SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LÀNG THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH
2.1.4.3. Sự phát triển của nghề làm bánh đa ở Lộc Điền qua các giai đoạn lịch sử
lịch sử
Như đã nói ở trên, nghề làm bánh đa ở Lộc Điền đã xuất hiện từ khi những “ngư ông” lên bờ định cư lập làng, lúc này bánh đa mới chỉ là mặt hàng tự cung, tự cấp trong làng. Dần dần khi chợ Điền hình thành, bánh đa đã trở thành mặt hàng trao đổi với các làng lân cận khi đến mua bán ở chợ Điền và nghề làm bánh đa ở Lộc Điền đã tương đối phát triển, trong các dòng họ đã truyền nghề cho nhau, nhiều gia đình, nghề làm bánh đa là một trong những nguồn thu nhập chính. Đến thế kỷ XVIII, khi Lê Qúy Đôn viết Phủ biên tạp lục thì nghề làm bánh đa ở Lộc Điền đã phát triển mạnh. Bởi bến Lộc Điền là một đầu mối giao thông quan trọng tỏa đi các vùng miền nên bánh đa đã được bày bán ở chợ Ba Đồn rồi các chợ ở Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy và ngược dòng sông Gianh lên với các chợ miền núi ở Tuyên Hóa, Minh Hóa… Và bánh đa Lộc
Điền đã chiếm được cảm tình của mỗi người dân trong tỉnh và trở thành thứ đặc sản cho những người xa quê. Nói đến bánh đa có lẽ ai cũng nhớ tới hương vị thơm ngon của “bánh đa Lộc Điền” và như ông Lương Duy Tâm, trong cuốn Địa
lý – Lịch sử Quảng Bình đã kể: “Ba Đồn là một chợ có từ lâu. Các anh hãy chuẩn
bị tiền để đến đây một lần. Tôi đã đi hầu như khắp chợ. Con thuyền tôi dùng đã cập sát góc súc vật. Trước tiên tôi hỏi chị bán dầu và bàn bán rượu ngồi ở đâu, sau đó tôi lại thấy những chạc mốc mây, củ nâu, vỏ con vẹm, rồi những nồi rang bằng đất nung. Tôi mua một cái vung, một ấm nấu nước bằng đất và hai cái nồi. Tôi ngắm xem các mâm cơm và tôi thầm khen ai đã nấu nướng khéo tay như vậy… Sau hết, tôi lại gặp những người bán hàng rong rao bán rao bấc đèn và chổi, những người bán củi và than, những người bán đọi bát bằng sứ hoặc bằng sành người đi mua mâm cỗ bồng hoặc chiếu lác từ miền Bắc đưa đến… Tôi còn chưa đi khắp chợ thì người chèo thuyền đã giục tôi phải xuống thuyền ngay để đi về. Tôi chạy ngay đến các chị bán bánh đa: Họ quạt than để nướng bánh. Tôi mua một cái giá mười chữ thuyền và tôi trở lại thuyền…”
Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, rồi cách mạng tháng Tám thành công, nghề làm bánh đa ở Lộc Điền vẫn phát triển bình thường, không có hiện tượng bị mai một dần… Bởi bánh đa là món ăn không thể thiếu trong tiềm thức của mỗi người dân Quảng Bình. Nhưng đến những năm tháng cả nước lên đường vượt Trường Sơn đánh Mỹ, miền Bắc CNXH dồn tất cả lương thực gửi vào chiến trường miền Nam thì nghề làm bánh đa ở Lộc Điền tạm thời chững lại.
Đất nước thống nhất, đặc biệt là những năm xóa bỏ cơ chế bao cấp, bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều tiến bộ Khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, liên tiếp được mùa, Việt Nam đứng vào hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo thì nghề làm bánh đa của Lộc Điền đã được hồi sinh một cách mạnh mẽ. Bánh đa Lộc Điền không những là hàng hóa trong tỉnh mà đã vươn ra khẳng định được vị trí của mình ở các tỉnh bạn như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… và giờ đây nghề làm bánh đa đã trở thành một nghề chính – nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình ở thôn Tân An.