Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp, địa bàn sinh tụ chủ yếu của người Việt bên cạnh các đô thị vẫn là các làng xã cổ truyền lấy sản xuất tiểu nông làm hoạt động kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh hoạt động kinh tế chính là nông nghiệp, người Việt Nam ở nông thôn còn kết hợp làm một số nghề phụ khác, mang tính sản xuất phi nông nghiệp như dịch vụ, buôn bán và đặc biệt là các làng nghề thủ công. Lúc đầu làng nghề thủ công chỉ đơn thuần là sự tranh thủ những lúc nông nhàn để làm ra các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống nông thôn, nhưng do đòi hỏi của nhu cầu xã hội về những sản phẩm đó ngày một tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, nên trong các hoạt động thủ công, người nông dân phải đầu tư nhiều hơn về thời gian và nâng cao hơn về chuyên môn. Từ thực tế ấy, một số nông dân đã tách ra khỏi nghề nông để chuyên tâm làm đồ thủ công, gọi là thợ thủ công. Các hoạt động thủ công cũng dần được chuyên môn hóa thành các nghề, gọi chung là thủ công nghiệp – tức là các nghề sản xuất bằng tay và các công cụ thô sơ, phân biệt với công nghiệp gồm các ngành nghề sản xuất bằng máy móc hiện đại. Các nghề rèn, nghề gốm, nghề mộc, đan lát, đúc, làm bún, bánh… đã ra đời theo xu hướng đó.
Đối với làng xã vùng ven sông Gianh, do điều kiện thiên nhiên không mấy ưu đãi, bất lợi nhiều hơn thuận lợi và nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phát triển khó khăn. Bởi vậy, cư dân ở đây đã sớm tạo cho mình các ngành nghề khác như buôn bán, vận tải, làm thủ công như dệt vải, làm nón, làm chiếu, làm gốm, nghề rèn, đúc, đan lát… Đại đa số các nghề là nghề phụ bên cạnh nghề nông, song lại có đóng góp đáng kể cho đời sống kinh tế - xã hội của cư dân nơi đây. Bởi vì những sản phẩm thủ công đó không chỉ phục vụ nhu cầu bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần nói chung của cộng đồng mà còn đáp ứng yêu cầu sản xuất và trao đổi sản phẩm của nhân dân tại địa phương với các nơi khác. Đương nhiên, mỗi làng nghề chỉ có thể chuyên về một nghề, hoặc nhiều nhất cũng chỉ hai đến ba nghề thủ công. Những nghề khác có thể có nhưng không chuyên sâu, hoặc chiếm số nhân công ít hơn. Cũng tại các làng nghề thủ công truyền thống ven sông Gianh, tính chất hàng hóa thủ công nghiệp biểu hiện rất rõ. Nhờ đó, thủ công nghiệp làng nghề, ở mức độ nhất định đã thoát khỏi sự lệ thuộc nông nghiệp và thể hiện tính độc lập tương đối của nó. Chẳng hạn như nghề làm bún bánh ở Tân An, nghề làm nón ở làng Thổ Ngọa, làng Hạ Thôn… đa số người dân lấy thu nhập từ nghề làm nguồn thu chính. Nhìn chung các làng nghề ở đây được biểu hiện khá đầy đủ ở các đặc trưng cơ bản sau:
Một là tính cổ truyền và được trao truyền. Hầu hết các làng nghề đều có kỹ
thuật cao, tay nghề khéo như nghề rèn, đúc, nghề chạm bạc, điêu khắc gỗ ở làng Hòa Ninh, nghề dệt ở Khương Hà, Thuận Bài, nghề nón làng Thổ Ngọa… phần lớn các làng nghề thủ công ở đây ra đời cùng với sự hình thành làng xã, phục vụ nhu cầu cuộc sống sinh hoạt của dân cư. Bởi vậy mà các làng nghề vùng ven sông Gianh đều có hàng trăm năm tồn tại. Tính trao truyền được thể hiện qua nhiều thế hệ, ít được phổ biến qua các làng khác. Đối với một số làng thủ công ven sông Gianh, người ta truyền nghề theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, “cha truyền con nối”…
Tuy nhiên, tính trao truyền này cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì tìm hiểu về các làng thủ công truyền thống ven sông Gianh ta thấy hầu như không có tổ chức phường, hội và luật nghề chặt chẽ như một số làng ở miền Bắc. Ở một số làng như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng dệt Vạn Phúc (Hà Tây), làng kim
khí Vân Chàng (Nam Định), làng chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa)… tính chất làng chuyên làm nghề thủ công thể hiện rất rõ nét. Hay như ở làng chạm bạc Đồng Xâm, người thợ thủ công luôn tuân theo quy lệ, đặc biệt là quy ước bảo trọng nghề. Luật nghề quy định chặt chẽ: bí quyết, bí mật nghề chỉ lưu truyền trong dòng họ, trong phường, dù có đi làm ăn ở nơi xa cũng không được trái lệ. “Không ai ở Đồng Xâm được truyền nghề ra ngoài, cũng không truyền cho con
gái, chỉ truyền nghề (bí quyết) cho con dâu, con trai, cháu trai (nội). Trường hợp ngoại lệ có người ngoài đến học nghề, phải được ông Trùm phường (trưởng phường nghề) đồng ý. Người được học việc phải sửa lễ nhập môn để cầu lộc của Tổ nghề…” [41; 29]. Trong khi đó, ở các làng nghề thủ công truyền thống ven
sông Gianh, chẳng hạn như ở làng Tân An khi có người đi làm ăn xa, con gái đi lấy chồng họ vẫn mang theo nghề gia truyền của ông cha để làm vốn sống tạo dựng cơ ngơi của mình. Và khi đi xa, người ta vẫn có thể truyền nghề cho cư dân vùng mới đến. Hay như nghề gốm ở làng Ngọa Cương được truyền vào làng Mỹ Cương (Đồng Hới) [39; 27].
Hai là tính địa phương độc đáo trong sản phẩm thủ công. Khảo sát các làng nghề truyền thống ở vùng lưu vực sông Gianh có thể thấy sản phẩm do người thợ thủ công ở đây làm ra đều có dấu ấn địa phương (ít có sự rập khuôn, bắt chước). Điều này dễ dàng nhận thấy trong các sản phẩm mà người thợ thủ công vùng ven sông Gianh đã làm ra. Chẳng hạn: rựa của làng rèn Hòa Ninh khác với rựa của làng rèn Mai Hồng (xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch), khác với rựa được sản xuất ở làng Hoàng Giang (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy). Hay như nón bài thơ được sản xuất ở làng Thổ Ngọa khác với nón loại này sản xuất ở Huế, ở Hội An, ở Bình Định, ở Hà Tây, ở Hòa Bình…
Để làm được những sản phẩm thủ công, người thợ ở các làng nghề vùng lưu vực sông Gianh phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ: từ khâu sơ chế, xử lý nguyên liệu đến kỹ thuật chế tác và hoàn thiện. Trong quá trình đó chỉ có cần cù khôn khéo chưa đủ mà còn phải có trí tuệ thông minh và sáng tạo [11; 93]. Tuy sản phẩm thủ công chưa hẳn nổi tiếng khắp cả nước nhưng chủ nhân của nó vẫn có niềm tự hào về tác phẩm được làm ra từ bàn tay sáng tạo của chính họ. Có thể nói, tính cổ truyền được trao truyền qua các thế hệ nghệ nhân, tính địa phương
được in dấu rõ nét trong mỗi sản phẩm thủ công là đặc trưng cơ bản nhất của các làng thủ công truyền thống ven sông Gianh.
Nhìn một cách tổng quát, có thể nói vùng ven sông Gianh là nơi hội tụ những điều kiện cho phép cư dân phát triển một nền kinh tế đa ngành trong đó tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò đáng kể. Ở vào một địa thế khá thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên – phần đất Bố Chính xưa kia đã tiếp nhận nhiều dòng người di cư đến đây tụ cư lập nghiệp từ lâu đời. Những dòng người di cư từ miền Bắc vào đã không ngưng nghỉ trong việc xúc tiến công cuộc khẩn hoang, lập làng, đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp và nhiều hoạt động kinh tế khác như đánh bắt thủy sản, buôn bán, trong đó tiểu thủ công nghiệp cũng được ra đời và phát triển. Sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp ở đây một phần để phục vụ nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nhưng phần quan trọng là tạo thêm nguồn thu bổ sung cho nền kinh tế nông nghiệp không mấy phát triển và luôn luôn bị thiên tai, lũ lụt tàn phá. Bên cạnh đó, đôi bờ sông Gianh từng là nơi hứng chịu nhiều gánh nặng do chiến tranh. Bởi vậy, yếu tố lịch sử này cũng có phần ảnh hưởng đến sự phát triển thủ công nghiệp làng xã. Mặc dầu nghề thủ công ở đây không phát triển như một số làng ở nơi khác trong cả nước nhưng nó đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của cư dân và có đóng góp phần không nhỏ cho nền kinh tế địa phương.
Có thể nói, để ứng xử và thích nghi với điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái – nhân văn có tính đặc thù, cư dân vùng ven sông Gianh đã tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có để làm ra các sản phẩm thủ công nghiệp đa dạng và độc đáo của mỗi làng nghề. Các làng nghề vùng ven sông Gianh đã biểu hiện và phản ánh trong đó các sắc thái, đặc điểm văn hóa – xã hội truyền thống của địa phương.
CHƯƠNG 2