6. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ X XIV
Ở giai đoạn thế kỷ X - XIV, thơ trữ tình đã khá phong phú, xét về số lượng lẫn chất lượng không thua kém so với các tác phẩm thuộc thể loại chính luận (chiếu, biểu, truyện, kí)… Tuy nhiên, văn học giai đoạn này bị chi phối bởi cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc, nhà thơ quan niệm làm thơ là phải “ngôn chí”, và họ làm thơ để nói lên chí hướng của mình. Bởi thế, các tác giả có xu hướng chú trọng đến những vấn đề lớn lao, những vấn đề chung của dân tộc mà bỏ qua những vấn đề thuộc về quỹ đạo đời thường. Các đề tài của cuộc sống thường nhật không nhiều, tần số xuất hiện của những nhân vật nữ lại càng thật sự ít ỏi, hiếm hoi và nếu có, cũng thường là những hình ảnh thoáng qua, ít xem người phụ nữ là đối tượng chính mà tác phẩm đề cập.
Theo khảo sát của chúng tôi, nhân vật người phụ nữ chỉ xuất hiện trong một vài bài thơ trữ tình thế kỷ X - XIV. Trong khoảng thời gian năm thế kỉ (X - XIV), những bài thơ có sự xuất hiện của hình tượng người phụ nữ hết sức thưa thớt và số lượng thơ xem phụ nữ là đối tượng miêu tả trực tiếp lại càng hiếm hoi hơn. Theo đó, nhân vật phụ nữ chỉ xuất hiện trong một số bài thơ chữ Hán như người cung nữ
đã mất trong Cung viên xuân nhật ức cựu của Trần Thánh Tông, người chinh phụ trong Khuê oáncủa Trần Nhân Tông, cô thiếu nữ trong Xuân nhật tức sựcủa Huyền Quang, nỗi lòng của người con nhớ mẹ được nhắc đến trong Cống Châu giang trung phùng tiên kỉ tỵ nhậtcủa Lê Cảnh Tuân.
Hình ảnh người phụ nữ được nhắc đến rất mơ hồ qua một thoáng “nhớ người cũ” trong Cung viên xuân nhật ức cựu của Trần Thánh Tông:
“Cung môn bán yểm kinh sinh đài, Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai. Vạn tử thiên hồng không lạn mạn, Xuân hoa như hứa vị thùy khai?”
(Cung viên xuân nhật ức cựu - Trần Thánh Tông) Dịch thơ:
Cửa ngõ lờ mờ dấu bụi rêu, Chìm chìm ngày bạc vẻ đìu hiu. Đầy vườn rực rỡ hồng chen tía, Hoa khéo vì ai vẫn nở nhiều.
(Ngô Tất Tố dich) Hình ảnh của những người phụ nữ trong tác phẩm nói trên không thật sự rõ ràng dẫu đối tượng mà tác giả hướng đến trong thơ chính là người phụ nữ (qua cách đặt tựa đềCung viên xuân nhật ức cựu). Điều này một phần là vì cái tôi của các tác giả luôn ẩn kín trong tác phẩm, phần khác là bởi người phụ nữ ấy hiện lên không bằng hình hài, tính cách hoặc phẩm chất mà là qua nỗi nhớ của nhà thơ. Bài thơ như một lời bày tỏ tình cảm theo kiểu nhìn cảnh nhớ người khi tác giả dạt dào cảm xúc, sự hiện diện của tình cảm mà tác giả thể hiện đối với người phụ nữ là điều hết sức rõ ràng… Bài thơ mang một âm hưởng da diết, hoài niệm, một chút nuối tiếc và buồn. Cái buồn của cảnh cũ phủ màu ảm đạm của thời gian, vườn cũ bây giờ hoa nở rực rỡ cho “ai”, vì “ai”… Với dung lượng của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt thì đây là một bài thơ rất ấn tượng bởi nhà thơ đã truyền đạt được cảm xúc (nỗi nhớ, nỗi buồn) của mình một cách trọn vẹn.
Hay một người phụ nữ khác - người chinh phụ - được khắc họa ở khía cạnh tâm hồn (nỗi nhớ nhung, sầu muộn) trong Khuê oáncủa Trần Nhân Tông:
“Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng, Hoàng ly bất ngữ oán đông phong. Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại, Hoa ảnh, chi đầu tận hướng đông”
(Khuê oán - Trần Nhân Tông) Dịch thơ:
Vén rèm ngủ dậy ngắm hoa rơi, Oanh oán gió đông cứ ngậm lời. Vô cớ bên đoài ô khuất gác,
Bóng hoa đầu ngọn ngóng đông hoài.
(Nỗi oán khuê phòng - Đông A dịch) Một người phụ nữ đại diện cho rất nhiều người phụ nữ khác trong hoàn cảnh tương tự - xa chồng trong thời loạn. Bài thơ có thể xem là một tiếng nói cảm thông cho thân phận của những người phụ nữ bất lực trước hoàn cảnh, không thể chủ động tận hưởng cuộc sống, tận hưởng tuổi trẻ trong vòng đời ngắn ngủi. Sau một giấc dài, thiếu phụ thức dậy, cuốn rèm mở cửa “ngắm hoa rơi”; trong khi chim hoàng oanh im bặt tiếng vì oán hận mùa xuân đã qua, gió xuân không tới nữa. Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn liền với mùa xuân, nhưng mùa xuân đến hẹn lại lên còn tuổi trẻ thì không bao giờ quay lại. Thiếu phụ nuối tiếc thời gian trôi qua quá chóng vánh, đời người đang dịch chuyển theo bánh xe thời gian đến ngưỡng tuổi già. Một cảm thức đầy tính triết lý của tác giả về thời gian, nêu lên quy luật khắc nghiệt của tuần hoàn, qua mấy vần thơ hàm súc, ý tại ngôn ngoại.
Hoặc ghi nhận một cảm xúc bất chợt của một cô gái trước mùa xuân trong bài thơ Xuân nhật tức sự của Huyền Quang (trong Thơ văn Lý - Trần tập 2 (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988) có ý kiến nghi ngờ tác giả bài thơ này không phải là Huyền Quang). Nhân vật và tác giả như tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn:
“Nhị bát giai nhân thích tú trì, Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly. Khả liên vô hạn thương xuân ý, Tận tại đình châm bất ngữ thì”
(Xuân nhật tức sự - Huyền Quang) Dịch thơ:
Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều, Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy, Là khi không nói, chợt dừng thêu.
(Tức cảnh ngày xuân - Huệ Chi dịch) So với hai bài thơ nói trên của Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông thì cô gái xuất hiện trong bài thơ này mang hương vị tươi vui, khỏe khoắn hơn. Cảm xúc đột ngột xuất hiện một cách không tự chủ của chủ thể trước mùa xuân là cảm xúc mà có thể chúng ta đã từng trải qua trong cuộc đời nhưng không hay biết. Đôi khi nhìn một buổi hoàng hôn hay một đêm trăng huyền mộng rải ánh vàng lên từng giọt sương trên lá cỏ mà quên đi hiện tại. Cái giây phút đó là giây phút lòng người tràn đầy vạn vật. Có thể hiểu rằng thiền sư đã đặt cái nhìn của mình vào tâm của cô gái. Cô nhìn hoa nở, cô nghe chim hót, bất chợt nảy ra cảm xúc dạt dào “thương xuân, thương biết mấy” và vô thức dừng tay thêu… Đây là một bài thơ rất đẹp về sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, với đối tượng được đề cập là một thiếu nữ mơn mởn sức sống và mùa xuân mang sự tươi tốt đến cho vạn vật.
Mờ nhạt và mơ hồ là những hình dung tương đối chính xác cho những nhân vật phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ X - XIV. Số lượng một vài bài thơ này chưa đủ để tạo nên dấu ấn cho một mảng đề tài, chưa đủ để đưa hình ảnh người phụ nữ bình thường thành một hình tượng có sức lan tỏa lớn trong văn học. Tuy nhiên, chất lượng đã một phần bù đắp cho số lượng thơ ít ỏi ấy. Dẫu nhân vật phụ nữ chưa thực sự được làm nổi bật nhưng sự đặc sắc và trau chuốt trong hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ là điều không thể phủ nhận. Một vài tiếng nói cảm thông và trân trọng ở thời
gian đầu này cũng góp phần không nhỏ khiến các tác giả chú ý hơn đến việc khắc họa nhân vật phụ nữ ở những tác phẩm giai đoạn sau.