Học viên đến HVCTKVI học tập đều gặp phải hai sự chuyển đổi khó khăn (kể cả hệ tại chức lẫn hệ tập trung):
- Chuyển đổi từ trạng thái làm việc, công tác có tính chủ động hơn sang trạng thái học tập có tính gò bó phụ thuộc hơn.
- Chuyển đổi từ vị trí là người lãnh đạo, quản lý sang vị trí học viên đi học, phải thực hiện nhiều qui chế, qui định.
Sự chuyển đổi về chức năng, nhiệm vụ và môi trường hoạt động, địa vị xã hội trên đã làm cho học viên gặp khó khăn. Hơn thế nữa học viên hệ tập trung khi đi học đã tách rời cơ quan, chuyển sinh hoạt đoàn thể. Chính từ thực trạng này việc chú trọng quản lý việc rèn luyên của học viên có vị trí hết sức quan trọng và được tiến hành thông qua tổ chức Đảng - chi uỷ lớp.
Quản lý việc rèn luyện của học viên trong các khoá học được tập trung vào một số mặt sau đây:
- Quản lý việc rèn luyện về đạo đức, lối sống, tác phong của học viên, đặc biệt là việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của học viên.
- Quản lý các hoạt động tập thể: hoạt động xã hội, văn thể.
- Quản lý việc rèn luyện tính Đảng thông qua tổ chức chi bộ lớp. Mục tiêu quản lý cũng giúp cho người học viên rèn luyện và phát triển cả Đức lẫn Tài.
Với tư cách là “đặc phái viên của đảng uỷ” trong những năm qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm của Học viện đã có nhiều cố gắng tìm những biện pháp để quản lý việc rèn luyện của học viên, giáo dục tính Đảng cho học viên thông qua việc chỉ đạo các chi uỷ lớp về mặt quản lý đảng viên. Thông qua các kỳ sinh hoạt chi bộ, kiểm điểm học kỳ và cả khoá đã góp phần thúc đẩy, chấn chỉnh cả trong nhận thức, thái độ và hành động của học viên. Có thể nói hầu hết học viên đều có sự rèn luyện tốt về lối sống, đạo đức, tác phong và tính Đảng. Song bên cạnh đó vẫn không phải không có học viên còn hạn chế về tư duy, rèn luyện; coi nhẹ việc rèn luyện tính Đảng.
Mặt khác do cơ chế đánh giá còn hạn chế nhất là cơ chế phối hợp quản lý với các đơn vị, cơ quan cử học viên đi học và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý đảng viên của một số giáo viên chủ nhiệm còn hạn chế nên cũng dẫn đến hạn chế hiệu quả quản lý việc rèn luyện, tu dưỡng của học viên.