I. NHÓM GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TỪ PHÍA CHÍNH PHỦ 1 Nguyên nhân cần sự tham gia của Chính phủ
2. Giải pháp hỗ trợ
2.3.2. Cho tầng lớp doanh nhân
Những người trực tiếp và quyết định tới vấn đề xây dựng đạo đức kinh doanh ở doanh nghiệp hay không chính là các nhà quản lý của doanh nghiệp. Cách duy nhất để đạo đức kinh doanh được hình thành một cách tự giác, tự nguyện và được quan tâm đầu tư đúng mức là tầng lớp doanh nhân ở nước ta phải tự nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh. Họ cần phải nhận thức đầy đủ được rằng đạo đức kinh doanh sẽ là một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, và cần phải hành động đổi mới chiến lược đạo đức kinh doanh cho công ty mình. Vì vậy, để cung cấp kiến thức và giúp các chủ doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của vấn đề đạo đức kinh doanh, Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng các trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, các diễn đàn doanh nghiệp; tổ chức các khóa học, hội thảo quốc tế và trong nước bàn về đạo đức kinh doanh, THXH; đầu tư cho các viện nghiên cứu về văn hóa và đạo đức trong kinh doanh.
Việc ra đời các trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các diễn đàn doanh nghiệp là rất cần thiết. Hiện tại, chúng ta đã có các trung tâm tư vấn về kinh tế, xã hội, khoa học hay pháp luật; nhưng các trung tâm tư vấn về quản lý kinh doanh còn khá ít ỏi, đặc biệt là vấn đề đạo đức kinh doanh còn chưa được đề cập một cách đầy đủ trong công tác tư vấn. Các diễn đàn doanh nghiệp cũng ở trong một tình trạng tương tự, thông thường được thành lập không nhằm mục đích chuyên sâu vào khía cạnh đạo đức kinh doanh, cho dù đây là một vấn đề liên quan trực tiếp tới cách quản trị và cực kì phức tạp nếu muốn xây dựng được đạo đức kinh doanh lành mạnh. Nói chung, hiện nay hoạt động của các trung tâm tư vấn hay các diễn đàn doanh nghiệp chỉ mang tính tự phát, không có định hướng của Nhà nước, nên hiệu quả của các tổ chức này còn khá thấp và không bền vững. Nổi bật nhất hiện nay tại Việt Nam phải kể đến các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Sự ra đời của trung tâm này đã phàn nào đáp ứng được nhu cầu về cung cấp thông tin và tư vấn hướng dẫn cho giới doanh nhân Việt Nam. Trung tâm được ra đời từ cuối năm 2002, với mục đích định hướng về một nền VHDN cho Việt Nam, mà trọng tâm là hình thành đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt. Từ ngày thành lập, trung tâm đã tích cực hoạt động biểu dương cổ vũ các doanh nghiệp, doanh nhân có "Tâm, Tài, Trí, Dũng" xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp làm giàu cho đất nước. Trung tâm đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm xây dựng VHDN, doanh nhân và phối hợp với nhiều cơ quan khác trong cả nước để tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh các doanh nghiệp Việt như: phối hợp với Ðài Truyền hình Trung Ương tổ chức trao hai đợt "Cúp vàng Văn hóa Doanh nhân" cho 327 doanh nhân trong cả nước, cùng Hội Ðông - Nam Á trao cúp "Thương hiệu, nhãn hiệu" uy tín, Phối hợp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao cúp "Vì sự tiến bộ xã hội", Phối hợp Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức giao lưu "Nữ doanh nhân, truyền thống và hội nhập"…Ngoài ra, trung tâm còn thành lập nhiều đơn vị thành viên ở các địa phương như câu lạc bộ văn hóa doanh nhân ở Hưng Yên, Hải Dương để phổ biến kiến thức về VHDN và đạo đức kinh doanh cho giới doanh nhân
Ngoài ra Chính phủ cũng nên hỗ trợ các cơ quan tổ chức các hội thảo bàn về đạo đức kinh doanh. Tại Việt Nam, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam VCCI đang đóng một vai trò tích cực, tổ chức rất nhiều hội thảo và khóa học cho doanh nghiệp có cơ hội học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với nhiều nhà nghiên cứu, doanh nhân của các tập đoàn lớn trên thế giới. Ví dụ như Hội thảo “Trách nhiệm Xã hội doanh nghiệp và Chiến lược Truyền thông, kinh nghiệm quốc gia và quốc tế” do VCCI hợp tác với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 1/4/2009 có sự tham gia của hơn 50 CEO. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan Nhà nước trực thuộc có cơ hội tham gia và tổ chức các khóa học, hội thảo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu về mặt lý luận vấn đề đạo đức kinh doanh tại các viện và trung tâm nghiên cứu cũng là điều cần thiết. Hiện nay việc xây dựng đạo đức kinh doanh tại các doanh nghiệp là khá tự phát, do vấn đề nhận thức chưa thật rõ ràng. Thông qua công tác nghiên cứu, các viện có thể cho ra đời các bộ quy tắc đạo đức cho doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng và thực hiện. Điều này có ý nghĩa định hướng, tạo sự thống nhất và chuẩn hóa vấn đề xây dựng đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp. Về lâu dài, sự thống nhất này có thể tạo thành một nét bản sắc về đạo kinh doanh Việt.