6. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Sắc đẹp và tài năng bị vùi dập tàn phai, mai một
Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thường không được làm chủ cuộc đời mình, không được sống theo cách mình mong muốn mà luôn bị sự chi phối của hàng loạt những quy tắc, chuẩn mực đạo đức được áp đặt ăn sâu bám rễ trong
nhận thức của con người thời đại ấy. Xã hội phong kiến luôn yêu cầu rất nhiều ở người phụ nữ nhưng lại chẳng cho người phụ nữ một thứ quyền lợi nào xứng đáng với những yêu cầu ấy. Hoàn cảnh chung của một tỉ lệ lớn phụ nữ trong thời phong kiến là không được xem trọng, không có chỗ đứng xã hội (có rất ít phụ nữ được đi học và dẫu có đi học cũng không thể tham gia thi cử, đỗ đạt làm quan) và tiếng nói của họ cũng không thực sự có giá trị trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội.
Không phải ngẫu nhiên khi bức tường thành phong kiến rạn nứt từng mảng, thành lũy phong kiến trên đà sụp đổ lại tỉ lệ nghịch với sự xuất hiện các tác phẩm viết về phụ nữ. Xã hội phong kiến càng suy yếu, các sáng tác nói đến số phận của phụ nữ càng nhiều. Được sự hậu thuẫn của thời đại, trào lưu nhân đạo nở rộ đã tạo điều kiện cho các tác giả viết nhiều hơn về những tầng lớp bình dân, những con người nhỏ bé khốn khổ bị xã hội vùi dập, nhờ vậy, bức tranh toàn cảnh xã hội mới dần được các ngòi bút thi nhân vẽ nên. Rất nhiều tác giả đã lên tiếng thay cho những người phụ nữ có nhan sắc, có tài năng nhưng lại có số phận long đong, kém may mắn.
Trước hết, người phụ nữ không được nhìn nhận một cách công bằng trong xã hội. Có sắc đẹp và tài năng nhưng không được người đời nhìn nhận, mà ngược lại, những thứ ấy trở thành nguyên do cho cuộc đời bấp bênh của họ. Họ có thể là những người có nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, có thể là những người ca nữ có giọng hát uyển chuyển, có tài đánh đàn rung động lòng người, hay là những tài nữ có những vần thơ trác tuyệt thể hiện tri thức uyên thâm… nhưng lại phải chịu nhiều bất hạnh, éo le. Tài năng của họ không những không được trân trọng mà còn bị hắt hủi. Sắc đẹp của họ khi đã về chiều thì họ lập tức bị ghẻ lạnh, bị bạc đãi. Nhưng họ cũng chẳng dám oán trách ai. Trách ai bây giờ? Họ chỉ dám trách mình mệnh bạc, chỉ im lặng và nhẫn nhịn.
Nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh Ký là bằng chứng cho số phận bị vùi dập của một tài nữ. Trẻ tuổi, xinh đẹp, tài năng nhưng bị ghẻ lạnh và không được hưởng hạnh phúc của một thiếu nữ đang thời xuân sắc. Mất đi, những bài thơ bầu bạn với nàng lúc sinh thời cũng bị đem đốt, bị hủy hoại. Nguyễn Du đã nhỏ lệ
thương xót, bày tỏ sự cảm thông đối với người tài nữ phận mỏng, không nhận được sự yêu thương và tôn trọng nên có:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu, Văn chương vô mệnh lụy phần dư”
(Son phấn có linh hồn chắc phải xót vì chuyện xảy ra sau khi chết, Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi còn xót lại một vài bài)
Nàng Cầm trong Long thành cầm giả ca ở tuổi hai mươi mốt được bao người yêu thích với ngón đàn trong cung cấm nổi danh tài hoa cả một vùng. Cũng với khúc đàn ấy của hai mươi năm sau mọi thứ đã hoàn toàn khác. Thời gian quả thật không buông tha một ai, ngày tháng trôi qua đã đem theo tuổi xuân và sắc đẹp của người ca nữ. Thời gian tàn nhẫn nhưng lòng người còn tàn nhẫn hơn nữa. Vẫn tiếng đàn năm cũ của người cũ nhưng nàng không còn được ai nhìn đến, sự tồn tại của người ca nữ già tài hoa một thời nhạt nhòa trong “đám ca kỹ trẻ tuổi”. Là người chứng kiến thời điểm huy hoàng của nàng nhiều năm trước, so sánh với hiện tại tàn tạ suy sụp, tác gia không khỏi nhỏ lệ thương xót:
“Thùy tri tựu thị đương niên thành trung đệ nhất diệu Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy”
(Ai biết đó là người trước kia nổi danh tài hoa đệ nhất trong một thời, Khúc xưa đàn lên, tôi tuôn nước mắt ngầm theo từng tiếng)
Nhà thơ “không trách người đẹp nhan sắc suy tàn”, bởi đó là quy luật của tự nhiên. Có chăng là trách những kẻ hờ hững, hắt hủi tài năng mà một thời họ kính ngưỡng, say đắm. Thời gian lấy đi nhan sắc của nàng và cũng đồng thời lấy đi sự yêu thích của người đời đối với nàng. Đáng ra, tiếng đàn của hiện tại được trau dồi trong hai mươi năm phải hay hơn tiếng đàn trong quá khứ, nhưng vẻ bề ngoài không bắt mắt đã làm mất hứng thú thưởng thức của người đời, ngoài tác giả dường như chẳng ai mảy may để ý đến sự tồn tại của nàng Cầm. Điều đó cho thấy sự hờ hững đáng trách của người đời đối với những người phụ nữ trót mang lấy nghiệp
cầm ca. Họ lạnh lùng trước ngón đàn năm cũ, phủ nhận tài năng đã từng được công nhận của nàng, hắt hủi và xa lánh khi nhan sắc nàng đã về chiều…
- “Bạch phủ cung nhân bạch tự bi”
(Người cung nhân đầu bạc rồi, tự thương xót mình)
(Giam trung kiến cố lão cung nhân khấp tự loạn ly nhân hữu cố cung chi cảm - Trần Danh Án) - “Thiếp niên nhị bát thời,
Doanh doanh chính tương tị, Trưởng đại ái dư nghiên, Thượng tưởng dung nhan mị”
([Nghĩ lại] khi thiếp tuổi đôi tám, Cũng đầy đặn như trăng.
Lớn lên vẫn yêu cái đẹp xưa,
Những tưởng giữ mãi được như thế)
(Thập thất dạ thừa nguyệt, tẩu bút ký hữu nhân - Cao Bá Quát) Tình người lạnh nhạt, người phụ nữ một khi qua thời xuân sắc, rơi vào cảnh bị ghẻ lạnh thì đành phải tự ôm lấy nỗi buồn đó mà thương xót, khóc than cho chính mình. Con người giống nhau ở chỗ đều yêu thích cái đẹp, và điều đó không có gì sai. Cái khác nhau là cách nhìn nhận cái đẹp, quan niệm về cái đẹp của mỗi người. Dễ nhận thấy sự đối lập về thái độ con người đối với cái đẹp của các nhân vật nữ. Các nhân vật nữ gặp phải những con người yêu thích cái đẹp ngoại hình, những người như thế chỉ có thể yêu thích nữ giới trong một khoảng thời gian ngắn của thời xuân sắc, khi nhan sắc tàn phai cũng là khi các nhân vật nữ bị bỏ rơi, bị hắt hủi. Ngược lại, các tác giả nhìn vào khía cạnh nhân phẩm và tài năng của các cô gái, cái đẹp này lâu bền và tạo nên giá trị thực của con người. Khi vẫn còn những con người xem trọng vẻ đẹp hình thức một cách tuyệt đối thì số phận của những người phụ nữ trong xã hội sẽ vẫn còn lận đận, gian truân.
Sắc đẹp bị tàn phai gần như là điều tất yếu của tự nhiên do quy luật chuyển động không ngừng nghỉ của thời gian, chẳng ai tránh khỏi vòng tuần hoàn “sinh -
lão - bệnh - tử”, các tác giả thể hiện những cái nhìn nhân đạo khi không hề nhìn nhận một con người dựa vào cái vẻ bề ngoài phù phiếm ấy. Tài năng bị mai một (hay nói đúng hơn là do người thưởng thức đã không còn có hứng thú với tài năng ấy), bị hủy hoại (thơ bị đốt đi) bởi những lý do khách quan, trách nhiệm lại thuộc về bình diện đạo đức của người đời. Thái độ hờ hững, tàn nhẫn của nhiều người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên bất hạnh cho người phụ nữ. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói cảm thông, phản ánh, nỗ lực thay đổi cái nhìn và thái độ của mọi người đối với người phụ nữ trong xã hội đương thời.