Thể tứ tuyệt

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 102 - 109)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1.Thể tứ tuyệt

“Thơ bốn câu gọi là thơ tứ tuyệt, người Trung Quốc gọi là tuyệt cú, tức là bài thơ hay tuyệt vời vì chỉ có bốn câu 20 từ hoặc 28 từ mà nói lên được đầy đủ ý tứ của một đề tài” [22, tr.108]. Đây là thể thơ được sử dụng nhiều ngay từ khi nền văn học viết Việt Nam ra đời. Phạm vi đề tài của thơ tứ tuyệt rất rộng, từ những vấn đề trọng đại mang tính dân tộc đến những vấn đề cá nhân.

Thể tứ tuyệt (ngũ ngôn và thất ngôn) có dung lượng ít ỏi về câu chữ (20 từ với ngũ ngôn tứ tuyệt và 28 từ với thất ngôn tứ tuyệt) rất phù hợp với nhu cầu ghi nhận những phát hiện mới mẻ, ghi nhận những cảm giác cảm xúc bất chợt nhưng mãnh liệt của nhà thơ với một vấn đề, một hình ảnh tình cờ bắt gặp trong cuộc sống. Phù hợp với nhiều loại đề tài nhưng tứ tuyệt là một thể thơ khó do sự hạn chế về dung lượng, đặt ra yêu cầu cao đối với người sáng tác.

Đặc điểm của thể tứ tuyệt là ngắn gọn và hàm súc. Yêu cầu ngắn gọn buộc thể tứ tuyệt hạn chế tối đa việc miêu tả cụ thể, hạn chế việc dồn chứa các chi tiết, hình ảnh có khả năng khắc họa sự sinh động, phong phú của đời sống. Quá nhiều hình ảnh hoặc sự kiện sẽ dẫn đến rối bố cục, loãng nội dung và tác giả sẽ không làm nổi bật được vấn đề trung tâm của bài thơ. “Để khắc phục điều này, người làm thơ tứ tuyệt cần phải chọn lọc, phát hiện một góc độ nhìn, một thời điểm nhìn, ở đó, toàn bộ thế giới và đời sống con người được lóe sáng, nổi bật trong dạng thức cô đọng nhất, bản chất nhất” [3, tr.78]. Từ một phạm vi đời sống hẹp, thơ tứ tuyệt thường đặt ra những vấn đề mang tính khái quát cao thuộc về nhiều mặt đời sống hay đặt ra những vấn đề thuộc về bản chất, quy luật muôn đời, đúng với tính chất

“gợi nhưng không tả” của một trong những dạng thức thơ đạt đến mức cao nhất của tính hàm súc trong văn chương nhân loại.

Ở đề tài Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX, thơ tứ tuyệt chỉ chiếm số lượng tương đối hạn chế (khoảng 22.5%) nhưng chất lượng rất đặc sắc. Đáng chú ý là hiện tượng mở rộng dung lượng bằng cách xâu chuỗi nhiều bài tứ tuyệt cùng chung một chủ đề. Hiện tượng này có thể xem là khuynh hướng phát triển hình thức thơ để phù hợp với nội dung, để có thể chuyển tải hết cảm xúc trữ tình của tác giả mà vẫn giữ nguyên tính chất hàm súc đặc trưng của thể thơ.

Do yêu cầu hàm súc, cô đọng mà thơ Đường luật thường ngắn, đặc điểm ngắn tất nhiên có những ưu thế nhất định như đòi hỏi tác giả phải đầu tư nhiều về kỹ thuật, chọn lọc từ ngữ kỹ lưỡng và tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao… nhưng ngược lại, vì yêu cầu ngắn nên các tác giả gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện nội dung tác phẩm, bởi một khi đã có cảm xúc thì việc giới hạn số lượng câu chữ sẽ trở thành một rào cản bó hẹp nội dung vào khuôn khổ hình thức. Hình thức thể hiện nội dung và hai yếu tố hình thức - nội dung sẽ linh hoạt thay đổi để phù hợp với nhau, tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật đặc sắc. Các thể thơ có xu hướng bung mở cấu trúc để chuyển tải trọn vẹn thế giới tâm trạng phong phú của nhân vật trữ tình (chùm thơ tứ tuyệt, chùm thơ bát cú, thơ trường thiên cổ phong...). Thơ tứ tuyệt viết về người phụ nữ phần lớn được ghi nhận ở thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX dù chỉ chiếm một số lượng rất hạn chế nhưng lại hết sức đặc sắc. Các sáng tác này được thể hiện bằng cả chữ Hán và chữ Nôm (Vãn thi tam tuyệt - Phạm Nguyễn Du, Thập tư, Thập bất tất tư - Ngô Thì Sĩ, Quá sơn gia - Miên Trinh, Bánh trôi nước,Mời trầu,Ốc nhồi,Quả mít,

Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân Hương, Tống nội tử Ngô Vũ Khanh nam quy - Nguyễn Thông, Xuân nhật ức song thân cảm tác - Đào Tấn, Tặng nội - Nguyễn Hành…). Dù là thơ chữ Hán hay chữ Nôm thì các tác giả vẫn có ý thức tuân thủ chặt chẽ những quy định về hình thức thơ. Nội dung thơ đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng về phía đời sống, thể hiện những khía cạnh sinh hoạt đời thường dung dị, đồng thời, tiếp cận với những đối tượng ít được đề cập đến trong văn học giai đoạn trước:

- “Tư lượng hàn khổ vị dương ky, Khang ngột như châu khước điển y. Phong lộ quá kiều hồn bất giác, Ỷ môn ưng hữu vọng hùng quy”

(Ngẫm nghĩ rét khổ chưa bằng đói khổ,

Tấm cám đắt như ngọc, đành phải cầm cố áo mà mua. Trong sương gió, cứ thản nhiên qua cầu không biết rét, Vì nghĩ rằng ở nhà có người đang tựa cửa mong mình về)

(Mộ kiều quy nữ - Cao Bá Quát) - “Bần tiện đô duyên ngã tự cầu,

Bình sinh hà oán diệc hà vưu. Cổ nhân tối ái tao khang nghĩa, An đắc tao khang đáo bạch đầu”

(Nghèo và không có địa vị gì, đó đều là do ta tự chuốc lấy, Cả đời chẳng oán Trời cũng chẳng giận người.

Cổ nhân rất quý trọng nghĩa tao khang,

Mong sao giữ được tình nghĩa ấy cho đến lúc bạc đầu)

(Tặng nội - Nguyễn Hành) Một bài tứ tuyệt có bố cục khai - thừa - chuyển - hợp, các tác giả sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để thể hiện cảm nhận, suy tưởng về vấn đề mình quan tâm. Ở thơ tứ tuyệt viết về người phụ nữ thế kỷ XVIII - XIX, tác giả thể hiện suy nghĩ của mình trong hai câu khai - thừa, nhân vật nữ (hoặc tình cảm của nhà thơ với nhân vật nữ) thường xuất hiện ở câu chuyển, nâng vấn đề lên một tầm khái quát cao hơn trong câu hợp. Có thể tìm hiểu tác phẩm Trệ vũ trung dạ cảm tác của Cao Bá Quát để thấy rõ hơn những đặc điểm này:

“Tuế vũ phi phi dạ bế môn, Cô đăng minh diệt tiễn vô ngôn.

Thiên biên chinh khách khuê trung phụ, Hà xứ tương tư bất đoạn hồn!”

(Cửa cài lất phất đêm mưa,

Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ, lặng không. Người viễn tái, kẻ cô phòng,

Tương tư ai chẳng não lòng như ai)

Bài thơ không đi sâu miêu tả chi tiết về người phụ nữ mà chủ yếu khắc họa một cảm xúc bất chợt của nhân vật trữ tình. Gây ấn tượng mạnh mẽ ở cách lựa chọn và kết hợp hình ảnh đặc sắc “bế môn”, “cô đăng”, “thiên biên”, “khuê trung”

nhấn mạnh và xoáy sâu vào nỗi cô đơn, nỗi nhớ của nhân vật. Tác giả bắt gặp sự kiện “tuế vũ phi phi” phù hợp với diễn biến tâm trạng, đồng thời, thời điểm và không gian thơ đồng hành với sự kiện tạo nên những khoảng lặng trong cảm xúc. Việc sử dụng hình ảnh đối lập “thiên biên chinh khách” - “khuê trung phụ” thể hiện trọn vẹn khoảng cách xa xôi về địa lý, không gian thơ như bị kéo giãn một cách bất chợt. Từ khía cạnh tình cảm của một cá nhân, tác giả khái quát lên thành vấn đề xa cách - nhớ nhung - sầu muộn của những người chinh phu - khuê phụ thời bấy giờ, hay rộng hơn nữa là nỗi buồn “tương tư” của những người đang phải chịu cảnh sống chia ly.

Như vậy, rõ ràng dù thể hiện nội dung thơ nào, thơ tứ tuyệt vẫn có thể phát huy ưu thế ở nhiều mức độ khác nhau. Bằng việc phát hiện và nhấn sâu vào một trạng thái cảm xúc, thơ tứ tuyệt viết về người phụ nữ vẫn cô đọng, hàm súc, vẫn mang tầm khái quát cao dù không chựa đựng nhiều chi tiết, không lột tả cụ thể về đối tượng.

Đáng chú ý là sự cách tân hình thức nhằm thể hiện nội dung ở một mức độ khác cao hơn. Cách tân nhưng vẫn giữ nguyên những đặc trưng vốn có của thể thơ tứ tuyệt. Các tác giả trung đại sử dụng hình thức xâu chuỗi các bài tứ tuyệt ở một vài phạm vi chủ đề khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là để thể hiện tình cảm sâu đậm dành cho vợ, thể hiện nỗi bi ai lên đến tột cùng trước mất mát tinh thần quá lớn của mình khi vợ qua đời. Ngô Thì Sĩ với Thập tư (Mười nhớ), Thập bất tất tư (Mười không thương nhớ) và Kinh ngụ cảm hoài (Nỗi cảm hoài khi trú ngụ tại kinh thành) đều thể hiện tình yêu, nỗi nhớ da diết không thể diễn đạt hết chỉ bằng một bài tứ

tuyệt ngắn ngủi. Thập tư Thập bất tất tư đều có mười bài tứ tuyệt được đánh số thứ tự từ I đến X và đều có sự lặp lại của một số câu thơ mở đầu tạo nên ấn tượng về nỗi đau ngày càng tăng theo từng bài thơ ngắn:

I - Tư quân vô kế, hiệu quân thư

(Nhớ nàng, không cách gì (khuây khỏa), đành đem sách của nàng ra sắp xếp lại) II - Tư quân vô kế, phủ quân cầm

(Nhớ nàng, không cách gì (khuây khỏa), đành đem cây đàn của nàng ra gẩy)

III - Tư quân vô kế, niệm quân ca

(Nhớ nàng, không cách gì (khuây khỏa), chỉ nhẩm lại khúc ca nàng vẫn hát) IV - Tư quân vô kế, trước quân y (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Nhớ nàng, không cách gì (khuây khỏa), đem áo nàng ra mặc) (Thập tư) I - Bất tất tư quân khả khán thư

(Khỏi cần thương nhớ, hãy xem sách nàng để lại) II - Bất tất tư quân khổ phất cầm

(Khỏi cần thương nhớ, gượng phẩy nhẹ dây đàn) III - Bất tất tư, hiếu cổ ca

(Khỏi cần thương nhớ, cứ như Trang Tử “gõ chậu mà hát ca”) IV - Bất tất tư, lệ mãn y

(Khỏi cần thương nhớ, nhưng nước mắt vẫn đẫm áo)

(Thập bất tất tư) Viết về nỗi lòng mình khi mất vợ, nhà thơ đã viết mười bài tứ tuyệt thể hiện nỗi nhớ (Thập tư), sau đó lại viết thêm mười bài khác tự nhủ “Khỏi cần thương nhớ” (Thập bất tất tư) nhưng dẫu là nhớ hay không nhớ thì trọn cả hai mươi bài tứ tuyệt ấy vẫn thấm đẫm nước mắt và nỗi đau của tác giả, cảm xúc cứ thế tăng lên và

chỉ tăng thêm chứ không giảm bớt bộc lộ tình cảm quyến luyến, sâu sắc trong đạo vợ chồng.

Với Kinh ngụ cảm hoài, Ngô Thì Sĩ ghi nhận nỗi lòng và tình cảm bất chợt của mình bằng một chùm thơ bốn bài cùng chung chủ đề (một bài bát cú và ba bài tứ tuyệt) đánh số thứ tự từ I đến IV. Vẫn giọng điệu ai oán, thê lương ấy, tác giả như không thể tin vào cái chết đến quá bất ngờ của người vợ mà mình hết mực thương yêu:

II - “Như thử khuê phòng khiết hựu trang, Sinh lai hà vãn khí hà mang”

(Phong độ khuê phòng đoan trang, trong sáng đến như vậy, Cớ sao ra đời muộn mà lại vội vàng thác sớm)

III- “Khanh thiếu ư dư thập lục niên,

Liên khanh thường khủng tử khanh tiên”

(Nàng kém ta mười sáu tuổi,

Thương yêu nàng, ta lo chết trước nàng) IV- “Phú quý quân thành vô sở tiễn,

Tri quân hoan duyệt vị quần nhi”

(Giàu sang nàng quả thực không ham, Biết nàng chỉ vui vì các con)

(Kinh ngụ cảm hoài) Có thể đi sâu vào một sáng tác của Phạm Nguyễn Du - Vãn thi tam tuyệt (Ba bài tứ tuyệt làm thơ viếng) - để thấy rõ hơn những nét đặc sắc khi sử dụng hình thức xâu chuỗi độc đáo này:

I - “Nương tử bình sinh quả ngôn tiếu Ngôn tiếu tằng năng giải ngã phiền Nhất biệt mang mang hà xứ thị Như kim bất tiếu diệc vô ngôn”

(Bình sinh nàng ít nói cười, Hễ nói cười là làm ta vui

Nay cách biệt nhau, (trời đất) mênh mang, biết tìm nàng ở đâu? Chẳng còn thấy tiếng cười cùng tiếng nói)

II - “Nương tử bình sinh xảo châm tuyến, Châm tuyến tằng năng xứng ngã tâm Nhất biệt mang mang hà xứ thị Như kim bất tuyến diệc vô châm”

(Bình sinh nàng giỏi nghề kim chỉ, Tài may vá từng làm ta đẹp lòng

Nay cách biệt nhau, (trời đất) mênh mang, biết tìm nàng ở đâu? Thế là chỉ cũng không mà kim cũng không)

III - “Nương tử bình sinh thiện cam chỉ, Cam chỉ tằng năng sử ngã hàm Nhất biệt mang mang hà xứ thị Như kim bất chỉ diệc vô cam”

(Ngày thường nàng khéo làm những món ngọt bùi, Ngọt bùi từng khiến ta say sưa

Lần này cách biệt nhau, (trời đất) mênh mang, biết tìm nàng ở đâu? Ngọt bùi nay cũng chẳng còn)

Ấn tượng mà chùm thơ ba bài tứ tuyệt này mang đến trước hết là nỗi buồn, nỗi cô đơn khó nguôi ngoai. Không xuất hiện một giọt nước mắt nào nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nỗi đau mất mát mà tác giả đã trải qua. Ba bài thơ có cùng chủ đề, cùng chung mạch cảm xúc và cùng hoàn chỉnh về hình thức. Những yếu tố ấy cho phép mỗi bài có thể trở thành một chỉnh thể độc lập, không lệ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, sắc thái thẩm mỹ do một bài riêng lẻ đem đến chắc chắn không cao (so với cả chùm thơ ba bài). Không thể phủ nhận việc bài thơ sau lặp lại một câu (hoặc nhiều hơn một câu) của bài thơ trước tạo ra tác dụng nhấn mạnh và xoáy sâu vào vấn đề được nhắc đến (ở đây là nỗi đau của tác giả trước cái chết của vợ). Hình thức lặp lại này có thể xem như một đặc điểm nổi bật của chùm thơ tứ tuyệt.

Chùm thơ tứ tuyệt có ưu thế lớn trong việc cực tả một trạng thái cảm xúc. Chùm thơ có thể gồm hàng chục bài nối với nhau bằng dòng cảm xúc liền mạch, mỗi bài đều cung cấp thêm những thông tin mới mẻ nhưng không tách rời khỏi chủ đề chung. Mỗi hình thức thơ có những ưu thế nhất định, ưu thế ấy ảnh hưởng không nhỏ đến khuynh hướng lựa chọn thể thơ (để phù hợp với tiêu chí thể hiện) của các tác giả.

Ngoài ra, Mộng đắc thái liên (I - V của Nguyễn Du), Tống nội tử Ngô Vũ Khanh nam qui I, II (Nguyễn Thông), Hữu sở cảm Hoài cổ (Phạm Đình Hổ),

Trấn doanh kỳ vũ (Lê Quý Đôn), Trung thu vũ dạ (Cao Huy Diệu)… cũng được làm theo hình thức xâu chuỗi này. Có một số bài không đánh số thứ tự nhưng chúng tôi vẫn xếp vào thể thơ này do nội dung tương đối độc lập của mỗi khổ thơ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Những bài tứ tuyệt đánh số thứ tự hoàn toàn có khả năng tách ra và trở thành những bài thơ riêng lẻ mà không đánh mất giá trị biểu cảm, giá trị nội dung vốn có do tính chỉnh thể của một bài thơ hoàn chỉnh. Việc xâu chuỗi những bài tứ tuyệt cũng chung chủ đề khá mới mẻ và đặc sắc, tạo nên điểm nhấn khác lạ thú vị cho thể thơ tứ tuyệt vốn đã rất quen thuộc này.

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 102 - 109)