6. Kết cấu của luận văn
3.2.1. Các hình ảnh tượng trưng, công thức
Dễ nhận thấy một sự khác biệt lớn trong cách sử dụng hình ảnh của bộ phận thơ chữ Hán và chữ Nôm. Văn chương Hán học mang tính chất bác học, uyên thâm, thường được sử dụng cho những mục đích sáng tác nghiêm túc nên thường thấy đặc trưng sử dụng hình ảnh tượng trưng, công thức. Có nghĩa là, những hình ảnh được sử dụng trong thơ chữ Hán thường tuân theo những lối mòn sẵn có, ít có đột phá do tính quy phạm chặt chẽ ràng buộc.
Nói như thế không có nghĩa là thơ chữ Hán không hay, không mới hoặc nhàm chán. Mỗi bộ phận đều có những đặc trưng riêng tạo nên những nét thú vị riêng. Thơ chữ Hán đặc trưng bởi việc sử dụng ngôn ngữ cực kỳ trau chuốt, nhiều điển cố (dù đến khoảng thế kỷ XVIII - XIX việc sử dụng điển cố đã ít hơn hẳn những giai đoạn trước) và thường gắn với những hình ảnh mang tính cương thường, đạo lý Nho gia như “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, hay “quân, thần, phụ, tử”, không phải thiên nhiên cao rộng thì cũng là trách nhiệm làm trai. Điều này một phần là do mục đích “tải đạo”, “ngôn chí” chi phối; phần khác là do cách sáng tác thơ thời trung đại thể hiện tri thức uyên bác của tác giả, thơ càng nhiều điển cố và hình ảnh biểu trưng thì càng được đánh giá cao. Theo kết quả tổng hợp của chúng tôi, thơ chữ Hán trực tiếp viết về người phụ nữ không nhiều, ít hơn hẳn so với bộ phận thơ Nôm nhưng thơ viết về những đề tài khác có gián tiếp nhắc đến người phụ nữ lại rất nhiều, rất đặc sắc (đa số là thơ ngôn chí, thơ vịnh cảnh).
Dễ hình dung đến những hạn chế do tính quy phạm mang lại. Các tác giả có khuynh hướng lựa chọn thơ chữ Hán cho những vấn đề mang tính chất trọng đại, ít khi sử dụng đến thơ Nôm. Thế nên, hình ảnh thơ của bộ phận thơ chữ Hán ít có sự bứt phá, hầu hết vẫn nằm trong khuôn khổ, mang nặng tính tượng trưng, công thức. Ảnh hưởng từ văn chương Trung Hoa thể hiện rõ nét với những nhân vật lịch sử hoặc nhân vật của văn học dân gian, với sự tương quan giữa con người và vũ trụ trong một bộ phận tác giả tác phẩm không nhỏ (Nguyễn Du, Cao Huy Diệu, Cao Bá Quát, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Ích, Ninh Tốn…). Hình ảnh thơ phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của các tác giả trung đại. Nhìn chung, các tác phẩm vẫn bám
sát cuộc sống và thể hiện cuộc sống mà tác giả đang sống, đang cảm nhận“sau khi chứng kiến, quan sát cuộc sống xã hội hay đời sống nhân dân, bao giờ nhà nho cũng tách ra khỏi cuộc sống nhân dân mà cô đơn, trầm tư mặc tưởng, nhiều khi hướng về thiên nhiên, về vũ trụ mà suy tư về đời, về con người, về bản thân, về nhiều chuyện khác” [36, tr.88]. Qua cách sử dụng hình ảnh thơ của các tác giả, người đọc như có thể nhìn thấy một phần quan điểm và thế giới mà tác giả đang cảm nhận:
- “Thiên tôn tán cẩm trường công chức, Đế nữ linh ti nộn thảo thùy”
(Cháu nội của trời dệt gấm tãi trên tầng không bát ngát, Con gái của thượng đế rủ tơ trời trên ngọn cỏ còn non)
(Đồ gian xuân vũ, kỳ nhất - Cao Huy Diệu) - “Thiên nữ quan đăng trâm ngọc mấn,
Chinh nhân ỷ kỷ dục băng hồ”
(Con gái trời xem đèn, mái tóc cái trâm ngọc, Khách lữ hành tựa ghế, tắm mình trong bầu băng)
(Sơn lộ trung thu - Đoàn Nguyễn Tuấn) - “Phồn hoa nhân vật loạn lai phi,
Huyền hạc quy lai kỷ cá tri”
(Sau buổi loạn lạc, nhân vật nơi phồn hoa nay đã khác trước nhiều, Con chim hạc đen bay trở lại, nào mấy ai biết?)
(Ngô gia đệ cựu ca cơ - Nguyễn Du)
- “Hoàng tuyền bất tẩy đan thanh hận, Lục thảo không lưu thế lệ ngân”
(Suối vàng chẳng rửa được mối hận đan thanh, Cỏ xanh luống để lại ngấn nước mắt)
Hình ảnh chinh phu và những người khuê phụ luôn có được một chỗ trong các vấn đề mà các tác giả quan tâm, khai thác. Thông thường, đó là hình ảnh của những con người đang chịu chia cắt bởi hoàn cảnh, gợi nên nỗi thương cảm của người đọc:
- “Kinh hồi thú phụ Tương Thành mộng, Hoán khởi chinh phu Ngụy Khuyết tình”
(Khua tỉnh giấc mộng Tương Thành của người thú phụ, Gợi dậy mối tình Ngụy Khuyết của kẻ chinh phu)
(Thu dạ châm thanh - Nguyễn Khuyến)
- “Thiên biên chinh khách khuê trung phụ, Hà xứ tương tư bất đoạn hồn!”
(Người viễn tái, kẻ cô phòng,
Tương tư ai chẳng não lòng như ai)
(Trệ vũ trung dạ cảm tác - Cao Bá Quát)
- “Tự quân chi xuất hỹ, Dạ dạ thủ không sàng”
(Từ ngày anh ra đi,
Đêm đêm em giữ chiếc giường không)
(Tự quân chi xuất hỹ - Cao Bá Quát) Các tác giả phần lớn sử dụng những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng để miêu tả người phụ nữ. Đôi khi không hề xuất hiện một danh xưng cụ thể, một con người cụ thể trong tác phẩm nhưng dáng dấp của người phụ nữ vẫn rất rõ nét, điều này là do tác giả đã khéo léo đưa những hình ảnh gắn liền với người phụ nữ vào đóng vai trò thay thế hoặc sử dụng những từ ngữ mang tính chất gợi tả. Người phụ nữ ở các tác phẩm này có thể chỉ hiện lên trong trí nhớ, trong tưởng tượng của các tác giả. Dù xuất hiện ở trạng thái nào, những hình ảnh gắn với những nhân vật nữ vẫn hoa mỹ:
- “Chinh trang trịnh trọng tiền lâm biệt, Tích ngọc liên hương khuê tứ thiết”
(Áo mũ lên đường, trịnh trọng trước giờ tiễn biệt, Tiếc ngọc thương hương, buồn chia ly da diết)
(Hạ trung tiếp đáo khuê vi hung tấn ai cảm kỷ thực - Phan Huy Ích) - “Độc lập sơn đầu đệ nhất phong,
Chu điêu phấn tạ vị thùy dung?”
(Một mình đứng trên đỉnh núi cao nhất,
Son phai, phấn nhạt, chẳng còn làm dáng với ai?)
(Vọng phu thạch - Cao Bá Quát) - “Phạ kiến đào hoa xuân lãng khoát,
Nhị thiên minh nguyệt nhất chu hoàn”
(Ngại ngùng cho cánh hoa đào trên sóng xuân lai láng!
Mảnh trăng sáng chia đôi, một chiếc thuyền lênh đênh trở về) (Tống nội tử Ngô Vũ Khanh nam quy - Nguyễn Thông) - “Băng tác cơ phu, nguyệt tác thần,
Nhất ban kiều diệm huyễn nhiên chân”
(Da như băng tuyết, tinh thần như trăng sáng, Riêng một vẻ yêu kiều, huyền ảo mà chân thực)
(Kính trung mỹ nhân - Nguyễn Hành) - “Táng ngọc mai hương thiên cổ hận,,
Phiêu bồng đoạn ngạnh nhất sinh bần”
(Chôn ngọc vùi hương là mối hận thiên cổ, Cỏ trời bèo dạt suối một đời nghèo nàn)
(Lữ quán mộng tiên thất - Ngô Thì Hoàng) Phép so sánh ví von là một thủ pháp được dùng thường xuyên nhất để lột tả ngoại hình và nội tâm người phụ nữ ở cả thơ chữ Hán và chữ Nôm. Cách biểu hiện của hai bộ phận thơ này có những sự khác biệt nhất định. Trong thơ chữ Hán, ngoại hình của người phụ nữ luôn được gắn với nguyệt, liễu, hoa… Dung mạo, dáng vẻ, cử chỉ thanh thoát, thường được lột tả bằng những hình ảnh mang nặng khuôn phép cổ xưa, gắn liền với các điển tích “trầm ngư lạc nhạn”, “tu hoa bế nguyệt”,
“nghiêng nước nghiêng thành”… phong vị thơ Đường luật Trung Hoa vẫn còn phảng phất, chi phối ở nhiều mức độ:
- “Nhất chi nùng diễm há bồng doanh, Xuân sắc yên nhiên động lục thành”
(Như cánh hoa thắm từ cõi tiên xuống,
Sắc đẹp uyển chuyển làm rung động cả sáu thành)
(Điếu La thành ca giả - Nguyễn Du)
- “Hồng trang yểm ái đào hoa diện”
(Áo hồng ánh lên mặt hoa đào)
(Long thành cầm giả ca - Nguyễn Du) - “Thiếp niên nhị bát thời,
Doanh doanh chính tương ti (tự)”
([Nghĩ lại] khi thiếp tuổi đôi tám, Cũng đầy đặn như trăng)
(Thập thất dạ thừa nguyệt, tẩu bút ký hữu nhân - Cao Bá Quát)
- “Nghi thị thiên tiên trích hạ trần, Nữ công phụ tắc độc siêu quần”
(Ngờ là thiên tiên giáng phàm trần,
Tài nữ công, đạo làm vợ, riêng mình hơn hẳn mọi người) (Vãn thi - Phạm Nguyễn Du) Phẩm chất của nhân vật trong thơ chữ Hán thường gắn liền với các điển cố Trung Hoa, được các tác giả so sánh với các nhân vật có thật được người đời ca tụng. Với cách so sánh như thế, những nhân vật nữ vừa được khẳng định qua cái nhìn chủ quan của tác giả, lại được nâng tầm lên ngang hàng với những con người, với những giá trị tốt đẹp đã được thời gian - như một yếu tố khách quan - thừa nhận:
- “Đãn học yêu kiều hý phượng lân, Miễn giai lão ổn sinh đồn khuyển”
(Mẹ ta chỉ học người đàn bà yêu kiều vui đùa phượng lân, Chẳng học bà già đẻ loài chó lợn)
(Tư thân thuật hoài - Lê Anh Tuấn)
- “Nam bang khởi thiếu Lan hòa Ngọc, Thiếu phó phu nhân thùy cảm đương?”
(Nước Nam há thiếu Hoa Mộc Lan, Lương Hồng Ngọc, Phu nhân quan Thiếu phó, ai dám sánh?)
(Soạn thành “Trường giang chiến cổ diễn truyện” tặng Bùi phu nhân - Đào Tấn) - “Tích nhật Tào Nga, kim nhật nương”
(Ngày xưa có Tào Nga, ngày nay là nàng)
(Đề Vũ nương miếu - Ngô Thì Ức) Thơ Nôm chỉ thực sự nở rộ trong văn học từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi, thế nên, những hình ảnh tượng trưng, công thức vẫn xuất hiện trong thơ Nôm thế kỷ XVIII - XIX và tạo nên những dấu ấn nhất định. Tuy nhiên, càng về sau, hình ảnh tượng trưng, công thức trong thơ trữ tình chữ Nôm càng giảm dần. Từ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đến thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương là cả một chặng đường dài với những thay đổi rõ nét về nhiều mặt trong đó nổi bật nhất là ở bình diện ngôn từ và hình ảnh thơ.
Hình ảnh tượng trưng trong thơ Nôm thế kỷ XVIII - XIX vẫn mang phong cách quý phái, sang trọng, ước lệ gợi liên tưởng đẹp về người phụ nữ, sử dụng ngữ liệu của thơ chữ Hán nhưng dễ hiểu hơn và gần gũi với cuộc sống hơn:
- “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông”
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương)
- “Những là rầu rĩ là buồn bực,
Trăm vẻ đào hồng cũng dửng dưng”
(Giờ mùi - Trương Quỳnh Như) Hình ảnh ước lệ ở bộ phận thơ Nôm không nhiều, các tác giả sáng tác thơ Nôm do ý thức vận dụng ngôn ngữ dân tộc nên rất chừng mực trong việc lựa chọn hình ảnh tượng trưng, công thức. Ở đây, các tác giả sử dụng những từ ngữ ước lệ
mang tính ẩn dụ (hoặc so sánh trực tiếp) tạo nên những sắc thái thẩm mỹ mới lạ nhưng không quá xa rời cuộc sống, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
Nhân vật nữ trong thơ trữ tình thế kỷ XVIII - XIX nói chung, bộ phận thơ chữ Hán nói riêng được lột tả qua cả ngoại hình và nội tâm bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Hình ảnh thơ trong các tác phẩm chữ Hán nhìn chung là các hình ảnh mang tính tượng trưng, công thức theo quy chuẩn văn chương truyền thống. Tuy chưa tạo được sự bứt phá, chưa thoát khỏi lối mòn được tạo lập từ nhiều thế kỷ trước nhưng hình ảnh tượng trưng trong thơ trữ tình chữ Hán thời gian này đáng được ghi nhận với việc tạo dựng được những hình ảnh thơ gắn liền với người phụ nữ, góp phần xây dựng hình tượng người phụ nữ trong văn học.