Khát vọng tình yêu, hạnh phúc

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 82 - 87)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.1. Khát vọng tình yêu, hạnh phúc

Tình yêu và hạnh phúc là hai mệnh đề khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Khát vọng hạnh phúc là khát vọng bao trùm nhiều khía cạnh của cuộc sống, trong đó, khát vọng hạnh phúc trong tình yêu là mạnh mẽ nhất, mãnh liệt nhất được đề cập đến trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX.

Thế nào là hạnh phúc đối với một người phụ nữ sống trong xã hội cũ? Hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và khát khao hạnh phúc của người phụ nữ? Các tác giả đã phần nào chú ý đến những vấn đề ấy và cố gắng thể hiện vào trong tác phẩm. Tùy vào từng hoàn cảnh sống mà con người sẽ có những mong muốn hạnh phúc khác nhau, đôi khi, hạnh phúc thật gần gũi và giản dị nhưng con người vẫn luôn khao khát vì không thể chạm tay đến được. Nhiều người đã phải chịu cảnh xa cách người thân (xa chồng, xa con), thậm chí là sinh ly - tử biệt và họ mong muốn được hưởng hạnh phúc đoàn viên. Những người bị ghẻ lạnh và hắt hủi mong được sẻ chia, được hỏi han quan tâm. Những người bị đối xử bất công mong muốn nhận được cái nhìn thiện cảm và thái độ đúng mực của người đời. Người nghèo khổ, đói rách mong được ăn no mặc ấm… Đó là những khao khát bình dị của những người phụ nữ ở nhiều hoàn cảnh.

Rất nhiều phụ nữ đã không tìm được hạnh phúc trong những cuộc sống của mình. Họ không nhận được sự tôn trọng tối thiểu và tình yêu thương cần thiết để có được hạnh phúc. Nhẹ nhàng thì là sự xa cách, lơ là đôi chút của người thân. Nặng nề hơn thì bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh. Đặc điểm chung thường thấy là dẫu có khổ sở về tinh thần đến thế nào thì người phụ nữ hầu như không có sự phản kháng, không than phiền và thể hiện thái độ:

- “Hiền thê mạc quái phu tình bạc, Hiếu tử hưu đàm phụ đạo khuy”

(Vợ hiền chớ trách chồng là phụ bạc, Con hiếu đừng chê cha là trái đạo)

(Thuật hoài - Trần Xuân Soạn) - “Từ thuở vương xe mối chỉ hồng

Lòng này ghi tạc có non sông”

(Từ giã vợ nhà đi làm quan - Phan Thanh Giản) - “Hữu muội đại huynh cung tử chức,

Thử thân ly mẫu khách tha hương”

(Có em gái thay anh lo phận sự làm con, Tấm thân này xa mẹ, lưu lạc quê người)

(Tư gia - Bùi Dương Lịch) Phụ nữ trong xã hội phong kiến không có quyền tự do luyến ái mà phải chịu cảnh “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không ít người đã được quyết định hạnh phúc trăm năm ngay từ khi mới lọt lòng mà dù muốn dù không cũng phải ngoan ngoãn chấp nhận. Không được quyền chọn người để lấy không có nghĩa là họ sẽ không yêu ai trước khi xuất giá. Không ít người đã từng yêu và từng bị đau khổ khi tình yêu không đơm hoa kết trái, bị ngăn cấm thô bạo. Bi kịch tình yêu này có thể sẽ gặm nhấm họ đến hết cuộc đời.

Khát vọng tình yêu - yêu và được yêu có thể xem là một khát vọng, một khao khát mạnh mẽ của thân phận phụ nữ sống trong xã hội phong kiến. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Hương có một loạt thơ Nôm khai thác biểu tượng hai mặt

của ngôn từ khi viết về thân phận mình. Một số bài thơ mở đầu bằng “thân em” - cách mở đầu thường thấy trong văn chương truyền miệng - để nói đến thân phận người phụ nữ. Những hình ảnh được dùng trong đó đều rất bình dị, nhỏ bé, như

“quả mít trên cây”, “bánh trôi”, “ốc nhồi” gợi liên tưởng đến sự nhỏ bé lọt thỏm giữa cái mênh mông, bao la của trời đất, của vạn vật. Dù thế nào, họ vẫn sống, vẫn yêu và vẫn trông mong hạnh phúc sẽ gõ cửa…

“Minh cưu hữu hận nan điền hải, Phương thảo vô duyên chỉ vấn thiên. Hồ thượng âm tàn xuân tịch mịch, Cách song tiểu đổ độc sàn nhiên”

(Chim kêu lòng hận lấp bằng biển, Hương cỏ duyên gì biết vấn thiên; Bóng mát hồ xuân tàn lặng lẽ,

Ngoài song cuốc nhảy một mình riêng)

(Phạm Đình Hổ) Bốn bài thơ tứ tuyệt Mời trầu, Quả mít, Bánh trôi, Ốc nhồi đều là những ẩn dụ về thân phận của người phụ nữ. Hình ảnh thơ tuy có mang yếu tố tục nhưng đó là đặc điểm chung thường thấy ở thơ Hồ Xuân Hương, vượt ra khỏi yếu tố tục ấy, ta sẽ tìm thấy những day dứt, bức bối với mong muốn da diết của một người phụ nữ đời thường:

- “Quân tử có yêu thì đóng cọc, Xin đừng mân mó nhựa ra tay”

(Quả mít)

- “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

(Bánh trôi)

- “Quân tử có thương thì bóc yếm, Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi”

- “Có phải duyên nhau thì thắm lại, Đừng xanh như lá bạc như vôi”

(Mời trầu) Rõ ràng là bên cạnh người phụ nữ luôn có một người đàn ông, một “quân tử”, đóng vai trò quyết định hạnh phúc của người phụ nữ. Mượn hình ảnh của động, thực vật xung quanh gợi lên hình dung về người phụ nữ, nữ sĩ dùng nhiều những từ

“xin đừng”, “đừng” đi kèm điều kiện “có yêu”, “có thương”, “có phải duyên nhau” để nhắc nhở những người đàn ông trong cách đối xử với phái nữ.

Thơ Hồ Xuân Hương chất chứa nỗi uất ức tột độ về khát khao hạnh phúc và nỗi thất vọng khi tuổi xuân cứ vùn vụt trôi qua mà hạnh phúc lứa đôi vẫn mịt mờ chưa thấy. “Người phụ nữ đáng lẽ phải làm chủ chiếc thuyền của mình (nó tượng trưng cho cuộc đời của mình); ấy thế mà chiếc thuyền đó lại do một người khác cầm lái, và do một người khác nữa giong lèo, còn mình thì chỉ bị động ngồi ôm đàn chờ đợi cái người thăm ván còn lơ lửng ở đâu đâu” [8, tr.444]. Một lần, hai lần rồi ba lần, tình yêu và hạnh phúc giống như một thứ ánh sáng xa xôi mà kẻ đi đêm mãi lần tìm trong vô vọng:

“Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,, Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh”

(Tự tình III) Lận đận tình duyên là nỗi đau mà nhiều người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu. Thơ Hồ Xuân Hương bộc lộ tính cách mạnh mẽ hiếm thấy với cái tôi không thể khỏa lấp, cái tôi không thể dung hòa trước cái hỗn loạn của thời đại, cái tôi chán chường đến tuyệt vọng:

- “Tiếng gà xao xác gáy trên bom, Oán hận trông ra khắp mọi chòm”

(Tự tình I) - “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con”

- “Chiếc bách buồn về phận nổi nênh, Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh”

(Tự tình III) Đã có lúc nữ sĩ mắng thẳng vào cái goi là kiếp số khi phải chịu cảnh lấy chung chồng, mang tiếng có chồng mà cũng như không rồi lại thể hiện sự tiếc nuối cho sự lựa chọn sai lầm của mình:

“Thân này ví biết dường này nhỉ? Thà trước thôi đành ở vậy xong”

(Lấy chồng chung) Càng thể hiện sự quẫy đạp mạnh mẽ, càng cố gắng chống đối cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, Hồ Xuân Hương càng tỏ ra là một người khát khao hạnh phúc. Chính bởi mong muốn tìm được hạnh phúc quá ám ảnh nên khi rơi vào cái thực tế tàn nhẫn đó, bà không bằng lòng và không cam chịu. Bất hạnh bao nhiêu thì con người lại càng khao khát chạm tay đến hạnh phúc bấy nhiêu…

Trương Quỳnh Như cũng là một cây bút nữ tài năng hiếm hoi đứng lẫn trong số những bậc nam tử trí thức. So với Hồ Xuân Hương thì cuộc sống thực của Trương Quỳnh Như có vẻ sáng sủa hơn rất nhiều khi luôn được nhắc đến như người tri kỷ bên cạnh Phạm Thái. Dẫu thế, hạnh phúc thế nào là đủ? Thơ Trương Quỳnh Như vẫn phảng phất một chút phong vị nhắc nhở nhẹ nhàng, một chút trách móc bâng quơ đối với đấng lang quân của mình:

- “Lời này dặn với tri âm nhé:

Chớ phụ cầm treo đợi dưới trăng”

(Tặng ông chiêu Lỳ về quê)

- “Giọng thảm giờ mùi chẳng đấu thưng, Vì ai nên nỗi, cũng vì chưng…”

(Giờ mùi) Tình yêu là điều kiện cần và đủ cho một cuộc sống hạnh phúc trong gia đình phong kiến. Bởi bổn phận của người phụ nữ thời ấy là bổn phận với gia đình, là làm vợ, làm mẹ. Bao nhiêu oán trách, bao nhiêu uất ức cũng chỉ vì cuộc sống đang có

không như mong muốn. Càng oán trách nhiều lại càng chứng tỏ họ đã khao khát hạnh phúc nhiều, chính bởi mong muốn ấy to lớn quá nên khi không có được thì họ bị hụt hẫng tột độ và khát vọng có được hạnh phúc lại ngày càng trở nên mãnh liệt hơn… Khát vọng tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ đã được các tác gia - tác giả tập trung khắc họa một cách đa chiều, đa diện với nhiều cách thể hiện khác nhau. Qua mảng nội dung này, đời sống nội tâm của người phụ nữ được đào sâu triệt để, góp thêm những tiếng nói đòi nhân quyền mang tư tưởng nhân đạo cao cả của các tác giả trung đại.

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)