Làng đan lát Thọ Đơn 1 Đôi nét về làng Thọ Đơn

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 36 - 38)

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LÀNG THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH

2.1.2. Làng đan lát Thọ Đơn 1 Đôi nét về làng Thọ Đơn

2.1.2.1. Đôi nét về làng Thọ Đơn

Làng Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xưa nay được biết đến bởi những sản phẩm đan lát làm từ vật liệu mây tre nứa.

Xã Quảng Thọ nằm về phía đông của ngõ thị trấn Ba Đồn, có vị trí địa lý khá thuận lợi với phía Đông là bãi biển tuyệt đẹp trải dài, phía Tây là con đường thiên lý Bắc Nam, phía Bắc giáp thôn Xuân Kiều (xã Quảng Xuân) và phía Nam giáp xã Quảng Phúc. Về sự ra đời của xã Quảng Thọ ngày nay thì chưa có một tài liệu nào khẳng định tính xác, song căn cứ vào mục bản đồ trong “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An và lời kể của một số bậc cao niên trong làng thì có thể phỏng đoán rằng, xã Quảng Thọ được hình thành vào thời hậu duệ Lê, nghĩa là vào khoảng thế kỷ XV. Khi Dương Văn An viết “Ô Châu Cận Lục” vào năm 1553 thì Quảng Thọ ngày nay là một đơn vị hành chính bao gồm hai xã: Đại Đan và Tiểu Đan thuộc châu Bố Chính. Khác với nhiều làng quê khác ở Quảng Trạch

vốn có truyền thống học hành đỗ đạt, Đại Đan và Tiểu Đan dường như vắng bóng trong danh sách các nhà khoa bảng Quảng Bình xưa. Theo sử liệu ghi chép lại thì có hai vị đậu cử nhân vào các năm 1843 niên hiệu vua Thiệu Trị thứ 3 và 1848 niên hiệu vua Tự Đức thứ nhất là người Đại Đan. Tuy nhiên cũng theo lời kể của một số bậc cao niên trong làng thì thuở mới thành lập do làng có người làm quan to nên đã chiếm được hơn 400 mẫu ruộng cho làng. Song cũng có một truyền thuyết dân gian kể rằng, việc tranh chấp đất giữa xã Quảng Thọ và làng Xuân Kiều (xã Quảng Xuân) xẩy ra liên miên từ đời này sang đời khác. Cho đến một ngày, có người nảy ra sáng kiến rằng, xã Quảng Thọ sẽ cử ra một người đàn ông khỏe nhất đứng ra tại ranh giới giữa xã Quảng Thọ và Quảng Phúc, khi một hồi trống vang lên, người đó sẽ vừa chạy vừa ù (như trò chơi dân gian của trẻ em) về phía làng Xuân Kiều. Khi nào người đó hết hơi dừng lại thì đó sẽ là ranh giới giữa hai xã. Người đàn ông của xã Quảng Thọ đã chạy được một quảng đường khá dài và khi dừng lại thì ông đã bị tắt hơi mà chết. Mộ của ông được chọn ngay tại đó và ranh giới giữa hai làng đã được xác lập, từ đó không còn xảy ra tranh chấp.

Thọ Đơn là một trong năm thôn của xã, được chia thành bốn xóm mang tên: Giáp, Ất, Bính, Thìn. Thọ Đơn có bốn dòng họ phổ biến nhất là Đoàn, Nguyễn, Trần, Lê, trong đó họ Đoàn là họ lớn nhất và được xem như là ông Tổ của làng nghề. Cũng theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì họ Đoàn có thể được bắt nguồn từ Đoàn Nhữ Hài, một viên tướng tài của Lê Lợi trong đội quân tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn chép: “Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ đã nhìn thấy vị trí Tân Bình – Thuận Hóa là một trọng tấn nên đã chọn trong các danh tướng đã từng có công đánh dẹp giặc Minh vào giữ chức trấn thủ…”. Vậy nên cũng có thể phỏng đoán rằng, Thọ Đơn được ra đời vào thời vua Lê Thái Tổ. Song một giả thiết khác cho rằng vào đời vua Lê Thánh Tông, sau khi đánh thắng quân Chiêm Thành, cũng như các bậc cha ông của mình là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, ông thấy được tầm quan trọng của vùng đất Bố Chính nên đã xuống kêu gọi nhân dân phiêu tán ở các tỉnh miền Bắc di cư lập ấp ở châu Bố Chính: “Bố Chính đất rộng dân thưa, lại liền với châu Hoan, vậy quân và dân nên đến đó khẩn hoang (làm ăn), sẽ có lợi lớn…”. Có thể thấy rằng, đây là đợt di dân lần thứ ba có tính chất về mặt nhà

nước: Lần thứ nhất là thời Lý Nhân Tông năm 1075 di dân xuống Lâm Bình; lần thứ hai là thời Hồ Quý Ly năm 1403 di dân xuống Thăng Hoa Tư Nghĩa và lần này di dân xuống châu Bố Chính. Vậy nên cũng có thể đồng ý với giả thiết rằng Thọ Đơn được hình thành trong đợt di dân thứ ba vào đời vua Lê Thánh Tông.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w