6. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Chất bình dân của ngôn từ
Văn học Việt Nam trung đại chứa đựng tính dân tộc và tính nhân dân đáng tự hào ở nhiều mặt, đỉnh cao là sự phát triển vượt trội của bộ phận văn học Nôm từ cuối thế kỷ XVIII. Văn học Nôm phát triển đồng nghĩa với sự tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, thể hiện bản sắc dân tộc trong hoàn cảnh xã hội rối ren lúc bấy giờ. Việc đưa ngôn từ bình dân vào văn học “cho thấy sự vận động hai chiều của thơ trung đại: quá trình tạo dựng tính quy phạm và quá trình phá vỡ tính quy phạm” [12, tr.160]. Nếu tính chất bác học trong cách sử dụng ngôn từ ở bộ phận văn học chữ Hán là biểu hiện của tính quy phạm thì chất bình dân trong văn học Nôm là biểu hiện của quá trình phá vỡ tính quy phạm.
Ngôn từ văn học dân gian mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là ngôn từ bình dân, dung dị mang đậm phong cách đời thường của cuộc sống dân dã. Đây là kiểu ngôn từ được sử dụng nhiều bắt đầu từ Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương trở về sau với nhiều cách thể nghiệm táo bạo và mới mẻ. Đáng chú ý có một bộ phận thơ mang âm hưởng của văn học dân gian, phát triển ý từ ca dao hoặc trực tiếp đưa ca dao vào tác phẩm để tạo ra những ấn tượng thẩm mỹ, những cách tân nghệ thuật độc đáo. Ngôn từ văn học dân gian thường được các tác giả sử dụng cho những tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm bởi ngôn từ dân gian chỉ thực sự phù hợp với những nội dung gắn liền với cuộc sống thường nhật, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng.
Trước hết, nói đến ngôn từ văn học dân gian là nói đến cách chọn lọc từ ngữ vừa mang tính thẩm mỹ, phù hợp với đại bộ phận quần chúng lại vừa thể hiện được nội dung mà tác giả hướng đến. Đại bộ phận các nhà thơ sáng tác thơ Nôm đã có ý thức sử dụng từ ngữ gần gũi với cuộc sống, ít điển tích điển cố, ít hoa mỹ ước lệ, dễ hiểu dễ nhớ… Các nhà thơ đã dụng công khai thác tinh hoa của văn học dân gian, đưa toàn bộ hoặc thể hiện nội dung của ca dao dưới một hình thức khác. Ở đây, không thể không nhắc đến những bước đi tiên phong của Trần Tế Xương, Hồ Xuân
Hương, Nguyễn Công Trứ và một vài thể nghiệm trong thơ Nguyễn Khuyến: - “Bắc cầu, câu cũ không hờ hững,
Cầm kính, tình xưa vẫn đắng cay”
(Thầy đồ ve gái góa - Nguyễn Khuyến) - “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương) - “Thân em như quả mít trên cây”
(Quả mít - Hồ Xuân Hương)
- “Mới biết có chồng như có cánh, Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông”
(Muốn lấy chồng - Nguyễn Khuyến) Kết hợp với đó là cách sử dụng những hình ảnh gần gũi với đề tài được nói đến như “tép tôm”, “cỏ hôi”, “tiếng quyên khắc khoải”… Điều này cũng đồng thời giải thích cho sự bùng nổ của thơ Nôm trong giai đoạn hạ kỳ trung đại khi mà các tác giả đã chú trọng đưa những vấn đề đời thường vào văn học. Trong những vấn đề được các tác giả giai đoạn hạ kỳ trung đại quan tâm đến có vấn đề số phận của người phụ nữ - đối tượng chịu nhiều bất công, thiệt thòi - trong xã hội cũ. Đối tượng này trở thành một đề tài có sức lan tỏa lớn đặc biệt vào thế kỷ XVIII - XIX với một số lượng lớn các tác giả, tác phẩm đề cập đến.
Điểm đặc biệt rất đáng ghi nhận ở bộ phận thơ Nôm là các tác giả hạn chế đến mức tối đa những điển cố từ Trung Hoa mà sử dụng những thi liệu dân gian,
thành ngữ tục ngữ dân gian hoặc những câu nói của người xưa để làm điểm nhấn cho tác phẩm, cho phong cách tác giả:
- “Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ, Rượu chè trai gái đủ tam khoanh”
(Tự cười mình - Trần Tế Xương)
- “Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn”
(Quan tại gia - Trần Tế Xương) - “Thương cái cò lặn lội bờ sông,
Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng”
(Gánh gạo đưa chồng - Nguyễn Công Trứ)
- “Bắc cầu, câu cũ không hờ hững,
Cầm kính, tình xưa vẫn đắng cay”
(Thấy đồ ve gái góa - Nguyễn Khuyến)
- “Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn mướn không công”
(Lấy chồng chung - Hồ Xuân Hương) Nhu cầu giải phóng cảm xúc cá nhân được Hồ Xuân Hương thử nghiệm trong thơ Nôm là một bước đi tiên phong mạnh dạn cho một thời đại thơ Nôm rực rỡ thành tựu vào hai thế kỷ XVIII, XIX. Trước đó, Nguyễn Trãi tuy đã có hẳn một tập thơ Nôm viết về những sinh hoạt đời thường với những hình ảnh mang đậm tính chất dân dã (“rau muống”, “con lợn”, “con trâu”…) nhưng vẫn còn hơi hướng của văn chương bác học bởi lời thơ trau chuốt, ngôn ngữ thơ vẫn còn nhiều chỗ khó hiểu. Đến thời Hồ Xuân Hương và những tác giả thế kỷ XIX (Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu…) thì cái vỏ ngôn ngữ trang trọng đã hoàn toàn được cởi bỏ, các tác giả sử dụng nhiều ngữ liệu từ dân gian và bớt hẳn điển cố:
- “Quyết chí phen này trang trải sạch, Cho đời rõ mặt cái thằng tao”
- “Ở phố hàng Nâu có phỗng sành, Mắt thời thao láo, mặt thời xanh”
(Tự cười mình - Trần Tế Xương)
- “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm, Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi”
(Tự cười mình - Trần Tế Xương)
“Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó, Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh!”
(Tự cười mình - Trần Tế Xương) Một đặc điểm khác của ngôn từ văn học dân gian là cách các tác giả sử dụng các biện pháp nói lái, chơi chữ thường được xem như những thủ pháp nghệ thuật điển hình, dễ bắt gặp ngay cả trong những đoạn đối đáp hàng ngày. Thủ pháp nghệ thuật này được sử dụng rất phổ biến trong thơ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương. Ngoài việc tận dụng sự phong phú của ngôn ngữ để làm nên tính nghệ thuật cho tác phẩm, các tác giả còn sử dụng nói lái như một công cụ hữu hiệu che giấu (phần nào đó làm cho câu “tục” ấy bớt tục, bớt thô thiển khi thể hiện nó ra thành câu chữ trên trang giấy) cho cái “tục” trong thơ:
- “Đương cơn nắng cực chửa mưa hè, Rủ chị em ra tát nước khe”
(Tát nước - Hồ Xuân Hương)
- “Thôi thôi xin kiếu cô từ đấy,
Chiều đãi thì tôi cũng ... váo đèo!”
(Không chiều đãi - Trần Tế Xương) - “Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nảy nét ngang”
(Không chồng mà chửa - Hồ Xuân Hương)
- “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì, Thương chồng nên khóc tỉ tì ti”
Khai thác tính đa nghĩa của ngôn ngữ văn chương, nhiều nhà thơ đã vận dụng xuất sắc để tạo thành một nét độc đáo riêng cho tác phẩm của mình. Đôi khi, cái mộc mạc của ngôn từ dân gian cũng gợi ra nhiều “ngụ ý” trần trụi, nhưng nét độc đáo ở đây chính là những tác phẩm ấy dù xét ở nghĩa đen hay nghĩa hàm ẩn thì cũng đều hợp lý và hoàn chỉnh. Chính sự vận dụng ngôn ngữ một cách uyển chuyển ấy đã bước đầu làm nên phong cách sáng tác của nhiều tác giả:
- “Một lỗ sâu xâu mấy cũng vừa, Duyên em dính dáng tự ngàn xưa”
(Cái quạt - Hồ Xuân Hương)
- “Gái già này sức vóc được bao? Muốn sao, chiều chẳng được sao”
(Lời gái góa - Nguyễn Khuyến)
- “Buôn trứng những toan kề cửa lỗ, Sợ còng chẳng dám động chân lông”
(Vịnh cô Cáy Chợ Rồng - Trần Tế Xương) Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... là những tác giả sử dụng ngôn từ dân gian hết sức phong phú, nhuần nhuyễn tạo được dấu ấn đậm nét. Ngôn từ bình dân nhưng lại mang sức gợi cao, thể hiện đa dạng nhiều mặt cuộc sống. Một câu thơ như thế thường có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái mà tác giả muốn nói đến thực sự thường bị ẩn vào trong (vì nhiều lý do khách quan và chủ quan) nhưng nội dung ấy vẫn tồn tại ngay trong cách sử dụng ngôn từ lắt léo đầy ngụ ý của tác giả. Ý nghĩa đả kích, châm biếm phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc ấy:
- “Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”
(Lời vợ anh phường chèo - Nguyễn Khuyến) - “Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển vần!”
Văn chương trung đại vốn rất đặc trưng bởi lối nói bóng bẩy, hàm súc, đầy ngụ ý. Bộ phận văn học chữ Hán không thiếu những bài tỏ ý châm chích, đả kích, bài xích một hoặc một bộ phận người, một vấn đề bức bối nào đó trong xã hội nhưng cách biểu hiện tương đối kín đáo, còn phần nào dè dặt. Ngược lại, văn học Nôm, các tác giả bộc lộ thái độ rất rõ ràng, ngôn từ đôi khi sắc nhọn, gai góc để bày tỏ quan điểm trước vấn đề mình quan tâm:
- “Cả nể cho nên hóa dở dang,
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?”
(Không chồng mà chửa - Hồ Xuân Hương)
- “Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây, Khôn kia dễ bán dại này!”
(Mẹ Mốc - Nguyễn Khuyến)
“Gắn với tư tưởng tự do là sự xuất hiện của những cá tính ngông. Ở đây, ngông cần được hiểu như một phạm trù văn hóa. Ngông là đặc điểm quan trọng của lớp nhà nho tài tử. Ngông đi liền với thái độ cậy tài, khoe tài, ý thức về tài năng và bản lĩnh của mình” [12, tr.162], đến thế kỷ XIX, trước tình hình xã hội rối ren, nhiều tác giả thậm chí đã bất mãn với thời cuộc đến mức mỉa mai và chửi cả cái xã hội mình đang sống:
- “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”
(Lấy chồng chung - Hồ Xuân Hương)
- “Con người như thế mà như thế, Như thế thì ra nghĩ cũng xằng”
(Tự trào - Trần Tế Xương)
- “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ? Đời trước lắm quan cũng thế a?”
(Kiều bán mình - Nguyễn Khuyến) Thơ trữ tình giai đoạn hạ kỳ trung đại mà đặc biệt từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX phổ biến với kiểu tác phẩm “ghi nhận điều trông thấy”, tức là
thể hiện những điều mình bắt gặp ở tất cả mọi lĩnh vực vào tác phẩm văn chương, kể cả những đề tài đời thường bình dị gắn với những con người bình dân lao động hay những con người nhỏ bé vô danh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hình tượng người phụ nữ phát triển mạnh mẽ trong các tác phẩm văn học nói chung, thơ trữ tình nói riêng. Nghệ thuật thơ trung đại ở cả hai bộ phận chữ Hán và chữ Nôm đều rất đặc sắc, mỗi bộ phận lại có những đặc trưng riêng phù hợp với nội dung được thể hiện. Thơ trữ tình giai đoạn hạ kỳ trung đại kế thừa thành tựu của giai đoạn trước, đồng thời, tạo được những chuyển biến đáng kể khi mở rộng nội dung ở khía cạnh phản ánh hiện thực cuộc sống và phát triển hình thức thơ…
Như vậy, hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX đã được xây dựng một cách chi tiết từng mảnh nhỏ xứng đáng có được một vị trí, một chỗ đứng trong hệ thống hình tượng nhân vật văn học. Nội dung và nghệ thuật là hai mặt gắn bó mật thiết, không tách rời nhau. Nếu các tác giả thiếu đầu tư ở một mặt nào thì cũng không thể tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh, được người đời sau công nhận và cũng không thể tạo nên một sức lan tỏa mang tính thời đại như hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX.
KẾT LUẬN
Văn học là bức tranh phản ánh một cách chân thực và sinh những biến động của lịch sử và xã hội. Kể từ khi nền văn học viết chính thức ra đời vào thế kỷ X, thơ trữ tình đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của văn học dân tộc. Sự trưởng thành theo thời gian và vị thế của thơ trữ tình được khẳng định khi trở thành một bộ phận không thể thiếu và không thể không nhắc đến khi đề cập về văn học Việt Nam trung đại. Thơ trữ tình trung đại phát triển một cách phong phú và đa dạng về cả nội dung và hình thức. Số lượng lẫn chất lượng thơ được ghi nhận ở cả hai giai đoạn thượng kỳ trung đại và hạ kỳ trung đại với lực lượng sáng tác cực kỳ hùng hậu, hầu hết các tác giả ở giai đoạn trung đại đều có các sáng tác thơ trữ tình. Sự phát triển của bộ phận văn học chữ Nôm là một bước đi tất yếu của thời đại, đánh dấu sự lên ngôi của những giá trị truyền thống, của tinh thần dân tộc.
Mục đích “giáo hóa” đi dọc theo con đường phát triển văn chương trung đại Việt Nam, tùy vào những thời điểm khác nhau mà tính chất này cũng biến đổi cho phù hợp. Trong tác phẩm Văn học Việt Nam trung đại từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX, các tác giả khi xác định những đặc điểm lớn của văn học trung đại có viết:
“Sáng tác có lúc là để tiêu khiển, thù tạc, nhưng mục đích chính sách chung của nhà nước và mục đích của các vị thánh hiền là giáo hóa đời người. Còn giáo hóa theo đạo lí nào lại là một chuyện nữa. Đúng như Phan Kế Bính nói: “Văn chương chẳng những là một nghề chơi thanh nhã để di dưỡng tính tình mà thôi, mà có thể cảm động được lòng người, di dịch được phong tục, chuyển biến được cuộc đời, cái công hiệu về đường giáo hóa lại càng to lớn lắm”. Hai chữ “giáo hóa” đọc đâu cũng thấy trong văn chương trung đại” [39, tr.22].
Mục đích giáo hóa ấy tỏa một cái bóng to lớn bao trùm nhiều thế kỷ văn học nước nhà. Đến tận khi văn học Nôm phát triển rực rỡ từ nửa cuối thế kỷ XIX với nhiều tác giả nổi bật, quan niệm sáng tác theo kiểu “ghi nhận điều trông thấy” kéo văn học tiến gần thêm một bước đến đời sống thực thì vấn đề giáo hóa được đặt ra trong văn chương mới thay đổi cách thể hiện theo hướng kín đáo hơn phần nào.
Ưu thế không thể phủ nhận của thơ Nôm từ nửa sau thế kỷ XVIII đã góp phần không nhỏ đưa những vấn đề đời thường, những con người bình dân, những tình cảm bình dị, gần gũi, mộc mạc vào trong thơ. Đây là điều mà bộ phận văn học chữ Hán chưa thực sự quan tâm đúng mức (dẫu có chạm đến nhưng chưa đào sâu). Với sự hậu thuẫn của thời đại, những nhân vật nữ xuất hiện trong thơ ngày một nhiều hơn và rõ nét hơn, các tác gia - tác giả cũng dần có ý thức hơn về cách thể hiện nhân vật phụ nữ trong tác phẩm. Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam trung đại đã dần tìm được một chỗ đứng, khẳng định được vai trò trong cả một chặng đường dài văn học dân tộc.
Một điểm đáng ghi nhận khác là sự định hình phong cách tác giả gắn liền với hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX. Giọng điệu và cái tôi cá nhân đã bắt đầu hình thành từ các nội dung cơ bản ấy, những dấu ấn đầu tiên khi các nhà thơ có ý thức đưa tình cảm cá nhân vào văn chương. Đây là một bước tiến lớn so với giai đoạn thượng kỳ trung đại bởi các tác giả của nền văn học truyền thống luôn tìm cách giấu đi chính mình, hòa mình vào cái chung của cộng đồng.
Thơ trữ tình là một bộ phận quan trọng cấu thành tổng thể của nền văn học trung đại Việt Nam rực rỡ thành tựu. Trải qua mỗi thời kỳ, thơ trữ tình cùng với những thể loại văn học khác luôn luôn vận động và phát triển theo hướng phát triển của lịch sử dân tộc, từng bước thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của văn chương Trung Hoa, khẳng định bản sắc dân tộc đậm nét. Đặc biệt, văn học thế kỷ XVIII - XIX có những bước đột phá mạnh mẽ toàn diện, cơi nới toàn diện nhiều mặt, khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam. Những chuyển biến rất đặc sắc ấy đánh dấu bước chuyển mình của văn học, văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX nói chung, thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX nói riêng đã hoàn thành một cách xuất sắc vai trò cầu nối để văn học Việt Nam bước vào con