6. Kết cấu của luận văn
3.3.1. Chất bác học của ngôn từ
“Văn học là một hiện tượng xã hội. Cho nên quan niệm của xã hội về văn học có ảnh hưởng lớn đến thực tiễn văn học: từ mục đích viết văn đến phạm vi đề tài, hình thức thể loại, ngôn ngữ văn học…” [33, tr.28]. Văn học Việt Nam trung đại đi suốt một chặng đường dài đồng hành cùng lịch sử dân tộc đã có những biến đổi, thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan để tạo nên những tác phẩm có giá trị cho từng giai đoạn nhất định. Thơ trữ tình Việt Nam trung đại nói riêng, văn học trung đại Việt Nam nói chung thể hiện hết sức rõ nét tính chuẩn mực, khuôn thước quy phạm của tư duy và những quan niệm thô cứng như “Văn dĩ tải đao”, “Thi dĩ ngôn chí”, “Thuật nhi bất tác” và “nội dung dù có văn - sử - triết bất phân thế nào thì trước sau vẫn đặt sự ưu tiên hàng đầu cho việc ca ngợi xã tắc sơn hà, răn dạy đạo lý kẻ sĩ thì quân, thần, phụ, tử, người quân tử thì trung, hiếu. tiết, nghĩa” [30, tr.466]… đến các thao tác nghệ thuật cũng mang đậm hơi hướng, ảnh hưởng của văn chương Trung Hoa với lối sáng tác “cử tử, tập cổ, thù tạc, đề vịnh với đầy điển tích điển cố, hình ảnh biểu tượng và ước lệ” [30, tr.466], thậm chí mạch ngầm thi pháp cũng phổ biến những tác phẩm đề cập đến phong - hoa - tuyết - nguyệt, tùng - trúc - cúc - mai, hay “cảm hoài”, “thuật hoài”… Những đặc điểm nói trên tùy theo từng thời điểm mà có mức độ thể hiện đậm - nhạt khác nhau.
Theo quan niệm sáng tác xưa, “những gì nghiêm chỉnh, trọng đại đều phải viết bằng chữ thánh hiền” [39, tr.31], thế nên, các tác phẩm văn chương chữ Hán“đề tài phải phù hợp với tính chất cao quý. Phải là chuyện quốc gia đại sự, là thế thái nhân tình, là thành tích lớn lao của vua này chúa nọ, là quan hệ vua tôi, cha con, quan dân, là đạo lý làm người theo lý tưởng cao cả…, không thì cũng cảnh núi sông hùng vĩ, chùa chiền u tịch, đêm trăng chiều gió, tài tử giai nhân…” [39, tr.30], chữ Nôm chỉ được sử dụng để nói đến những gì thông thường trong phạm vi cá nhân, mang tính chất bình dân. Thơ chữ Hán mang tính quy phạm cao, chọn lọc ngôn ngữ kỹ lưỡng, phải đáp ứng yêu cầu thanh tao, cao quý và cũng thể hiện sự uyên bác của người làm thơ. Thơ càng ngắn gọn, hàm súc và gợi mở thì càng được đánh giá cao. Hình ảnh thơ cũng do vậy mà bị thu hẹp đáng kể, chịu ảnh hưởng từ
cách sử dụng hình ảnh, vận dụng điển cố Trung Hoa. Tính quy phạm chi phối nhiều mặt của một tác phẩm văn học trung đại, trong đó, có khía cạnh ngôn từ.
Bộ phận văn học chữ Hán nói chung, thơ trữ tình chữ Hán nói riêng đặc trưng với việc sử dụng ngôn từ bác học. “Nghệ thuật từ chương đã khiến ngôn ngữ trung đại đậm chất trang trí. Dĩ nhiên, tính chất trang trí phải được hiểu như là một nguyên tắc của thơ trung đại chứ không phải là sự màu mè, lòe loẹt về hình thức thuần túy. Đây cũng là lí do khiến các thi nhân trung đại ưa chơi chữ, thích đăng đối, trọng điển tích để tăng tính bác học” [12, tr.159]. Chất bác học thể hiện rõ nét trong bộ phận văn học chữ Hán ở cách sử dụng điển cố và các từ ngữ ước lệ với tần suất cao:
- “Cảm thuyết vong nhân hiền tự Mạnh, Chỉ tàm Tề Vật đạt phi Chu”
(Dám nói rằng người đã khuất hiền thục như bà Mạnh
Chỉ thẹn mình chưa đạt tới hai chữ “Tề Vật” của Trang Chu) (Thứ thất chi tang, Phạm Huy Khiêm dĩ thi khoan úy, y vận đáp chi
- Ngô Thì Sĩ) - “Tạo hóa hà cừu tru thục thê,
Văn chương vô lực khởi tao khang”
(Tạo hóa hận chi mà giết người hiền thục, Văn chương chẳng làm sống lại bạn tao khang)
(Sơ ngũ nhật, trực Đoan Ngọ tiết, tể sinh vi lễ nhân thành tam luật
- Phạm Nguyễn Du) - “Túng nhiên cẩm tú tranh Tô Muội,
Bất vị quần thoa thác Tạ Ky”
(Thế nhưng nếu văn chương của nàng hay như Tô Muội, Thì chẳng nên vì tác giả là con gái mà bỏ sót Tạ Cơ)
(Ký tài nữ Thụy Liên - Ninh Tốn)
- “Dương Châu kỵ hạc thành hư vọng, Hối bất Trần khanh lạc quán viên”
(Cỡi hạc chơi cảnh thành Dương Châu, cái mộng phú quý thần tiên đã thành chuyện hão,
Hối hận rằng chẳng làm như Trần Trọng Tử ở nhà cùng vợ gánh nước tưới vườn rau còn vui thú hơn)
(Hoài nội - Trịnh Hoài Đức)
“Ngôn ngữ văn học trung đại là ngôn ngữ đậm chất ước lệ. Nó hướng tới việc bộc lộ những vẻ đẹp cao nhã. Ngôn ngữ trang trọng, mực thước được coi là “chuẩn” của văn học thời đại này. Màu sắc Hán và điển tích, điển cố rất đậm” [12,
tr.156]. Văn học trung đại được xem là một thời kỳ văn học cao nhã, tính cao nhã ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó, nghệ thuật khắc họa hình ảnh người phụ nữ hết sức đặc sắc, ấn tượng. Dù thể hiện người phụ nữ ở ngoại hình hay nội tâm, ở vào hoàn cảnh cao sang hay khốn khó thì ngôn từ nghệ thuật vẫn đi theo cách lựa chọn truyền thống, vẫn đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ nhưng lại không xa rời nội dung:
- “Tang hải kỷ hồi kinh nhập mộng, Quần thoa vô kế mạn tùy ba”
(Mấy hồi dâu bể nỗi kinh sợ vào cả trong giấc mộng, Phận quần thoa đành theo kiếp bèo bọt lênh đênh)
(Cựu ca cơ - Phạm Đình Hổ)
- “Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn”
(Mưa thu như dòng lệ chảy không ngớt,
Lớp rêu như ghi lại một bài văn ca tụng nàng)
(Vọng phu thạch - Nguyễn Du)
- “Hồng trang yểm ái đào hoa diện, Đà nhạn hám thái tối nghi nhân”
(Áo hồng ánh lên mặt hoa đào,
Má hừng rượu, vẻ ngây thơ, rất dễ thương)
(Long thành cầm giả ca - Nguyễn Du)
Nhất chi tiên tạ mẫu đơn hoa”
(Đầy vườn hoa thường lệ đang rất tươi tốt, Mà mẫu đơn kia đã rụng trước một nhành)
(Khốc tiên muội Kim Đài - Ngô Thì Điển) Việc sử dụng điển cố trong tác phẩm đặc trưng cho tính chất bác học với ngôn từ mực thước, trang trọng thường bắt gặp trong bộ phận văn học chữ Hán nhưng vẫn có các tác phẩm chữ Nôm thể hiện khía cạnh này. Cụ thể là một vài tác phẩm của bộ phận chữ Nôm đầu thế kỷ XVIII chứa đựng những hình ảnh tương đồng với thơ chữ Hán. Có thể lý giải điều này là do ảnh hưởng của thời đại, khi nhà nước phong kiến chưa thực sự khủng hoảng trầm trọng (giống như sự lựa chọn cho tập thơ Nôm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi khi viết về cuộc sống thường nhật dù ngôn từ vẫn hết sức trau chuốt, tương đối khó hiểu). Các tác giả lựa chọn chữ Nôm cho sáng tác của mình là bởi nội dung tác phẩm mang tính chất cá nhân, hướng đến những người phụ nữ trong gia đình:
- “Tần tảo bấy nay vẹn đạo thường,
Tiếng khen đã ngợi giá Nhâm Khương”
(Ban chánh cung - Trịnh Doanh)
- “Cắn tay quặn nhớ tin còn vắng,
Nương cửa ngừng trông, bóng chửa gần”
(Tuổi tác - Nguyễn Thiếp) Các tác giả đưa điển cố vào một cách có ý thức và xem đó như một phương tiện nghệ thuật để chuyển tải cảm xúc, một cách so sánh ước lệ để thể hiện hết những suy nghĩ chất chứa mà cách diễn tả thông thường không thể diễn đạt hết hoặc không thể đem lại hiệu quả tương tự. Những tác phẩm như thế thường có tần suất xuất hiện điển cố, ước lệ không thua kém gì thơ chữ Hán. Tuy nhiên, thơ chữ Nôm nửa đầu thế kỷ XVIII không thực sự nhiều và cách sử dụng ngôn từ theo quy chuẩn này cũng dần được thay thế bằng ngôn từ bình dân ở thơ Nôm từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi. Đây là sự thay thế tất yếu mang tính thời đại.
Văn học trung đại Việt Nam từ khi ra đời đến giai đoạn chuyển giao cận hiện đại vẫn luôn được các nhà phê bình, nghiên cứu đánh giá là thời kỳ văn học trang nhã, uyên bác. Điều đó trước hết chính là do cách sử dụng, chọn lọc ngôn ngữ của các tác giả trung đại. Ở bộ phận văn học chữ Hán, các tác giả đã vận dụng một cách khéo léo điển cố và các từ ngữ ước lệ để lột tả nhiều khía cạnh xung quanh những nhân vật nữ. Qua đó, chứng minh được rằng chất bác học trong văn học truyền thống vẫn tồn tại một cách đậm nét dù viết về những đối tượng nằm ngoài khuôn phép, quy chuẩn Nho giáo.