6. Kết cấu của luận văn
3.2.2. Các hình ảnh đời thường gần gũi, dung dị
Theo quy chuẩn của Nho giáo, những vấn đề nghiêm túc, trọng đại đều được viết bằng chữ Hán. Cụ thể là trong những thế kỷ trước (X - XVII), do những vấn đề được đề cập trong thơ trữ tình đều có màu sắc của chính trị, của đạo đức, của tư tưởng Nho gia nên hầu hết các tác giả đều sáng tác bằng thơ chữ Hán. Vẫn có những sáng tác bằng chữ Nôm (Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm…) nhưng những tác phẩm chữ Nôm thời gian ấy thường mang tính chất giải trí, được dùng để đề cập đến những vấn đề đời thường, những sự kiện thường nhật trong phạm vi cá nhân và không được đánh giá cao (không được xem như văn chương quy phạm chính thống).
Bộ phận thơ chữ Nôm ra đời do yêu cầu của thời đại, đặc biệt bùng nổ vào nửa sau thế kỷ XVIII với phát súng khơi mào của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Các nhà trí thức trung đại quan niệm “Văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” và thường sử dụng thơ chữ Hán để đề cao những vấn đề mang tính nghiêm túc ấy. Thơ chữ Nôm bắt đầu từ Nguyễn Trãi vốn được mặc định để khai thác những vấn đề trong phạm vi cá nhân, đời sống thông thường. “Đề tài của văn học chữ Nôm cũng rộng như văn học chữ Hán nhưng tính chất phản ánh và sự miêu tả hiện thực của văn học chữ Nôm thì bình dị, mộc mạc, chân chất, gần đời sống bình thường hơn. Phần có giá trị cao của văn học chữ Nôm là tinh thần nhân đạo chủ nghĩa” [33, tr.27]. Chính do những
mục đích sử dụng khác nhau nên bộ phận thơ chữ Nôm đặc biệt có ưu thế trong việc xây dựng nên những hình ảnh mới lạ chưa từng thấy trong lịch sử văn chương trước đó. Những hình ảnh gần gũi, đời thường, thậm chí tục tĩu được cho là không có chất thơ, không phù hợp với thơ đã được các nhà thơ sử dụng tài tình để tạo nên dấu ấn cá nhân cho riêng mình.
Vào thế kỷ XVIII, thơ Nôm ví như mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá, chưa được các tác giả chú ý đào xới. Thơ Nôm trữ tình từ nửa đầu thế kỷ XVIII trở về trước còn mang nhiều nét tương đồng trong cách sử dụng hình ảnh của thơ chữ Hán, bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVIII đã thực sự tạo được một bước đột phá, một bước đi dài so với cả tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Nhắc đến thơ Nôm, không thể không kể đến “Bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương với những đóng góp không nhỏ làm phong phú vốn từ ngữ, hình ảnh thơ theo hướng mở rộng phạm vi gần gũi với cuộc sống thực. Thơ bà sử dụng toàn những hình ảnh bình dị, bé nhỏ, mộc mạc nhất gắn với không khí làng quê Việt Nam để thể hiện nhiều vấn đề cũng mới lạ chưa từng thấy trong văn học:
- “Thân em như quả mít trên cây,
Da nó sần sùi múi nó dầy”
(Quả mít) - “Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”
(Ốc nhồi) - “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi”
(Mời trầu) - “Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non”
(Bánh trôi) Những hình ảnh ấy tuy đều mang tính biểu trưng hai mặt, được nhà thơ sử dụng để nêu lên thân phận phụ nữ nhưng tính mới mẻ của chúng thì rõ ràng không
thể phủ nhận. Thơ Nôm thế kỷ XV của Nguyễn Trãi chỉ đề cập đến “rau muống”,
“con trâu”,“con lợn”... đến Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy đã có sự xuất hiện của người phụ nữ nhiều hơn nhưng hình ảnh chưa thật sự có tính đột phá. Hồ Xuân Hương đã trở thành người đi tiên phong trong việc sử dụng hình ảnh vừa gần gũi thân thuộc với cuộc sống nhưng lại chưa từng xuất hiện trong văn chương. Những hình ảnh được sử dụng vừa có nghĩa đen đúng như văn bản, vừa mang nghĩa hàm ẩn, khơi gợi nhiều vấn đề về số phận, thân phận người phụ nữ vốn rất nhức nhối, ám ảnh trong thơ nữ sĩ. Sau bước đi tiên phong thể nghiệm của Hồ Xuân Hương, thế kỷ XIX thực sự đánh dấu sự bùng nổ với một số lượng thơ Nôm lớn nhất trong suốt một chặng đường văn học nước nhà (thế kỷ X - XIX), Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương là những gương mặt tiêu biểu tiếp nối việc đưa hình ảnh thật, gần gũi với cuộc sống vào thơ, phong cách sáng tác của họ nhờ vậy mà trở nên khác biệt và nổi bật hơn hẳn những tác giả cùng thời.
Nhiều hình ảnh thể hiện bức tranh sinh hoạt đời thường cũng được các tác giả lưu ý, chung tay khắc họa khung cảnh ấy thêm đầy đủ, sinh động. Đôi khi, các tác giả đưa cả cái nhìn cá nhân trước thời đại vào những hình ảnh ẩn dụ đầy ngụ ý, tạo ra những câu thơ nhiều tầng nghĩa:
- “Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
(Thương vợ - Trần Tế Xương)
- “Chị em cùng sắm sửa lo toan, Muốn mua chịu, sợ nhà hàng lại lạ”
(Tết cô đầu - Trần Tế Xương)
- “Vả chàng vẫn lăng nhăng túng kiết, Cuộc sinh nhai chèo hát qua ngày”
(Lời vợ anh phường chèo - Nguyễn Khuyến) - “Bực gì bực bằng gái phòng không?
Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng”
Không chỉ sử dụng những hình ảnh thân thuộc gần gũi, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương còn độc đáo với cách sử dụng từ ngữ, những hình ảnh mang yếu tố tục hoặc những tiếng chửi không e dè đi kèm với bút pháp hết sức độc đáo. Những hình ảnh mang tính gợi liên tưởng đến cuộc sống dân dã, đến những sự kiện thường nhật, đến cuộc sống thực và cách cảm của chính các tác giả:
- “Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó,
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh!”
(Tự cười mình - Trần Tế Xương) - “Ở góa thế gian nào mấy mụ?,
Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy?”
(Thầy đồ ve gái góa - Nguyễn Khuyến) - “Mới ngày nào chị mua muối cùng tôi,
Ngoảnh mặt lại hàng vôi nay đã bán”
(Tết cô đầu - Trần Tế Xương) Một nội dung ít thấy trong các tác phẩm thơ chữ Hán là vấn đề tha hóa đạo đức của một bộ phận phụ nữ được các tác giả lưu ý, phản ánh trần trụi. Chúng tôi chỉ xét các tác phẩm này ở bình diện nghệ thuật bởi đây chỉ là thái độ của các tác giả về một vài trường hợp bị cả xã hội thời ấy coi thường, một số trường hợp suy thoái, xuống cấp trầm trọng về tư tưởng, phẩm cách. Tuyệt đối không thể gộp chung nhóm đối tượng này với những mảnh ghép làm nên hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam trung đại nói chung. Vấn đề này phải xét trong cả mối tương quan thời đại, cả tính khách quan và chủ quan mới có thể lý giải một cách rõ ràng. Có thể thấy, các tác giả rất tôn trọng những người phụ nữ với phẩm chất cao quý tốt đẹp, nhưng cũng rất thẳng thắn, gay gắt vạch tên chỉ tội những người làm ảnh hưởng xấu đến cách nhìn của cả thời đại về người phụ nữ:
- “Nếu những như ai thì đĩ mốc,
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc, Khá khen thay làm đĩ có tông!”
- “Ba vuông phất phới cờ bay dọc, Một bức tung hoành váy xắn ngang”
(Lấy tây - Nguyễn Khuyến)
- “Em giận thân em chửa có chồng, Ngày năm bảy mối, tối nằm không”
(Phòng không - Trần Tế Xương)
- “Mình tựa vào cây, cây chó ỉa, Chân thò xuống giếng, giếng ai ăn”
(Gái góa nhà giàu - Trần Tế Xương)
- “Chép miệng bà nuôi to cái dại, Phờ râu ông rể ẵm con so!”
(Mẹ vợ với chàng rể - Trần Tế Xương) Thái độ của các tác giả đã thể hiện rất rõ ràng qua những câu thơ sâu cay mang tính chất giễu cợt, nhạo báng. Nhưng nếu bỏ qua nội dung ấy, những hình ảnh thơ được nhắc đến ở đây đều rất chân thực, rất độc đáo và lạ lẫm (thể hiện một đề tài tương đối khác). Nhiều câu thơ khiến người đọc phải giật mình bởi thái độ thẳng tuột mà các tác giả thể hiện, hình ảnh được đặt vào đúng chỗ đã góp phần nhấn mạnh nội dung tư tưởng thơ, nâng cao giá trị hiện thực cho tác phẩm.
Đây đều là những hình ảnh rất mới, rất sinh động trong thơ trung đại, việc đưa những hình ảnh dung dị (đôi khi trần trụi) của các tác giả này đã góp phần làm phong phú nội dung thơ trữ tình, đồng thời tạo nên điểm nhấn đặc sắc về nghệ thuật. Chính những hình ảnh đời thường kết hợp với lối gieo vần lạ, mang màu sắc của văn học dân gian này đã gián tiếp cổ vũ cho phong trào thơ mới phát triển trong văn học hiện đại và khẳng định được cái riêng của văn học Việt Nam. Đến đây, văn học Việt Nam trung đại đã gần như thoát được ảnh hưởng cái bóng to lớn của văn học Trung Hoa.