Khát vọng bình đẳng giới

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 87 - 92)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.2. Khát vọng bình đẳng giới

Khát vọng bình đẳng giới thể hiện ở cả nam giới và nữ giới nhưng nổi trội, mạnh mẽ hơn cả vẫn là khát khao muốn san bằng khoảng cách, muốn đạp đổ quan niệm “trọng nam khinh nữ” ở các tác giả nữ. “Cái nhìn nhân bản có xu hướng cổ vũ sự giải phóng con người, đồng hành với tiến bộ xã hội, trong khi đó, cái nhìn đạo đức khuôn con người trong trật tự kỷ cương Nho giáo phần nào bị nhạt nhòa đi, thậm chí có phương diện bị coi thường hay tấn công trực diện” [30, tr.500]. Với sự hậu thuẫn của thời đại, thời điểm này các tác giả đã bắt đầu ý thức mạnh mẽ về vấn đề bình đẳng giới.

“Xuân Hương không chịu “an phận đàn bà” một chút nào hết. Xuân Hương không chịu thua, không chịu lép người đàn ông nào” [8, tr.439]. Với tính cách ấy, Hồ Xuân Hương có lẽ là người lên tiếng mạnh mẽ nhất cho sự bình đẳng giới ở thời đại ấy. “Xuân Hương là một người có bản lĩnh mạnh mẽ. Cái việc nàng phải bị xã hội phong kiến coi là “đàn bà” thấp kém, bị khinh là “phụ nhân rẻ rúng” chỉ càng làm cho phản ứng của nàng mạnh lên. Mắt hàng ngày nhìn thấy cái xã hội phong kiến bất công, khắc nghiệt, giả dối, tan rữa, nàng phản kháng cả xã hội ấy” [8, tr.425]. Ở một số bài, Hồ Xuân Hương dùng những hình ảnh tương đồng miêu tả vẻ đẹp nguyên sơ của thân thể phụ nữ:

- “Thân em vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non”

- “Lược trúc chải cài trên mái tóc, Yếm đào trễ xuống dưới nương long. Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm, Một lạch đào nguyên suối chửa thông”

(Thiếu nữ ngủ ngày)

- “Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình? Chị cũng xinh mà em cũng xinh Đôi lứa như in tờ giấy trắng,

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh”

(Đề tranh tố nữ) Nhưng không phải nói về vẻ đẹp chỉ để thưởng thức, ngắm nhìn mà là để lên án, giễu cợt một loạt những kẻ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp tạo nên nỗi bất hạnh cho phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa. Hồ Xuân Hương có một cái nhìn khá gay gắt đối với những kẻ mang tiếng là “quân tử”lại có nhân cách chẳng ra gì. Bà thể hiện sự chua chát thay cho thân phận phụ nữ bị đàn ông xem như một loại công cụ, một thứ đồ trang sức làm đẹp. Nữ sĩ tỏ rõ thái độ với một bộ phận “quân tử” ấy bằng một loạt thơ trữ tình, nhẹ thì bỡn cợt, nặng thì mỉa mai, châm biếm gay gắt:

- “Hồng hồng má phấn duyên vì cậy: Chúa dấu vua yêu một cái này”

(Cái quạt II)

- “Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”

(Đề đền Sầm Nghi Đống) - “Cả nể cho nên hóa dở dang,

Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?”

(Không chồng mà chửa)

- “Hỡi chị em ơi có biết không? Một bên con khóc một bên chồng”

Bà nhiều lần ngạo nghễ chọc ghẹo, mỉa mai những bậc tu mi nam tử kém tài, kém đức:

“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ Lại đây cho chị dạy làm thơ”

(Mắng học trò dốt) Lên án những kẻ thiếu đạo đức:

“Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm, Vãi núp sau lưng sáu bảy bà”

(Sư hổ mang) Hay bỡn cợt những người “quân tử”, “anh hùng”:

- “Mát mặt anh hùng khi tắt gió, Che đầu quân tử lúc sa mưa”

(Vịnh cái quạt I)

- “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt, Đi thì cũng dở ở không xong”

(Thiếu nữ ngủ ngày) Nói như thế không phải là để hạ thấp nam giới, mà có lẽ nữ sĩ chỉ muốn khẳng định một sự thật là không phải tất cả những người sinh ra là nam giới thì đều hay, đều tốt. Và vì sinh ra đã phụ nữ mà phải gánh chịu bao nhiêu thiệt thòi từ trong gia đình ra ngoài xã hội dù có tài năng, có đạo đức hơn hẳn nhiều trang nam tử ấy thì thật quá bất công. Hồ Xuân Hương đã nhận thức rõ thân phận mình, tài hoa của mình và cũng nhận thức rõ thời thế lúc bấy giờ nhưng bà không vì thế mà im lặng, cam chịu:

- “Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”

(Đề đền Sầm Nghi Đống) - “Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom”

Có cả tài lẫn tình nhưng không có may mắn trong hạnh phúc lứa đôi, đồng thời chịu nhiều thiệt thòi do sự bất bình đẳng đem đến, Hồ Xuân Hương khao khát được ngoi lên khỏi những dây nhợ ràng buộc người phụ nữ trong xã hội phong kiến - khao khát này không phải là suy nghĩ cá nhân của một mình nữ sĩ mà đã bắt gặp trong một số tác phẩm của Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm nhưng chỉ đến Hồ Xuân Hương, thái độ bất mãn thời cuộc mới thể hiện một cách rõ nét. Không chỉ dừng lại ở chí hướng trên trang sách, Hồ Xuân Hương còn thể hiện rằng bản lĩnh của mình ngoài đời thực không thua kém gì với những bậc mày râu. Từng là bạn thơ ứng đối hết sức bình đẳng với Chiêu Hổ, thơ Hồ Xuân Hương tỏ ra không một chút lép vế mà còn thẳng thắn bộc lộ sự mạnh mẽ đến liều lĩnh của khổ chủ:

- “Anh đồ tỉnh? Anh đồ say?

Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày? Này này chị bảo cho mà biết:

Chốn ấy hang hùm chớ mó tay” - “Này ông tỉnh! Này ông say!

Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày! Hang hùm ví bẵng không ai mó, Sao có hùm con bỗng trốc tay?”

Giọng điệu thơ có lúc rắn rỏi như sẵn sàng chống lại cả xã hội nhưng lại có lúc chán chường, u uất đầy bất lực. “Xuân Hương không những than cho người đàn bà dưới chế độ phong kiến, mà bản thân mình là một người bị cái guồng xã hội ấy nó nghiến cuộc đời” [8, tr.435]. Hồ Xuân Hương không bằng lòng với xã hội mình đang sống, ai oán cho số phận hẩm hiu của mình và những người ở vào hoàn cảnh giống như mình nhưng loay hoay thế nào, chống đối thế nào thì vẫn bị cái xã hội mình đang sống cột chặt lại và dìm sâu xuống. Tiếng nói của người phụ nữ vào thời điểm ấy không có trọng lượng, hoàn cảnh phụ nữ chưa được giải phóng.

Đáng chú ý và trân trọng là một số tác phẩm của tác giả nam giới thể hiện sự bình đẳng hoặc kêu gọi quyền bình đẳng đối với người phụ nữ. Tuy chỉ là một vài cá nhân riêng lẻ với một số ít tác phẩm, chưa đủ để tạo thành một khuynh hướng nội

dung trong thơ trữ tình trung đại nhưng tình cảm này hết sức đáng quý, góp phần manh nha quan điểm nam nữ bình quyền sẽ bùng nổ trong văn chương hiện đại. Ở đây, vai trò giới tính bị xóa nhòa hoặc vai trò của người phụ nữ được tôn trọng, được xếp ngang hàng với nam giới:

- “Sử ngã tất sinh, khanh tất tử, Hạp dư vi phụ nhĩ vi phu”

(Nếu ta tất phải sống và nàng tất phải thác, Sao chẳng cho ta làm vợ, nàng làm chồng?)

(Sơ ngũ nhật, trực Đoan Ngọ tiết, tể sinh vi lễ nhân thành tam luật - Phạm Nguyễn Du) - “Ta! Ngã hòa nương thị nhất phân,

Như hà tương hợp cự tương phân”

(Than ôi! Ta với nàng đã là một người, Đã cùng sum họp sao lại vội chia phôi)

(Đề minh tinh hậu diện - Phạm Nguyễn Du)

- “Thiên biên chinh khách khuê trung phụ, Hà xứ tương tư bất đoạn hồn!”

(Người viễn tái, kẻ cô phòng,

Tương tư ai chẳng não lòng như ai!)

(Trệ vũ chung dạ cảm tác - Cao Bá Quát) Không ai tự quyết định được giới tính của mình khi sinh ra, thứ người ta có thể quyết định là trau dồi phẩm chất, đạo đức, tài năng để ngẩng cao đầu hãnh diện với đời. Ở một khía cạnh khác, tuy không diễn đạt tư tưởng bình đẳng giới một cách trực diện nhưng các tác giả đã có quan niệm rất tiến bộ khi xem những người tài nữ như những người bạn tri âm tri kỷ, bất chấp giới tính và tuổi tác. Một mặt, tài năng của phụ nữ được công nhận và tôn vinh, mặt khác, khoảng cách bất bình đẳng giới bị đánh tan khi tác giả nhìn nhận người phụ nữ trên một lập trường khác hẳn:

- “Giang sơn chính đố vô ngâm bạn, Hàn mặc ninh kỳ hữu mỹ nhân”

(Đã ghét trước cảnh núi sông không có bạn ngâm vịnh, Nào ngờ nơi bút mực lại gặp mối duyên đẹp đẽ)

(Ký tài nữ - Ninh Tốn)

- “Túng nhiên cẩm tú tranh Tô Muội, Bất vị quần thoa thác Tạ Ky”

(Thế nhưng nếu văn chương của nàng hay như Tô Muội, Thì chẳng nên vì tác giả là con gái mà bỏ sót Tạ Cơ)

(Ký tài nữ Thụy Liên - Ninh Tốn) Như vậy, có thể thấy tư tưởng nam nữ bình quyền đã bắt đầu nhen nhóm ở một vài tác giả thời trung đại phong kiến. Người phụ nữ đòi quyền bình đẳng khi cảm thấy thân phận phụ nữ bị xã hội chèn ép, nam giới lên tiếng cho quyền bình đẳng của phụ nữ bởi sự tôn trọng và thương cảm dành cho người phụ nữ, dù vì lý do gì thì những cá nhân nói trên cũng đã có cái nhìn tiến bộ và nhân đạo đối với sự bất công nhiều mặt mà xã hội phong kiến áp đặt lên đôi vai của giới nữ. Chính từ những bước đi tiên phong này mà vấn đề quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ mới được nhiều tác giả đưa vào tác phẩm văn học (hiện đại), trở thành một cuộc cách mạng chống lại những bất công của chế độ cũ, đòi quyền lợi cho người phụ nữ…

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)