Sự phong phú về tác giả và tác phẩm

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 43 - 45)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.1. Sự phong phú về tác giả và tác phẩm

Thế kỷ XVIII - XIX xuất hiện hàng loạt tác giả viết nhiều và viết rất hay về người phụ nữ ở nhiều thể loại. Ngoài thơ trữ tình, thành tựu mà các thể loại khác viết về người phụ nữ cũng hết sức đặc sắc, điển hình là hai tác phẩm lớn thuộc hai thể loại khác nhau: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (khúc ngâm thể song thất lục bát), Truyện Kiềucủa Nguyễn Du (truyện thơ thể lục bát) cùng với rất nhiều văn tế thể hiện tình cảm với người phụ nữ (Văn tế Trương Quỳnh Như - Phạm Thái, Khóc chị - Nguyễn Hữu Chỉnh, Văn tế con gái, Văn tế vợ - Bùi Hữu Nghĩa,

Văn tế sống vợ - Trần Tế Xương…). Với dung lượng dài (ở một số thể loại), tác phẩm có khả năng đào sâu vào thế giới tâm tưởng của nhân vật, khai thác đời sống nội tâm nhân vật trong những hoàn cảnh sống khác nhau, từ đó có một tiếng nói khách quan về số phận của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Mỗi thể loại khác nhau sẽ có những ưu điểm khác nhau, thơ trữ tình tuy không thể tạo nên nhân vật với một hình hài chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có khả năng đặc tả một khía cạnh, một

trạng thái tình cảm nào đó, một suy nghĩ và thái độ nào đó của người viết. Nếu chỉ với một hoặc một vài tác phẩm ngắn riêng lẻ thì sẽ không tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ cao, hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình được tạo dựng là cả một quá trình hun đúc, góp nhặt của các tác giả bằng một số lượng tác phẩm lớn dần lên theo thời gian, phong phú về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật.

Các tác giả của văn học Việt Nam trung đại hầu hết đều là nam giới, bởi thế, ở thể loại thơ trữ tình cũng là nơi để các tác giả (là nam giới) bày tỏ tình cảm, cảm nhận với những người phụ nữ để lại ấn tượng đối với họ trong những thời điểm nhất định. Các tác giả nữ chiếm một số lượng rất nhỏ trong lực lượng sáng tác thời trung đại, thơ về hình tượng phụ nữ của họ do vậy cũng không nhiều và hầu hết là thơ tự bộc lộ tình cảm đối với thân phận phụ nữ - thơ mang tính chất tự bộc lộ cái tôi cá nhân ở một phạm vi nào đó. Những cây bút có nhiều tác phẩm viết về những người phụ nữ ở hai thế kỷ XVIII - XIX có thể kể đến: Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, Bùi Dương Lịch, Phạm Đình Hổ, Phạm Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Ức, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…

Cùng với lực lượng sáng tác đông đảo, giàu kinh nghiệm cầm bút là sự ra đời của các tác phẩm đặc sắc viết về nhân vật phụ nữ. Số lượng và chất lượng tác phẩm trong thời gian này hết sức phong phú, đa dạng. Đầu thế kỷ XVIII thơ chữ Hán vẫn còn khá phổ biến và chiếm tỉ lệ lớn hơn so với thơ chữ Nôm viết về người phụ nữ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, thơ Nôm mới thực sự phát huy thế mạnh ở nhiều phương diện, điều này đã góp phần không nhỏ mở rộng phạm vi đề tài, chủ đề của tác phẩm và làm thay đổi quan niệm sáng tác ăn sâu bén rễ từ nhiều thế kỷ trước trong giới trí thức Nho học. Hồ Xuân Hương là người mở đầu cho bước phát triển rực rỡ của bộ phận văn học chữ Nôm, là tác giả điển hình với những sáng tác hoàn toàn bằng chữ Nôm nổi bật ở thế kỷ XVIII. Một vài sáng tác tiêu biểu đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến thế kỷ XVIII - XIX như: Long thành cầm giả ca, Điếu La thành ca giả, Ngộ gia đệ cựu ca cơ của Nguyễn Du, Tự tình, Hoài nội, Tư thân thuật hoài của Lê Anh Tuấn, Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du,

Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ, Tư gia của Bùi Dương Lịch, Hoài cổ, Hữu sở cảm của Phạm Đình Hổ, thơ Nôm Tuổi tác của Nguyễn Thiếp, Thương vợ của Trần Tế Xương, Không chồng mà chửa, Lấy chồng chungcủa Hồ Xuân Hương…

Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm được các tác giả viết với tinh thần yêu quý, trân trọng người phụ nữ mà chúng tôi không thể liệt kê cụ thể do số lượng tác phẩm quá lớn. Các tác phẩm phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức thể hiện đã chung tay xây dựng nên hình tượng người phụ nữ với vẻ đẹp ngoại hình đặc sắc, các nét tính cách tiêu biểu cho những giá trị đạo đức tốt đẹp và nhiều mặt cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa…

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)