I. NHÓM GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TỪ PHÍA CHÍNH PHỦ 1 Nguyên nhân cần sự tham gia của Chính phủ
2. Giải pháp hỗ trợ
2.1.1. Bổ sung và sửa đổi các văn bản pháp luật
Tăng trưởng nhanh và môi trường sinh thái luôn là hai mặt khác nhau của các nền kinh tế đang phát triển. Sau quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều nước đã phải trả giá về môi trường. Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ cho thấy chúng ta không hy sinh chất lượng sống của người dân vì mục tiêu tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn. Nhưng, điều đó đòi hỏi hệ thống quy định pháp luật phải có độ chính xác cao. Luật pháp phải làm sao không thừa (không tạo chi phí không đáng có cho doanh nghiệp) vừa không thiếu để bảo vệ lợi ích công cộng ở mức cần thiết. Qua các vụ thực phẩm nhiễm độc như nước
tương, sữa bột vừa qua, chúng ta thấy cơ quan nhà nước thường ở thế bị động và văn bản luật không bám sát thực tiễn.
Chính phủ cần phải xây dựng thêm nhiều văn bản pháp luật nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp là bảo đảm lợi ích của người lao động, người tiêu dùng, của ngành và của xã hội nói chung. Xét về mặt bản chất, đạo đức kinh doanh đích thực có nghĩa là ngoài những nghĩa vụ và trách nhiệm theo luật định phải tuân thủ thì doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm về những tác động của hoạt động của mình mà pháp luật không quy định tường minh nhưng lại có thể ảnh hưởng đến môi trường, đến khách hàng, đến nhà cung cấp, đến người lao động, đến cộng đồng, đến các chủ sở hữu và đến những người liên quan khác. Những trách nhiệm theo luật định đương nhiên phải được tuân thủ, ngoài trách nhiệm ấy ra doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm tự nguyện thêm. Doanh nghiệp có thể vi phạm đạo đức kinh doanh, nhưng không có tội, không bị lên án về mặt pháp lý. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, khi việc xây dựng đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp còn ở mức ban đầu sơ khai, ý thức thực hiện chưa tự nguyện, thì việc cưỡng chế là nên làm. Hầu hết doanh nghiệp khi tham gia thị trường đều có xu hướng vị kỷ, hoạt động nhắm đến lợi ích của mình trước khi nghĩ rộng đến toàn xã hội. Vì thế, Nhà nước khó lòng kêu gọi các doanh nghiệp phải có đạo đức một cách tự giác mà phải đặt ra những chuẩn mực tối thiểu buộc họ tuân theo nhằm tạo nên một hiệu ứng cộng hưởng xã hội tốt nhất có thể bởi “Thể chế nào sẽ tạo ra doanh nhân
ấy”. Khi đã được luật định, thì nghĩa vụ và trách nhiệm (về kế toán, thuế, an toàn lao động, môi trường…)
phải được tuân thủ, làm trái là phạm luật. Như thế, thực hiện tốt những nghĩa vụ và trách nhiệm được luật định đã là thực hiện đạo đức kinh doanh thực chất.
Ví dụ ở Việt Nam chưa có khung pháp luật và hướng dẫn về việc các doanh nghiệp phải có báo cáo về hạch toán xã hội, kiểm toán xã hội và báo cáo xã hội để cộng đồng biết và giám sát. Việt Nam đã ban hành Luật Cạnh tranh nhưng chưa có Luật Kiểm soát độc quyền và việc thực hiện Luật Cạnh tranh còn có nhiều hạn chế. Điều này gây khó khăn trong việc giám sát THXH của cộng đồng với doanh nghiệp. Hay hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp (KCN) cũng cần được hoàn thiện. Kể từ khi KCN đầu tiên ra đời vào năm 1991 tại TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2008 cả nước có 154 KCN. Điều tra của Bộ Công thương cho thấy: hiện chỉ có 39 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm hơn 25%, còn lại là đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng, riêng 61 KCN chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm gần 40% tổng số KNC cả nước.[23]. Các KCN hàng ngày thải ra môi trường hàng trăm nghìn m3 nước chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, việc quản lý khí thải, chất thải rắn, nhất là các chất thải công nghiệp nguy hại tại nhiều KCN đang trong tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường, chưa được quản lý chặt. Nhiều KCN đã và đang trở thành nguyên nhân chính gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và mạch nước ngầm, lưu vực sông tại nhiều địa phương. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm do thiếu hệ thống xử lý chất thải tại các KCN hiện nay là do các quy định hiện hành về quản lý môi trường đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa hoàn chỉnh, như: Quyết định 62 của Bộ Khoa học Công nghệ - Môi trường quy định tỷ lệ lấp đầy dưới 70% tại KCN thì chưa phải xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, tạo sự chủ quan trong việc đầu tư bảo vệ môi trường tại nhiều KCN hiện nay. Hay do nhiều địa phương vì
khó khăn về kinh phí đầu tư, đã khoán trắng hoặc giao cho Công ty phát triển hạ tầng KCN đầu tư, nhưng thiếu sự kiểm soát, dẫn đến KCN phát triển thiếu đồng bộ, đặc biệt là thiếu các công trình xử lý nước thải. Nhiều KCN quy định tuỳ tiện, cho phép doanh nghiệp tự ý khai thác nước ngầm, không kết nối vào hệ thống thu gom xử lý tập trung, dẫn đến gia tăng các đường xả nước thải trong cùng KCN nhưng không thể kiểm soát được. Do đó, các văn bản luật về vấn đề bảo vệ môi trường tại các KCN cần phải thay đổi về phương thức tổ chức quản lý môi trường; hình thành các quy định quản lý môi trường mới; và tạo cơ chế tài chính để chủ động bảo vệ môi trường tại KCN.
Sửa đổi khung chế tài xử lý đối với các vụ việc vi phạm cũng là cần thiết. Bởi hiện nay, rõ ràng mức xử phạt đối với các đối tượng vi phạm là quá nhẹ và không tương xứng với chi phí mà doanh nghiệp đó gây ra cho xã hội. Một ví dụ điển hình là vụ việc Vedan gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải. Trong vụ việc này, công ty đã trốn nộp phí thải khoảng 127 tỉ đồng nhưng mức phạt tối đa chỉ là 216,5 triệu đồng. Khi mức xử phạt quá nhẹ thì chế tài phạt sẽ không mang tính chất răn đe mà chỉ có tính hình thức. Do đó, Chính phủ cũng cần xem xét lại mức hình phạt tương xứng đối với các vụ việc vi phạm, từ trốn thuế, sản xuất sản phẩm kém chất lượng đến các vụ gây ô nhiễm môi trường.