THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CỦA LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH
3.2. Vấn đề bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống
Làng nghề thủ công truyền thống nói chung là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống lâu đời, có sự liên kết hỗ trợ trong sản xuất, bán sản phẩm, có cùng Tổ nghề và các thành viên luôn ý thức tuân thủ những ước chế xã hội và gia tộc. Sự lien kết, hỗ trợ nhau về nghề, kinh tế, kỹ thuật, đào tạo thợ trẻ giữa các gia đình cùng dòng tộc, cùng phường nghề trong quá trình lịch sử hình thành, phát triển nghề nghiệp đã hình thành làng nghề ngay đơn vị cư trú, làng xóm truyền thống của họ. Do tính chất kinh tế, hàng hóa, thị trường của quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, làng nghề thực sự là đơn vị kinh tế tiểu thủ công nghiệp. Vai trò, tác dụng của làng nghề đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội là lớn và tích cực. Bởi vậy, bảo tồn nghề và làng nghề thủ công truyền thống là một sự lựa chọn xác đáng, có tương lai. Bởi vì: “Sẽ đến ngày mà các sản phẩm thủ công mỹ
nghệ truyền thống được nâng niu, trân trọng hơn. Nó sẽ đi vào cuộc sống mỗi người ở trình độ cao hơn và mức sống khá hơn” [7; 47].
Các làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm đã trải qua nhiều bước phát triển và cũng trải qua những khó khăn thử thách, những bước thăng trầm trong tiến trình lịch sử. Vào những năm giao điểm giữa hai thế kỷ XX – XXI, dưới chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta cũng như với xu thế phát triển giao lưu quốc tế thời đại này, chúng ta đã có điều kiện để có thể và cần phải nhìn nhận vấn đề nghề, làng nghề thủ công truyền thống không chỉ là những di sản văn hóa – văn minh rực rõ trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta mà còn là vấn đề kinh tế, xã hội, khoa học và kỹ thuật hiện nay cũng như trong tương lai.
Đó là nhận thức mới, mang tính thời đại, xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất sáng tạo của nghệ nhân và những người thợ thủ công trong các làng nghề, xuất phát từ tính đặc thù của sản phẩm thủ công, cũng như nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Làng nghề thủ công truyền thống là một thực tế sống động. Những làng nghề truyền thống nảy sinh, phát triển trên cái nền lịch sử văn hóa và văn minh dân tộc và chính nó đã góp phần tạo nên nền văn hóa – văn minh ấy. Làng nghề luôn sống động, bởi những hoạt động sản xuất tạo ra của cải vật chất và theo nhu cầu của thị trường. Không còn các hoạt động này cũng có nghĩa là không còn làng nghề, ít ra cũng là suy thoái nghề truyền thống ở nơi đó, mặc dù ngôi làng cổ truyền vẫn tồn tại.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, làng nghề truyền thống nhìn chung không phải là cái gì bất biến. Chúng được sinh ra, phát triển đến mức phồn thịnh rồi mất đi… Ấy là những nơi chuyên làm một hoặc một vài sản phẩm nào đó rất cần cho xã hội trước, lại không còn cần thiết cho xã hội tiếp theo. Đó là trường hợp mai một nghề. Lại có những nơi không được theo xu hướng thay đổi mặt hàng trong xã hội, hoặc nhu cầu mặt hàng vốn là thế đứng của làng nghề ấy đã giảm rõ rệt, cũng dẫn đến suy thoái làng nghề. Đấy là trường hợp làng đóng thuyền Thanh Trạch.
Bảo tồn và phát triển làng nghề chính là nền tảng phát huy những giá trị văn hóa, cũng chính là cách làm tăng trưởng kinh tế nông thôn, trong các làng nghề xưa và nay chứa đựng nhiều yếu tố tích cực và các hoạt động lành mạnh của cả trong sản xuất lẫn đời sông sinh hoạt hằng ngày.
Như ta đã biết, mỗi làng nghề là một cộng đồng dân cư, tạo thành làng quê hay phường hội. Đó cũng đồng thời là một cộng đồng văn hóa, có phong tục tập quán, tín ngưỡng (đền, miếu thờ cúng), nếp sống, lao động sản xuất… vừa có nét chung của văn hóa dân tộc, vừa mang nét riêng của mỗi làng nghề [7; 44].
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống phải chăng là thêm sức mạnh cội nguồn, gieo vào lòng mỗi người dân tình cảm dân tộc, yêu quý, trân trọng, giữ gìn di sản và bản sắc văn hóa Việt Nam. Điều đó không khác gì là giữ gìn và phát huy một bộ phận của nền văn hóa – văn minh nhân loại, làm tăng những giá trị truyền thống trong một thế giới đa phương tiện thông tin và đầy biến động. Phát triển làng nghề còn là một giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện công nghiệp hóa nông thôn, phát triển và nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người nông dân ở cả đồng bằng và miền núi, dân tộc đa số và dân tộc thiểu số, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa và khoa học giữa các vùng lãnh thổ, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.