Gốc tích nghề làm bánh đa ở Lộc Điền

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 54 - 55)

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LÀNG THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH

2.1.4.2. Gốc tích nghề làm bánh đa ở Lộc Điền

Khi định cư lên bờ, ngoài nghề chính là đánh cá thì người dân Lộc Điền đã phát triển thêm nhiều nghề mới mới mà họ đã mang khi theo chân các bậc tiền nhân di cư vào đây nhưng chưa có điều kiện để phát triển như nghề mộc, gốm sứ.. đặc biệt là nghề làm miến, bún, bánh đa… giờ đây đã có điều kiện phát triển, trở thành hàng hóa giao lưu, trao đổi quanh vùng. Sở dĩ nghề làm bánh đa, bún, miến phát triển mạnh hơn các nghề khác bởi ở đây có “chợ Lộc Điền nhóm họp vào buổi sớm” (Đại Nam nhất thống chí – Quốc sử quán triều Nguyễn) là trung tâm buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền và là một trong những chợ lớn của huyện Quảng Trạch như cuốn sách Địa lý – Lịch sử Quảng Bình của Lương Duy Tâm đã viết: “Chợ có tầm quan trọng khác nhau. Trong toàn tỉnh có khoảng 50 cái. Những chợ chính là chợ Gát, Đồng Lào và chợ Sạt tại Tuyên Hóa, chợ Ròon, Ba Đồn, chợ Thành hoặc chợ Điền và chợ Mới ở Quảng Trạch…” Vì vậy bún, miến, bánh đa là những món quà không thể thiếu được trong những mẹt hàng đi chợ của các bà nội trợ bởi nó vừa ngon, vừa rẻ phù hợp với sở thích và túi tiền của mỗi người. Một điều đặc biệt nữa là “Ở đâu người ta cũng làm miến, bánh và các bánh ngọt bằng bột gạo. Nhưng ngon nhất là ở chợ Điền – Quảng Trạch”. Và khi Lê Qúy Đôn viết Phủ biên tạp lục thì Lộc Điền đã là một xóm thôn nằm trù phú bên bờ Đại Linh Giang, có nhiều ngành nghề phát triển, đặc biệt là nghề làm bánh, bún đã trở thanh một trong những nghề chính của người dân nơi đây. Và bến sông Lộc Điền là một trong những đầu mối giao thông quan trọng tỏa đi các vùng trong tỉnh “Từ bến các xã phường Lộc Điền, Lũ Đăng di chuyển theo sông Đại Linh là phía hữu sông Đại Linh, tức sông Gianh, qua hai xã Vân Lôi, La Hà, đến ngã ba là chỗ sông Gianh và sông Son hợp nhau. Sang sông đến bờ phía

Nam là bến Cao Lao thuộc châu nam Bố Chính. Qua xã Cao Lao, vượt núi dài Lệ Đệ mười mấy dặm, độ một canh rưỡi thì đến trang Điển Phúc, gọi là xứ Mục Dưỡng… Đi về phía Đông Nam, qua An Phúc, Thiên Lộc, đến thôn An Lão xã Lương Xá, tục gọi là chợ Đón, đã là đường giữa. Đường thượng thì tự Cao Lao vào, đường dưới thì tự Lý Hòa vào, đều họp ở đây.

Từ xã Lũ Đăng đi theo bờ sông, qua các xã Phan Long, Thổ Ngọa, An Bãi, Trung Hòa qua sông Gianh đến xá Thanh Hà châu Nam Bố Chính, theo bờ biển đi theo chân núi Lệ Đệ, theo bãi cát trắng bờ biển đến xã Lý Hòa, qua cầu Lý Hòa 138 gian đến thôn Thuận Cô, lại theo bờ biển đi qua trang Đông Cao thôn An Lão, đến đường lớn chợ Đón hội với đường qua sông Lộc Điền và qua Cao Lao và Mục Dưỡng…

Nghề làm bánh đa ở Lộc Điền phát triển từ trước thế kỷ XVIII, khi những “ngư ông” lên định cư lập thành làng Lộc Điền. Nhưng còn thời gian cụ thể, do nghệ nhân hay cụ tổ nào của nghề truyền lại thì những người làm nghề bánh đa hiện nay, kể cả những bậc cao niên trong làng đều không ai biết. Họ không hề có lấy một thứ giấy tờ gì gọi là “gia phả” làng nghề. Chỉ biết nghề làm bánh đa đã có từ xa xưa, cha truyền con nối hết đời này qua đời khác lưu giữ nghề truyền thống này.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 54 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w