6. Kết cấu của luận văn
1.3.3. Sự đa dạng trong cách thể hiện
1.3.3.1. Tác giả (là nam giới) mượn hình tượng người phụ nữ để bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng của mình
Các tác giả (nam giới) thông qua hình ảnh người phụ nữ để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng, tình cảm đối với một vấn đề khác trong xã hội. Ở đây, các nhân vật nữ không phải là đối tượng chính mà chỉ xuất hiện thấp thoáng để tăng thêm tính sinh động, mở rộng thế giới nhân vật của tác phẩm. Các tác phẩm này không đi sâu khai thác hình ảnh người phụ nữ như một biểu tượng mà sử dụng như một phương tiện để thông qua đó, thể hiện quan điểm và tình cảm của tác giả. Tuy chỉ là một thành tố góp phần làm tăng thêm hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm nhưng vai trò của các nhân vật nữ này cũng không thể phủ nhận. Điều này trước hết là do thao tác lựa chọn và sử dụng hình ảnh của tác giả luôn rất khắt khe và kỹ lưỡng, mỗi một nhân tố đều có một vai trò và dụng ý nhất định, tính thống nhất ấy tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh, hỗ trợ đắc lực cho sự thể hiện nhiều mặt tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Các tác giả trung đại nhắc đến người phụ nữ để hướng đến một cái nhìn toàn diện về bức tranh thiên nhiên, bức tranh đời sống thực, miêu tả sinh động những sinh hoạt thường ngày của người dân. Rõ ràng, cảnh sinh hoạt không thể thiếu bóng dáng của con người, nhắc đến con người trong lao động hoặc trong hoạt động mang tính chất dung dị lại không thể thiếu những người phụ nữ. Ở đây, nhân vật nữ đa số là những người bình dân gắn liền với không gian làng quê: Ngư chu hội thực (Ngô Thì Ức),Lộc trĩ thôn cư (Nguyễn Cư Trinh),Viên cư (bài II) (Ngô Thì Sĩ),Bắc trấn hỉ vũ (Lê Quý Đôn)… Một khía cạnh khác của việc miêu tả chân thực, sống động cảnh sinh hoạt thường nhật, nhiều nhà thơ thể hiện tình cảm, nỗi nhớ da diết của chính mình với gia đình: Tư gia (Bùi Dương Lịch), Tiên khảo húy nhật cảm tác
(Đoàn Nguyễn Tuấn)…
Hay thông qua hình ảnh người phụ nữ để bày tỏ quan điểm, bày tỏ suy nghĩ đến một đối tượng khác, một vấn đề khác trong xã hội - sự xuống dốc trầm trọng về vấn đề đạo đức, nhân cách con người: Vịnh lưỡng nữ tẩy túc (Nguyễn Cư Trinh),
Văn cùng dân mẫu tử tương thực hữu cảm (Phạm Nguyễn Du), Thầy đồ ve gái góa,
Lời gái góa, Muốn lấy chồng (Nguyễn Khuyến), Vịnh Tri huyện Lê Văn Chấn
(Nguyễn Thiện Kế)… Đôi khi, các tác giả dẫn người phụ nữ vào tác phẩm để nói lên chí hướng, hoài bão cá nhân. Sự xuất hiện của các nhân vật nữ này thường để khẳng định, nhấn mạnh thêm cho cái chí đã quyết dứt bỏ tình cảm riêng tư vì sự nghiệp lớn: Thuật hoài (Trần Xuân Soạn), Từ giã vợ nhà đi làm quan (Phan Thanh Giản)…
Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng hình thức nói thay, nói hộ trong sáng tác của mình. Khi viết như thế, cái chủ quan của tác giả lại hòa lẫn vào cái khách quan của người đứng ở ngôi thứ ba, quan sát, viết thay cho nỗi lòng của người khác. Các nhân vật nữ trong những tác phẩm này thường không hiện lên đậm nét mà cảm xúc chi phối mạch thơ thường là cảm xúc của nhân vật trữ tình (đối tượng mà tác giả viết thay) về một vấn đề nào đó: Lời gái góa, Lời vợ anh phường chèo (Nguyễn Khuyến), Đại nghĩ đông hàn dạ tái bắc chinh phu tư khuê phụ (Tống Duy Tân),
Nông phu (Doãn Uẩn), Thập thất dạ thừa nguyệt, tẩu bút ký hữu nhân (Cao Bá Quát),Tết cô đầu (Trần Tế Xương), Cô hầu gửi quan lớn (Trần Tế Xương)...
Có thể nói, nhân vật nữ được sử dụng như một đối tượng thẩm mỹ nhằm hướng đến những dụng ý nhiều mặt của tác giả đã tạo được những ấn tượng nhất định. Sự xuất hiện của những nhân vật nữ ở nhiều khía cạnh, nhiều hoàn cảnh đã tạo nên cái nhìn mang tính bao quát cho bức tranh toàn cảnh đời sống. Thông qua đó, người đọc nhìn thấy cả một giai đoạn lịch sử đã qua, hiểu hơn những khó khăn trong cuộc sống mà nhân dân ta từng phải đối mặt…
1.3.3.2. Tác giả (là nam giới) miêu tả trực tiếp chân dung người phụ nữ với tấm lòng đồng cảm, trân trọng sâu sắc
Bằng nhiều hình thức khác nhau, các tác giả bộc lộ tình cảm của mình với nhiều đối tượng khác nhau. Phạm vi đối tượng này khá rộng lớn, có thể nói là đã bao quát được nhiều mặt đời sống với những sáng tác về mẹ, về vợ, về chị em gái, về con gái, về cô hầu gái, về một nàng ca kỹ từng gặp gỡ, về những tài nữ nổi danh, về những chị hàng xóm hoặc ngay cả những mảnh đời khốn khó bất chợt nhìn thấy
trên đường... Qua những tác phẩm ấy, hình tượng người phụ nữ hiện lên rõ nét và tình cảm tác giả dành cho họ cũng thật sâu sắc, đáng trân trọng.
Đôi khi, các tác giả chỉ đơn thuần bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôn vinh tài năng, vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp toát lên từ đức hạnh của người phụ nữ. Thi nhân thưởng thức vẻ đẹp của người phụ nữ dưới góc nhìn văn hóa, sự rung động trong tâm hồn được thể hiện bằng những từ ngữ trau chuốt, sinh động:Mã thượng mỹ nhân (Ninh Tốn), Ký tài nữ (Ninh Tốn), Lão ẩu mộ thị (Ngô Thì Ức)... Hoặc cám cảnh trước những số phận bất hạnh thoáng qua: Mộ kiều qui nữ (Cao Bá Quát), Mại chỉ y
(Miên Thẩm)...
Các nhà thơ chủ yếu bày tỏ tấm lòng kính trọng, yêu quý, cảm thông, thương xót sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ dành cho gia đình, cho chồng, cho con cái. Số lượng nhiều và ghi được dấu ấn mạnh mẽ hơn với hàng loạt tác giả, tác phẩm trực tiếp nhắc đến người phụ nữ với những tình cảm da diết yêu thương: Tư thân thuật hoài (Lê Anh Tuấn), Tặng nội (Nguyễn Hành), Hoài nội
(Ngô Thì Nhậm),Tiếp nội thư tính ký hàn y bút điều sổ sự (Cao Bá Quát),Từ giã vợ đi làm quan (Phan Thanh Giản)…
Ở một cung bậc khác của tình yêu, các tác giả cũng không ít lần nhỏ lệ đau lòng trước cái chết của người thân mình. Tiếng khóc nhuốm màu sắc bi ai bởi không cái khổ nào bằng cái khổ sinh ly - tử biệt, người chết đã xong phần người chết, người sống vẫn còn mãi cái ám ảnh đau đớn, dằn vặt không biết khi nào vơi:
Mộng vong nữ (Cao Bá Quát),Khốc tiên muội Kim Đài (Ngô Thì Điển), Tiện tỉ húy nhật cảm hoài (Phan Huy Chú)...
Đặc biệt, rất nhiều thơ được các tác giả viết khi vợ đã qua đời với ngôn từ chứa đựng nỗi thống thiết, bi ai gây xúc động lòng người. Ở đây, tình cảm vợ chồng gắn bó sâu đậm được thể hiện với nhiều cung bậc đặc sắc. Khuê ai lục (Nỗi đau thương trong phòng khuê) của Ngô Thì Sĩ và Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du cực tả nỗi đau khổ, nhớ nhung của tác giả trước cái chết đột ngột của những người vợ mà các tác giả hết mực yêu thương. “Nguyễn Đổng Chi viết về một mảng sáng tác của Phạm Nguyễn Du và Ngô Thì Sĩ: “Tiếng khóc vợ của Phạm Nguyễn
Du và Ngô Thì Sĩ đã đượm tính chất cận đại. Tác phẩm của họ có bóng dáng Linh Phượng ký của Đông Hồ”; và Trần Thị Băng Thanh cũng xác nhận: “Nhân vật tôi - tác giả - được biểu hiện rõ nét và chân thực trong thơ văn tình yêu của Ngô Thì Sĩ… Có thể xem Ngô Thì Sĩ là nhà thơ tình “có hạng” của văn học Việt Nam. Ông là người thực sự mở đầu dòng thơ tình cổ trung đại Việt Nam nhưng tác phẩm của ông lại đã được mang màu sắc cận đại” [30, tr.465].
Sau những tác giả này có một số lượng lớn tác giả với những tác phẩm đặc sắc tôn vinh những người vợ đức hạnh của mình như: Phan Huy Ích (Hạ trung tiếp đáo khuê vi hung tấn ai cảm kỷ thực), Ngô Thì Hoàng (Lữ quán mộng tiên thất), Ngô Thì Nhậm (Hoài nội), Phan Thanh Giản (Từ giã vợ nhà đi làm quan), Trần Tế Xương (Thương vợ)... Sự tiếp bước ấy góp phần làm đông đảo thêm, phong phú thêm cho một mảng sáng tác đặc sắc về người phụ nữ. Mỗi tác giả lại có một cách thể hiện tình cảm rất riêng hướng đến người mà họ yêu thương. Những cung bậc cảm xúc mãnh liệt ấy nhấn mạnh, tô đậm thêm khuynh hướng trữ tình của nền văn chương Việt Nam trung đại.
Nhiều hoàn cảnh sống, nhiều số phận không may, nhiều tình cảm sâu nặng của các tác giả bộc lộ qua những bài thơ trĩu nặng ưu tư viết về người phụ nữ. Dẫu là viết dưới hình thức nào thì các nhà thơ trung đại cũng đã bộc lộ cảm xúc và thái độ hết sức chân thành dành cho đối tượng mà họ quan tâm. Đây là những cảm xúc hết sức đáng trân trọng từ một bộ phận trí thức đương thời. Với sự phản ánh đa dạng nhiều góc độ cuộc sống, số phận của người phụ nữ trở nên rõ nét hơn, nhận được nhiều sự đồng cảm và góp phần làm thay đổi những quan niệm mang đậm tính chất khiên cưỡng của tư tưởng bảo thủ cũ.
1.3.3.3. Tác giả (là phụ nữ) tự bộc lộ thân phận và tâm trạng của mình
Một đặc điểm trong mô hình thơ trung đại là nhà thơ bày tỏ lý tưởng, hoài bão trong tâm tư; hướng người đọc vào vị thế, địa vị, cảnh ngộ của mình. “Sự thống nhất giữa cuộc đời nhà thơ và cái tôi trữ tình trong sáng tác là một hiện tượng khá phổ biến với thơ. Thơ trữ tình từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tố Hữu… đều biểu hiện rất rõ
nét sự thống nhất trên” [30, tr.462-463]. Những tác giả nữ trong giai đoạn văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XVIII - XIX tuy không nhiều nhưng những tác phẩm từ các tác giả nữ trực tiếp bộc bạch tâm sự, nỗi niềm của thân phận phụ nữ lại tạo ra chiều sâu và sự ám ảnh mạnh mẽ. Ở các tác phẩm ấy, tác giả và chủ thể trữ tình có nhiều điểm tương đồng. Nội dung thơ của các tác giả nữ hết sức sâu sắc, thể hiện “cái tôi” của tác giả ở một góc độ nào đó bởi ít nhiều thì tâm sự, hoàn cảnh sống và cách nghĩ của họ đã biểu hiện trong tác phẩm. Không ai hiểu rõ hoàn cảnh của phụ nữ bằng chính những người phụ nữ đã và đang sống trong cùng một xã hội, chịu cùng một nỗi khổ. Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Trương Quỳnh Như là những tác giả có tác phẩm thể hiện sâu sắc cuộc sống, thân phận phụ nữ trong xã hội cũ.
Phong cách sáng tác, thời điểm sống, môi trường sống và hoàn cảnh sống của các tác giả nữ trung đại không ai giống ai nhưng điểm chung dễ nhận thấy trong một số sáng tác của các nữ sĩ là nỗi cô đơn thấm sâu và trải dài: Chiều hôm nhớ nhà, Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Tặng ông Chiêu Lỳ về quê(Trương Quỳnh Như)…
Tác giả nữ tiêu biểu nhất viết về thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam nói chung, trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX là Hồ Xuân Hương - một nhà thơ, một người phụ nữ có cuộc sống tình duyên không bằng phẳng. Thơ Hồ Xuân Hương nhắc rất nhiều đến phụ nữ nhưng ám ảnh nhất, sâu sắc và day dứt nhất vẫn là những vần thơ viết về thân phận, về nỗi khổ, về sự đau đớn tinh thần của người phụ nữ bị xã hội cũ vùi dập, nhấn chìm:Lấy chồng chung, Tự tình (I, II, III), Không chồng mà chửa… đều trực tiếp vạch trần sự ê chề của những người phụ nữ không may mắn trong cuộc sống hôn nhân, gia đình.
Mảng sáng tác của các tác giả nữ về người phụ nữ trong xã hội cũ có giá trị phản ánh đời sống thật ở những khía cạnh nhất định, tố cáo hiện thực sâu sắc. Những nhà thơ nữ là những người trí thức, ý thức sâu sắc về thân phận và vị trí của người phụ nữ. Họ vừa là nạn nhân, vừa là những nhân chứng sống của những bất hạnh tiêu biểu cho số phận phụ nữ đương thời.