I. NHÓM GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TỪ PHÍA CHÍNH PHỦ 1 Nguyên nhân cần sự tham gia của Chính phủ
2. Giải pháp hỗ trợ
2.5. Đổi mới hoạt động các hiệp hội bảo vệ quyền lợi cộng đồng
Thực trạng hiện nay tại Việt Nam là ý thức bảo vệ quyền lợi cộng đồng rất thấp. Có thể nói, đứng trước các doanh nghiệp (DN) lớn, người dân địa phương cảm thấy đơn lẻ, yếu thế, thiếu sự hỗ trợ của chính quyền. Cơ chế khiếu kiện dân sự ở nước ta hầu như rất ít được sử dụng. Điều này một phần là do Việt Nam hầu như không có các thiết chế đại diện, trung gian, đó là các tổ chức phi chính phủ (NGOs), hiệp hội, nhóm lợi ích; trong khi các tổ chức này đóng vai trò rất lớn ở các nước phát triển. Vai trò của các hiệp hội ở nước ta rất thấp. Hầu như không có sự hiện diện của hiệp hội người tiêu dùng trong các vụ việc ô nhiễm thực phẩm, môi trường vừa qua. Đã xảy ra những vụ việc xâm hại quyền lợi người tiêu dùng (NTD) rõ ràng như gian lận xăng dầu, sữa nghèo đạm… nhưng chưa có vụ kiện nào về vi phạm quyền của người tiêu dùng xảy ra; chưa DN gian dối nào bị cơ quan chức năng nêu tên và bị phạt. Phản ứng tức giận của người tiêu dùng Việt Nam chẳng cho kết quả, khi mà họ không được cơ quan chức năng và pháp luật hỗ trợ. Theo kết quả tổng điều tra ý kiến NTD trên phạm vi cả nước năm 2008 của Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ NTD Việt Nam, 41% NTD Việt Nam không biết mình có quyền lợi gì, số còn lại có biết nhưng không biết cách nào để bảo vệ quyền lợi đó. Hầu hết NTD Việt Nam không biết về 8 quyền cơ bản của họ là: Quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được bồi thường; quyền được giáo dục và quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững [32].. Đặc biệt, rất ít người biết cơ quan nhận khiếu nại tiêu dùng. Tại Việt Nam có Ban Bảo vệ NTD (thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD và Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ quyền lợi NTD là cơ quan đại diện tiếng nói NTD. Ngay các cơ quan này cũng phải thừa nhận rằng nhiệm vụ chủ yếu là hòa giải chứ không có quyền xử phạt các DN; và việc DN có bồi thường hay không phụ thuộc vào tính tự nguyện của DN chứ không hề có một sự cưỡng chế nào. Trong khi, ở nhiều nước trên thế giới, các vấn đề liên quan NTD không chỉ mang tính xã hội, tính nhân đạo, tính mục đích của sản xuất kinh doanh, mà còn mang màu sắc chính trị - khiến cho người dân chấp nhận hay không chấp nhận một hệ thống tư tưởng đạo đức. Ví dụ tại Pháp có Hiệp hội
Bảo vệ NTD với hơn 500.000 thành viên, có tờ báo riêng, có phòng thí nghiệm riêng. Và khi 1 DN bị phát hiện là gây tổn hại cho cộng đồng như ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện lao động tồi... thì chính hiệp hội này sẽ đứng ra kêu gọi các thành viên có phản ứng cụ thể. NTD ở Pháp có một quyền lực mạnh mẽ, đó là quyền tẩy chay, không mua sản phẩm khi nhà sản xuất vì lợi nhuận mà gây tổn hại cho xã hội. Họ cũng rất biết cách sử dụng quyền lực đó để buộc các DN phải sửa đổi chính sách, thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội của họ. Những ví dụ thực tế khác như tại Mỹ năm 1996 hãng Nike bị NTD tẩy chay sản phẩm sau khi phát hiện hãng này sử dụng lao động trẻ em. Tại Ấn Độ, từng diễn ra biểu tình phản đối tập đoàn nước ngọt toàn cầu Coca-Cola đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Tại Nhật Bản năm 1950, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra, nhằm phản đối Công ty công ty hóa chất lớn Chisso đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ không qua xử lý, từ đó gây nhiễm độc cho cá, súc vật và người. Cuộc biểu tình của NTD và sức ép của chính quyền đã buộc DN này phải bồi thường. Còn tại Việt Nam, chưa có một tiền lệ DN phải ra toà vì hành vi gian dối, hoặc gây hại cho NTD, các ban, hội bảo vệ NTD hầu như không có tiếng nói đáng kể.
Như vậy nước ta cần phải đổi mới cách thức hoạt động các hiệp hội tổ chức quyền lợi cho cộng đồng và NTD ở hai điểm:
Thứ nhất tăng cường thành lập các hiệp hội bảo vệ NTD ở cấp trung ương, địa phương, và ở từng
ngành. Đương nhiên, tạo ra nhiều cấu trúc trung gian sẽ mất chi phí đại diện, nhưng xét tổng thể, nó giúp giảm thiểu chi phí để những người dân, cộng đồng đơn lẻ đạt các mục đích xã hội của mình. Biện pháp này sẽ làm tăng tiếng nói cho các hiệp hội, và giúp đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng ngay tại mỗi địa phương trong trường hợp có sự kiện vi phạm của DN.
Thứ hai Chính phủ cần gia tăng quyền hạn cho các hiệp hội, cho phép các tổ chức này có quyền đòi
hỏi các DN phải giải trình và xử phạt các DN. Đây là giải pháp mang tính cưỡng chế, làm cho DN sợ khi thực hiện các hành vi phản cạnh tranh vì sẽ phải chịu chế tài trừng phạt vô cùng nặng nề.
Khi hoạt động của các hiệp hội này trở nên tích cực và được chủ động hơn, các DN sẽ tự động có ý thức không được thực hiện các hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, của xã hội.