Chính phủ là đối tượng hữu quan có quyền lực cao nhất

Một phần của tài liệu tổng quan về đạo đức kinh doanh (Trang 53 - 54)

I. NHÓM GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TỪ PHÍA CHÍNH PHỦ 1 Nguyên nhân cần sự tham gia của Chính phủ

1.1. Chính phủ là đối tượng hữu quan có quyền lực cao nhất

Trước hết phải khẳng định rằng, Chính phủ cũng là một đối tượng hữu quan trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và còn là một đối tượng đặc biệt và có quyền lực nhất.

Tính đặc biệt thể hiện ở lợi ích và sự hiện diện của Chính phủ trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ có tính chất khác hẳn với các đối tượng khác như người lao động, khách hàng hay các đối thủ cạnh tranh. Chính phủ là một đối tượng trung gian, mang tầm vĩ mô và không có lợi ích cụ thể, trực tiếp trong các quyết định và hoạt động của doanh nghiệp. Với bản chất là một cơ quan đại diện cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội, lợi ích của Chính phủ không thể đo bằng lợi ích thông thường của doanh nghiệp hay một đối tượng xã hội cụ thể. Lợi ích đó là sự bình đẳng, công lý, là sự phát triển bền vững của môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và tự nhiên. Sự hiện diện của Chính phủ trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng thể hiện tính đặc biệt của đối tượng hữu quan này. Rõ ràng, trong mọi quyết định kinh doanh với bất kì một đối tượng nào, doanh nghiệp đều phải cân nhắc tới bên thứ ba là Chính phủ. Chính phủ tồn tại ở đây dưới hình thức các văn bản pháp luật liên quan như luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Lao động… làm cơ sở điều chỉnh quan hệ kinh doanh giữa doanh nghiệp và các đối tượng hữu quan khác, giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên. Đương nhiên, khi có nảy sinh mâu thuẫn không tự giải quyết được giữa các chủ thể kinh tế thì Chính phủ sẽ can thiệp. Như vậy, trong bất kì một hoạt động kinh doanh nào của doanh nghiệp với một chủ thể khác, đều tồn tại bên thứ ba vô hình là Chính phủ, khiến mối quan hệ này trở thành mối quan hệ ba bên.

Một lý do cần có sự tham gia của Chính phủ trong vấn đề xây dựng đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay là bởi chỉ có Chính phủ mới có khả năng và quyền lực tối cao để đề ra các giải pháp hỗ trợ tầm vĩ mô, mang tính bền vững. Chính phủ được sinh ra với chức năng nhiệm vụ quan trọng nhất là một cơ quan quyền lực, với hệ thống pháp luật và đại diện cho lợi ích của tất cả mọi người dân. Với khả năng tối cao mà không một định chế nào trong xã hội có được là lập pháp – tư pháp – hành pháp,nắm trong tay lực lượng cưỡng chế mà mọi đối tượng đều phải phục tùng, cùng với quỹ tài chính lớn do người dân đóng góp; Chính phủ có sức mạnh và có tiềm lực lâu dài, bền vững để hỗ trợ cho vấn đề xây dựng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp. Các giải pháp do Chính phủ đề ra, vì được thể chế hóa nên sẽ có tác dụng mạnh trong việc cưỡng chế doanh nghiệp trên toàn đất nước phải thực hiện, tạo ra sự thống nhất cho đạo đức kinh doanh Việt. Hơn nữa, vì là một định chế đại diện

cho quốc gia, Chính phủ mới có khả năng tham gia các tổ chức quốc tế, kí kết các hiệp định, hiệp ước thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa một cách có lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Tóm lại, Chính phủ là đối tượng hữu quan duy nhất có khả năng điều tiết, định hướng vấn đề xây dựng đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp, giúp cho đạo đức ấy vừa có sự phát triển bắt kịp với quá trình toàn cầu hóa trên thế giới, vừa giúp bảo toàn những nét văn hóa – đạo đức dân tộc Việt.

Một phần của tài liệu tổng quan về đạo đức kinh doanh (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w