6. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Sự phong phú về kiểu loại nhân vật
Cùng viết về người phụ nữ nhưng nhân vật phụ nữ trong các tác phẩm mà chúng tôi khảo sát lại có thể xếp vào nhiều kiểu loại khác nhau. Sự phong phú về kiểu loại nhân vật đã tạo nên tính hệ thống cho hình tượng người phụ nữ, người phụ nữ trong văn học đã bắt đầu được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Các tác giả đã chú ý khắc họa nhân vật một cách đa chiều, đa diện để xây dựng được một hình tượng sống động, không xa rời thực tế.
Một số nhân vật liệt nữ được các tác giả đề cập đến trong tác phẩm. Từ thời gian đầu của nền văn học viết, các tác phẩm văn chương trung đại Việt Nam (đặc biệt là bộ phận văn học chữ Hán) thể hiện sự tôn trọng, kính ngưỡng đối với các nhân vật liệt nữ. Đồng thời, các tác giả sử dụng rất nhiều điển cố từ Trung Hoa hoặc nhắc rất nhiều đến những nhân vật nữ có thật có phẩm chất của một liệt nữ. Điều này cũng không ngoại lệ ở thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX.
Dễ nhận thấy ở thể tài thơ vịnh sử, những nhân vật liệt nữ hiện lên hết sức tiêu biểu, tuy nhiên, chúng tôi không đi sâu khai thác thể tài này bởi đặc trưng của thơ vịnh sử không hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí đối tượng mà đề tài khai thác. Dẫu vậy, thơ trữ tình trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi vẫn dành một vị trí nhất định với nhiều sắc thái cảm xúc phong phú cho kiểu loại nhân vật liệt nữ.
Rất nhiều tác phẩm đề cập đến những nhân vật nữ không có thật như Hằng Nga, Chức Nữ, tiên nữ… trong dân gian Trung Hoa. Những tác phẩm như thế hầu
hết chỉ mượn những nhân vật có liên quan (đến sự kiện - cụ thể là ngày tết trung thu, đêm thất tịch) để làm nổi bật nỗi nhớ, thể hiện tấm lòng của tác giả với quê hương, đất nước, với cha mẹ hoặc lột tả vẻ đẹp của tự nhiên. Tiêu biểu là một số tác phẩm: Trung thu dạ ngộ vũ (Ngô Thì Điển), Đồ gian xuân vũ (Cao Huy Diệu), Sơn lộ trung thu (Đoàn Nguyễn Tuấn), Thất tịch thiên ứng giáo đồng Thận Phu (Cao Bá Quát), Đề Từ Thức sơn (Ngô Thì Sĩ)… Đáng ghi nhận là một số bài thơ trực tiếp viết về những nhân vật liệt nữ có thật trong lịch sử Trung Hoa hoặc đề cập đến một vài cá nhân để nói đến những vấn đề khác trong cuộc sống. Kiểu loại nhân vật này được các tác giả khai thác chủ yếu ở khía cạnh đời sống thực với cái nhìn cảm thông sâu sắc. Hầu hết những tác giả sáng tác ở mảng này đều thể hiện tình cảm trân trọng, tiếc nhớ, thương xót cho cuộc đời và số phận của người phụ nữ đã chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống: Đề Vũ nương miếu (Ngô Thì Ức), Chiêu Quân mộ(Đoàn Nguyễn Tuấn), Nghi Cửu Nghi (Ngô Thì Nhậm), Dạ tửu hứng (Lê Quang Định),
Nhị phi miếu (Phan Huy Chú), Soạn thành “Trường giang chiến cổ diễn truyện” tặng Bùi phu nhân(Đào Tấn)…
Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến bình luận trái chiều (về một số nhân vật văn học được đề cập với xuất thân từ Trung Hoa, chưa thực sự được cho là liệt nữ) như quan điểm của Nguyễn Công Trứ trong Vịnh Thúy Kiều và Vịnh Nam Xương liệt nữ - quan niệm khắt khe ít nhiều mang tư tưởng của một nhà Nho đối với người phụ nữ trong xã hội cũ.
Những nhân vật liệt nữ được thể hiện qua cái nhìn của các tác giả Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau, ở nhiều mức độ và góc độ khác nhau. Không thể phủ nhận rằng vẫn còn có những ý kiến mang nặng tư tưởng phong kiến nhưng cái cốt lõi là tinh thần tôn trọng và nhận xét có chừng mực của tác giả là rất đáng quý và đáng ghi nhận.
Kiểu loại nhân vật được nhấn mạnh với vai trò của người phụ nữtrong gia đình (làm mẹ, làm vợ, làm con…) cũng là một kiểu loại nhân vật tương đối phổ biến, dễ bắt gặp kiểu nhân vật nữ này trong nhiều sáng tác bởi lực lượng sáng tác thế kỷ XVIII - XIX bao gồm nhiều thành phần, trong đó, thành phần trí thức quan
lại hoặc những người có học thức cao viết về mẹ, vợ hoặc người thân chiếm một số lượng không nhỏ.
Những nhân vật nữ quý tộc trong văn học là đại diện cho phụ nữ thuộc tầng lớp trên trong xã hội đương thời, họ có nhân cách tốt, phẩm hạnh cao quý, xứng đáng được tôn trọng và trở thành tấm gương về phong cách sống. Phần lớn các tác phẩm này khắc họa nhân vật phụ nữ ở khía cạnh tài hoa, hiểu biết, tâm hồn cao đẹp, đức hạnh vuông tròn, giàu lòng hy sinh: Hoài nội (Ngô Thì Nhậm), Quá Cổ Loa yết Mỵ Châu miếu đề bích (Chu Mạnh Trinh), Quá Mỵ Nương miếu (Cao Bá Quát), Ban chánh cung và Ban Đông cung (Trịnh Doanh), Kinh ngụ cảm hoài(Ngô Thì Sĩ)…
Bên cạnh đó, những người phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân chiếm một tỉ lệ rất lớn trong xã hội cũ. Ở đây, hình ảnh con người hiện lên trần trụi với đầy đủ sự tẩn tảo, lam lũ, vất vả… vì mưu sinh. Cũng ở đây, người phụ nữ trở thành một biểu tượng sống động của sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, mất mát, hy sinh lặng lẽ.
Các tác giả đã có ý thức viết sự thật, viết những gì thực tế đã và đang diễn ra dẫu sự thật về cuộc sống ấy đối lập với sự hào nhoáng mà nhiều người trong bộ máy nhà nước phong kiến cố gắng xây dựng. Những nhân vật trong các tác phẩm này có thể là những người vợ tần tảo, là những người mẹ giàu đức hy sinh, là những cô tì nữ hoặc chỉ là những người hàng xóm, những hoàn cảnh tình cờ trông thấy… Đây là kiểu loại nhân vật xuất hiện với tần số cao nhất trong thơ trữ tình viết về phụ nữ thế kỷ XVIII - XIX: Lão ẩu mộ thị (Ngô Thì Ức, Đồ ngộ đảm nhi tầm phu giả
(Đoàn Nguyễn Tuấn), Khốc thị nữ Lý Hà (Ngô Thì Sĩ), Văn nhân khốc (Ngô Thì Hoàng), Mộ kiều quy nữ (Cao Bá Quát)…
Nhìn chung, kiểu loại nhân vật được nhấn mạnh với vai trò của người phụ nữ trong gia đình mang màu sắc nhân đạo cao cả, thể hiện nhiều mặt cuộc sống của người phụ nữ trong hoàn cảnh đời thường. Ở đây, các nhân vật nữ mang nét đẹp của người lao động cần mẫn để vun vén cho gia đình, giàu đức hy sinh và yêu thương gia đình rất mực. Bản lĩnh của người phụ nữ chính là cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống để cải thiện cuộc sống của chính mình hoặc trở thành chỗ dựa cho người thân. Kiểu loại nhân vật này thường xuất hiện trong các tác phẩm của bộ phận
văn học chữ Hán (đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ XVIII), sử dụng từ ngữ mang đậm phong cách khuôn thước chuẩn mực ở mức độ phù hợp. Tình cảm của tác giả được lột tả một cách trang trọng nhưng cũng không kém phần sâu sắc và da diết. Đây cũng là kiểu loại nhân vật được thể hiện trong những tác phẩm hết sức nổi bật của thể loại thơ trữ tình trung đại viết về người phụ nữ.
Kiểu loại nhân vật tài nữ, ca kỹxuất hiện trong nhiều tác phẩm đặc sắc với ý thức đề cập đến khía cạnh tài hoa tột bậc đi kèm với số phận không may mắn của các cô gái. Cựu ca cơ (Phạm Đình Hổ), Điếu La thành ca giả, Ngô gia đệ cựu ca cơ, Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du) đều viết về số phận bèo bọt của những người ca kỹ. Một mặt, các tác giả ca ngợi, trân trọng tài đánh đàn, múa hát của những người ca nữ này, mặt khác, bày tỏ sự thương xót cho tài năng không được xã hội nhìn nhận, cho số phận không may mắn phải bám víu lấy nghề vì sinh kế của họ.
Các nhà thơ cũng bày tỏ sự kính ngưỡng, trân trọng những cô gái có học thức, có tài làm thơ nhưng vốn không nhận được sự công bằng của xã hội: Ký tài nữ, Ký tài nữ Thụy Liên (Ninh Tốn), Độc Tiểu Thanh ký (Nguyễn Du)... Các tác giả đã có cái nhìn rất tiến bộ so với thời đại mà họ đang sống khi viết về kiểu loại nhân vật này.
Bày tỏ tình cảm với một bộ phận phụ nữ bị xã hội ghẻ lạnh (đặc biệt là những người ca kỹ), Các tác giả nhìn thẳng vào tài năng làm thơ, đánh đàn, ca hát của những ca nữ, tài nữ ấy, đồng thời, bày tỏ sự vui mừng xen lẫn ngạc nhiên khi tìm thấy những kẻ tri âm tri kỷ là khách má hồng.
Tóm lại, lực lượng sáng tác hùng hậu của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX đã có sự tìm tòi, sáng tạo rất lớn trong việc tạo ra nhiều kiểu loại nhân vật nữ phong phú, đa dạng. Sự phân chia kiểu loại nhân vật này có thể không thật sự tách bạch bởi mỗi người phụ nữ không chỉ đóng khung ở một vai trò trong gia đình hoặc ngoài xã hôi mà có những trường hợp được đề cập ở cả hai vai trò ấy. Ở mỗi kiểu loại nhân vật như thế, những nhân vật nữ lại hiện lên ở nhiều góc độ khác nhau chứ không trùng khít, không tạo nên sự nhàm chán hoặc lặp lại lẫn nhau.