêng tư, phản ánh được những vấn đề được xem là “nhạy cảm” đối với tư tưởng Nho giáo, trong đó có vấn đề người phụ nữ. Vấn đề quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người xuất hiện, tư tưởng nhân đạo được chú trọng thì thơ Nôm cũng ngày càng phát triển và được khẳng định như một bộ phận nòng cốt của văn học Việt Nam trung đại. Thậm chí từ cuối thế kỷ XVIII, thơ trữ tình chữ Nôm nói riêng, văn chương chữ Nôm nói chung còn lấn át cả bộ phận văn học chữ Hán, đạt được thành tựu rực rỡ. Điều này có thể do nhiều yếu tố tạo nên, nhưng trước hết và trên hết, là do tính dân tộc, tính nhân dân được biểu hiện rõ rệt qua bộ phận văn chương chữ Nôm.
Sự phát triển phong phú và đa dạng của hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX với biểu hiện vượt trội về số lượng tác giả, tác phẩm do nhiều nguyên nhân thúc đẩy đã vẽ nên bức chân dung về người phụ nữ ở hầu hết các phương diện. Thành quả ấy là sự thay đổi tất yếu mang tính thời đại, vừa tạo nên tác dụng cổ vũ to lớn cho người phụ nữ tiếp tục sống và hoàn thiện mình, vừa có tác dụng tố cáo chế độ phong kiến một cách sắc bén.
Chương 2. CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG THƠ TRỮ TÌNH THẾ KỶ XVIII - XIX
Với một đội ngũ sáng tác đông đảo và giàu trải nghiệm, chân dung người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX hiện lên với nhiều màu sắc sinh động, cụ thể đến từng đường nét, chi tiết. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh ấy, người ta hình dung được cuộc sống của người phụ nữ thuộc nhiều giai tầng của xã hội phong kiến, quan điểm của chính những người trong cuộc và cái nhìn đậm chất nhân văn của đại đa số tác giả trung đại…