II. THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HIỆN NAY
2. Thực trạng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam
2.1.4. Vấn đề sa thải nhân công
Các nguyên tắc đạo đức kinh doanh
Sa thải lao động là một vấn đề đạo đức kinh doanh mà doanh nghiệp cần phải chú ý, đặc biệt trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Nhiều doanh nghiệp hiện đang phải cắt giảm lao động và rõ ràng là điều này đang ảnh hưởng tới đời sống của nhiều lao động và sự tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, nền kinh tế đã chậm lại với mức tăng trưởng 6.23% trong năm 2008. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, mức tăng trưởng năm 2009 của Việt Nam có thể khoảng 5%. Theo Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ trong 2 tháng đầu năm 2009, đã có hơn 66.700 lao động mất việc làm. Dự kiến 6 tháng đầu năm có thể lên tới 300.000 người. Thực chất, sa thải lao động không hề có nghĩa là vi phạm đạo đức kinh doanh, mà ngược lại, doanh nghiệp vẫn thực hiện tốt đạo đức kinh doanh với người lao động nếu việc sa thải đó là hợp lý và tuân thủ đúng theo các quy định của công ty và pháp luật.
Những lúc khó khăn như khi xảy ra khủng hoảng kinh tế hoặc lạm phát, chủ doanh nghiệp có thể phải thu hẹp quy mô, sa thải người, làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và chỉ bằng cách đó mới có thể tạo công ăn việc làm mới trong dài hạn. Mặt khác, nhiều công ty tự đặt ra các quy chế về lao động chặt chẽ, mà người lao động nếu vi phạm sẽ bị buộc cho thôi việc. Ví dụ điển hình là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất thường xây dựng các quy định rất chặt chẽ về giờ giấc, ngày nghỉ, trang phục…Điều này giúp tạo tính kỉ luật và quy củ cho người lao động, giúp hoạt động của doanh nghiệp thêm hiệu quả.
Như vậy, sa thải một cách có đạo đức kinh doanh là khi doanh nghiệp cho nhân công nghỉ việc vì lý do thỏa đáng, hợp lý theo quy định; chứ không phải do cách quản lý thiếu minh bạch, trù úm và không công bằng của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, khi cho người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp phải đảm bảo trợ cấp thất nghiệp đúng theo luật pháp của Việt Nam và hợp đồng lao động quy định. Ví dụ như khi muốn sa thải, luật Lao động quy định chủ doanh nghiệp phải có sự nhất trí của Công đoàn cơ sở. Ngoài ra, đối với lao động ký hợp đồng trên 12 tháng, doanh nghiệp phải cung cấp trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức tiền lương.
Thành tích và tồn tại cần khắc phục
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều thực hiện việc sa thải nhân công một cách hợp lý và đúng luật. Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi một số nhỏ những trường hợp tiêu cực gây bức xúc cho người lao động. Như việc 102 công nhân nhân thuộc Công ty May Quốc tế Việt-Pan Pacific bị sa thải trong năm 2006, mà không có một lời thông báo trước từ phía lãnh đạo Công ty. Hoặc trường hợp sa thải nhân viên
một cách vô cớ của Công ty Công ty cổ phần chứng khoán Biển Việt (Hà Nội) với lý do đưa ra không đúng sự thật và trái với các quy định của pháp luật lao động vào tháng 4 năm 2008.
Nhìn chung, vấn đề đạo đức kinh doanh đối với người lao động của các doanh nghiệp mới dừng ở mức tuân thủ Bộ Luật lao động và các luật liên quan. Số lượng các doanh nghiệp thực sự chú trọng đến khía cạnh đạo đức kinh doanh này một cách tự nguyện còn khá ít ỏi, và thường tập trung ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước, những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm các quy định trong Luật lao động cũng là không nhỏ, thường tập trung ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp tư nhân, địa phương, làng nghề. Nhiều hiện tượng lách luật vẫn xảy ra, phúc lợi cho người lao động không được đảm bảo. Rõ ràng, thực hiện tốt đạo đức kinh doanh với người lao động là khi doanh nghiệp biết cách cân bằng giữa lợi ích của bản thân doanh nhân và lợi ích cho người lao động. Người lao động là một nhân tố thuộc nội bộ doanh nghiệp, vì thế muốn phát triển bền vững và tăng tính cạnh tranh, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải chú ý nhiều hơn nữa tới khía cạnh đạo đức kinh doanh này.