Thể trường thiên

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 114 - 117)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.3.Thể trường thiên

Thể trường thiên là “thể thơ từ mười câu trở lên cho đến hàng trăm câu. Trên thực tế thì chỉ những bài từ 12, 14, 16, 20 câu là cùng, là làm theo luật thơ Đường còn thì đều làm theo thể thơ cổ phong (thơ tự do, không theo niêm luật)”

[22, tr.108]. Thể trường thiên với số lượng câu chữ tương đối tự do, là mảnh đất màu mỡ để các tác gia - tác giả đi sâu khảo sát để có cái nhìn toàn diện về người phụ nữ trong xã hội cũ.

Số lượng thơ trường thiên trong cả tiến trình văn học trung đại Việt Nam nhìn chung không nhiều (chỉ đặc biệt nở rộ vào thế kỷ XIX), thể trường thiên khắc họa hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình cũng rất hạn chế (khoảng 9.1%). Đa số, các sáng tác ấy chỉ nằm trong khoảng 12 đến 38 câu, cá biệt có một vài bài vượt quá số lượng ấy (Tư thân thuật hoài - Lê Anh Tuấn), bài dài nhất lên đến 96 câu (Trung thu vũ dạ - Cao Huy Diệu).

Số lượng ít nhưng hầu hết các tác phẩm đều rất đặc sắc, đáp ứng nhu cầu miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ và toàn diện vẻ đẹp và cả số phận bất hạnh của người phụ nữ. Đáng chú ý có các tác phẩm viết về số phận người phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: Hạ trung tiếp đáo khuê vi hung tấn ai cảm kỷ thực

(Phan Huy Ích), Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du), Tiên khảo húy nhật cảm tác

(Đoàn Nguyễn Tuấn), Văn nhân khốc (Ngô Thì Hoàng), Tàm phụ từ (Miên Trinh),

Mại chỉ y (Miên Thẩm), Thập thất dạ thừa nguyệt, tẩu bút ký hữu nhân (Cao Bá Quát)… Phần lớn các tác giả cố gắng đào sâu vào thế giới mà người phụ nữ đang sống, cố gắng phơi bày những mảng tối trong cuộc sống thực của người phụ nữ. Ở một chủ đề hẹp, các tác giả trung đại tái tạo những vấn đề cá nhân mang tính thời đại, lý giải những vấn đề ấy theo quan điểm riêng.

Đi sâu vào những sáng tác này, có thể thấy nội dung thường hàm chứa nhiều vấn đề trong gắn bó mật thiết với nhau, tạo nên cái nhìn bao quát cả một quá trình (có thể theo trật tự tuyến tính hoặc theo chuyển biến cảm xúc), qua đó, tâm trạng, tình cảm của tác giả được nhấn mạnh, được làm nổi bật lên (điều này thường rõ ràng hơn trong những bài có độ dài trên 20 câu):

- “Cự ý phân huề tuần nhật gian,

Khiển quyển ly tôn thành vĩnh quyết”

(Có ngờ đâu chia tay mới chỉ mươi ngày,

Dùng dằng chén rượu tiễn đưa, lại thành ra vĩnh biệt)

((Hạ trung tiếp đáo khuê vi hung tấn ai cảm kỷ thực - Phan Huy Ích)

- “Ngã ức tự ngã vi nhi thì, Từ thân đạo thị trung thu kỳ”

(Ta nhớ lại thuở ta còn là một đứa trẻ thơ, Mẹ hiền bảo đó là tết Trung Thu)

(Trung Thu vũ dạ - Cao Huy Diệu) - “Trung thần phương thị hiếu thân nhi

Toàn lại thần du trượng quốc uy”

(Có là tôi trung thì mới là con hiếu, Đều nhờ vào mưu vua và oai nước)

(Tư thân thuật hoài - Lê Anh Tuấn) Phạm vi đề tài của thể trường thiên cũng rất rộng, bao trùm nhiều mảng đời sống vật chất và tinh thần của con người. Ở đây, thường thấy các vấn đề trung quân ái quốc, sự dằn vặt khi trung - hiếu không thể vẹn tròn, sinh hoạt thường nhật, cách nhìn cách cảm của tác giả về một đối tượng nào đó. Ưu thế của thơ trường thiên là có khả năng miêu tả khá chi tiết về cảnh ngộ, cuộc sống, số phận bất hạnh của người phụ nữ. Có thể lấy Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du (hiện đã được dựng thành phim) làm một ví dụ tiêu biểu. Với độ dài 50 câu, tác phẩm tái hiện cuộc đời của nàng Cầm ở hai mốc thời gian cách nhau hai mươi năm:

“Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến, Giám Hồ hổ biên dạ khai yến.

Ký thời tam thất chính phương niên”

(Tôi nhớ lúc thiếu thời đã gặp một lần Bên bờ hồ Giám trong một cuộc dạ yến, Lúc đó nàng khoảng hai mươi mốt tuổi) ...

“Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu, Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa, Nhan sấu thần khô hình lược tiểu. Lang tạ tàn mi bất sức trang”

(Trong đám ca kĩ đều trẻ tuổi.

Mặt gầy thần khô hình bé nhỏ, Đôi mày phờ phạc không điểm tô)

Viết về một cá nhân (hoặc một phạm vi đời sống nhỏ hẹp) nhưng những tác phẩm sáng tác ở thể trường thiên đều đặt ra vấn đề mang một tầm bao quát nhất định. Hầu hết các tác phẩm ấy đều chứa đựng sự xót xa, tấm lòng yêu thương, tôn trọng của các tác giả dành cho nhân vật phụ nữ. Ở Long thành cầm giả ca, Nguyễn Du thể hiện một sự tiếc nuối chứa nhiều hàm ý:

“Thuần tức bách niên năng kỷ thì”

(Trăm năm thấm thoát trong một hơi thở một nháy mắt)

Có thể nói, thể trường thiên trong văn học thế kỷ XVIII - XIX đã gặt hái được những thành công rực rỡ với các tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả, thể hiện xuất sắc cuộc sống của người phụ nữ ở nhiều phương diện, góc cạnh. Ấn tượng sâu sắc mà thể trường thiên mang lại là một cái nhìn nhức nhối khi khắc họa cuộc sống nhọc nhằn của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Hầu hết những tác phẩm thuộc thể trường thiên đều viết về cuộc sống của người phụ nữ bình dân theo kiểu “ghi nhận điều trông thấy” (khuynh hướng này cũng làm nên nhiều sáng tác thuộc thể bát cú, tứ tuyệt), các tác giả thường không chọn một phạm vi chủ đề lớn mà cố gắng khai thác sâu một phạm vi chủ đề hẹp (một mặt đời sống của một cá nhân). Các tác phẩm như thế luôn mang cái nhìn toàn cảnh và nhân đạo sâu sắc. Không chịu nhiều ràng buộc như các thể thơ khác, thể trường thiên sử dụng những hình ảnh mộc mạc, bình dân để cuộc sống trở về đúng như cái bản chất tự thân mà nó vốn có.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình việt nam thế kỷ xviii xix (Trang 114 - 117)