Sự ra đời và phát triển của nghề đan lát

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 38 - 43)

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LÀNG THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH

2.1.2.2. Sự ra đời và phát triển của nghề đan lát

Xuất xứ nghề đan lát

Nghề đan lát xuất hiện từ lâu, có lẽ ngày xưa người đầu tiên vào khai khẩn vùng đất này đã mang theo nghề. Cụ Đoàn Bổng năm nay 80 tuổi, một trong những người dân làng xem như pho sử sống cũng chỉ biết rằng, ông Tổ của làng là người Thanh – Nghệ di cư. Các bản gia phả của các dòng họ cũng không còn do thất lạc trong thời kỳ chiến tranh, ở Thọ Đơn hiện nay có miếu Thành hoàng, song được xây dựng từ bao đời và vị Thành hoàng đó là ai thì chưa có một tài liệu nào khẳng định chính xác. Người Thọ Đơn từ đời này sang đời khác nối tiếp nhau học nghề theo kiểu “cha truyền con nối” và ngày càng phát triển. Ngày nay, ngoài việc truyền nghề cho con cháu, từ năm 1975 làng đã quy định ngày cúng Tổ là mồng 2 tháng 12 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, tất cả các dòng họ trong làng gồm: Đoàn, Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Võ… sắm sửa lễ vật riêng của từng dòng họ sau đó mang đến miếu Thành hoàng cúng tộc. Đây là một trong những ngày lễ hội lớn ở Thọ Đơn để tưởng nhớ người đã khai sinh và sáng lập ra nghề đan lát, một nghề đã giúp cho người dân Thọ Đơn góp phần ổn định, phát triển và trở nên nổi tiếng trong hàng mấy thế kỷ qua.

Sự phát triển của nghề đan lát Thọ Đơn qua các giai đoạn lịch sử

Giai đoạn sơ khai đến năm 1945:

Vào thời kỳ này Thọ Đơn cũng như nhiều làng khác ở Việt Nam phải trải qua nhiều thăng trầm và biến động lịch sử. Dưới các triều đại phong kiến, nghề lát có lúc phát triển rực rỡ, lại có lúc dường như bị mai một do tác động của yếu tố lịch sử lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nhìn chung nghề đan lát vẫn duy trì và phát triển. Vào thời bấy giờ khi các vật dụng đều được sản xuất bằng phương thức thô sơ thì các sản phẩm của Thọ Đơn có mặt hầu hết ở các nơi trong vùng. Những rỗ rá, nong nia, dần sang, thúng bơi… trên đôi vai tần tảo của những người dân Thọ Đơn tỏa đi khắp miền. Có thể nói rằng thoạt đầu nghề đan lát chưa chiếm được

ưu thế lớn trong cơ cấu ngành nghề còn đa dạng của Thọ Đơn, song qua một thời gian duy trì và phát triển thì nghề đan lát đã có một vị trí khá ổn định và có thể nói là hưng thịnh. Vào năm 1553, khi “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An ra đời thì Đại Đan và Tiểu Đan đã có tên trong mục đồ bản thuộc châu Bố Chính. Đại Đan,Tiểu Đan và Thọ Đơn sau này được nhiều người phỏng đoán rằng nó xuất sứ từ chính nghề đan nên mới có tên như thế. Đan và Đơn được xem như đồng nghĩa, hàng mấy thế kỷ trôi qua có thể người ta đọc chệch Đan thành Đơn…

Giai đoạn từ 1945 đến 1975:

Đây là một giai đoạn có nhiều biến cố của lịch sử dân tộc. Sau bao nhiêu năm bị kìm kẹp dưới ách thống trị của thực trị của thực dân phong kiến, người Việt Nam nói chung và Thọ Đơn nói riêng thực sự được làm chủ chính mình. Bên cạnh sự phát triển chung của nhiều ngành nghề, nghề đan lát cũng bước vào một giai đoạn mới. Dẫu vẫn làm nghề theo kiểu “tự sản tự tiêu” và thị trường tiêu thụ là các tỉnh lân cận với phương thức gánh hàng trên vai rong ruổi qua các đường thôn ngõ xóm để rao bán, song người dân Thọ Đơn đã được mở rộng hơn về tầm nhìn, từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cũng cần phải nói thêm rằng, đây là giai đoạn đất nước ta trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt để giữ vững chủ quyền dân tộc độc lập. Thọ Đơn cũng như nhiều làng quê khác đã đóng góp một phần không nhỏ cho 2 cuộc chiến. Những sản phẩm thường ngày như rổ rá, nong nia, dần sàng, thuyền nan… đã góp phần làm nên hạt gạo củ khoai ủng hộ kháng chiến. Có những thời gian Thọ Đơn bị địch tạm chiếm, cuộc sống của người dân nơi đây lại phải chịu nhiều ách áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn thực dân, nghề đan tưởng chừng như bị chững lại song truyền thống từ bao đời đã giúp người dân giữ vững và phát huy nghề nghiệp của cha ông cho đến tận bây giờ…

Giai đoạn từ 1975 đến 1990:

Có thể nói rằng, trong lịch sử phát triển của làng nghề thì đây là khoảng thời gian nghề đan lát Thọ Đơn được phát triển rực rỡ. Đất nước hoàn toàn thống nhất, người dân Thọ Đơn bắt tay vào công cuộc xây dựng và tái tạo quê hương. Các sản phẩm của Thọ Đơn có mặt hầu hết ở các tỉnh lân cận, người tham gia

nghề này đông hơn bao giờ hết. Những nghề khác như đi biển, buôn bán nhỏ và nông nghiệp dần dần trở nên thu nhỏ khi lợi ích kinh tế của nghề đan ngày một nâng cao. Yếu tố thuận lợi của nghề này là mọi người đền có thể tham gia, từ cụ già đến em nhỏ và tận dụng được khoảng thời gian nông nhàn hay những ngày biển động. Hầu như 100% các hộ dân ở Thọ Đơn đều có người làm nghề đan, có gia đình tất cả mọi thành viên đều tham gia. Có thể thấy rõ lợi ích kinh tế của nghề đan đã mang lại bởi sự khởi sắc của bộ mặt làng quê Thọ Đơn trong bước phát triển chung của xã nhà. Thu nhập của làng quê chiếm khoảng 70 đến 80% tổng thu nhập của toàn thôn. Sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ nhanh chóng. Với sự thuận tiện của giao thông, bây giờ người dân Thọ Đơn không còn gồng gánh trên vai đi bộ qua các nẻo đường mà đã có ô tô, xe máy đến tận nhà bốc dở sản phẩm đem đến nơi tiêu thụ một cách kịp thời, tạo nên hiệu quả cao. Vòng quay đồng hồ vốn trở nên ngắn lại càng giúp cho người dân Thọ Đơn có điều kiện phát triển nghề nghiệp của mình…

Giai đoạn từ năm 1990 đến nay:

Chuyển sang cơ chế thị trường, người dân Thọ Đơn bắt đầu ý thức hơn về nghề nghiệp của mình. Tổng số hộ gia đình theo con số thống kê đến ngày 1 tháng 4 năm 2000, Thọ Đơn hiện có 516 hộ, trong đó có 451 hộ sản xuất nông nghiệp và nghề đan. Do điều kiện sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước nên hầu như nghề đan đã trở thành một nghề chính ở Thọ Đơn. Theo số liệu thống kê năm 2000 thì thu nhập từ nghề đan lát gấp hai lần so với thu nhập từ nông nghiệp. Cụ thể vào năm 1995, bình quân thu nhập của mỗi gia đình làm nghề đan ở đây khoảng chừng 2.500.000 đồng, tổng thu nhập toàn thôn ước tính 1.002.500.000 đồng. Năm 1998, con số này đã tăng lên đến 3.000.000 đồng/hộ và 1.353.000.000 là con số thu nhập ước tính của toàn thôn. So với tổng thu nhập của toàn thôn thì nghề đan lát đã chiếm trên 75%. Có thể nói đây là con số không nhỏ so với mặt bằng kinh tế chung của nhiều làng quê nông thôn hiện nay. Các sản phẩm của Thọ Đơn vẫn có sức hút đối với người tiêu dùng, nhất là những năm được mùa về nông nghiệp và ngư nghiệp, sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng. Người dân Thọ Đơn đã ý thức được lợi ích kinh tế của nghề mang lại và có sự hạch toán cần thiết để ngày một nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kỹ thuật đan và một số kinh nghiệm đúc rút qua thực tiễn. Kỹ thuật đan

Để đan những sản phẩm khác nhau người thợ đan đều có các công thức riêng biệt ngay từ những công đoạn đầu tiên. Các công thức này không được ghi chép trong sách vở và được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm qua sự chỉ dạy của người đi trước.

Một công thức chung nhất cho tất cả các sản phẩm là tre phả già, đưa về cưa theo từng độ dài khác nhau tùy theo sản phẩm sau đó chẻ mỏng, vót trơn, phơi khô rồi mới đem đan. Nếu tre phơi chưa khô, vót dối thì sản phẩm sẻ không đạt tiêu chuẩn về cả kỹ thuật và cả mỹ thuật. Trong số những nghề đan Thọ Đơn thì đan thúng bơi có lẽ tốn nhiều công sức hơn cả. Như đã nói ở trên, độ dài của tre phụ thuộc vào các sản phẩm khác nhau. Người Thọ Đơn dùng đơn vị “thước” để đo . Với thúng bơi thì độ dài của tre tối thiểu phải đạt từ 5 đến 6 thước. Tre đan thúng phải là tre cật. Sau khi đã chẻ tre, vót trơn và phơi khô, người thợ đan thực hiện những thao tác kỹ thuật đầu tiên đã được định sẵn là “đan bắt hai, chừa ba, bắt bốn” như kiểu đan nong nia. Sau khi hoàn thành một tấm tre vừa đủ độ lớn để làm thúng bới, người thợ còn phải “dát” quanh bốn góc tấm tre này sao cho khi lận vành các góc của thúng bới đều được đan khít, không có lỗ hổng. Kết thúc công đoạn trên, người ta tiến hành việc đào lỗ để lận hành. Vì thúng bới là một vật dụng khá lớn nên công việc này đòi hỏi ít nhất hai người tham gia. Ngoài việc đào lỗ, người thợ còn chuẩn bị sẵn cạnh thúng bơi và mây để nức. Vành tre được để sẵn cạnh miệng lỗ vừa đào, sau đó đem trải tấm tre vừa đan xong lên mặt lỗ, uốn tấm tre theo hình lỗ vừa đào đồng thời với việc gò các góc tre này vào vành tre vừa chuẩn bị sao cho chiếc thúng bơi vừa có hình tròn, cân đối. Việc cuối cùng là nẹp vành trong, chặt các đoạn tre thừa, sau đó dùng mây để nức vành. Mây nức phải là mây sáng ngả màu vàng, mắt thưa, lặn thì mới có độ bền cao… Có thể nói, với sản phẩm này người dân Thọ Đơn đã có một thị trường khá lớn bởi uy tín và chất lượng của nó.

Ngoài thúng bơi thì những sản phẩm phổ biến của Thọ Đơn là rổ rá, nong ni, dần sàng… người thợ đan có một công thức chung cho đan nong nia, thúng là “đan bắt hai, chừa ba, bắt bốn” như kiểu thúng bơi. Với nong nia thì độ dài của

tre là 3 đến 3,2 thước, đan thúng từ 1,6 đến 2 thước. Đan dần sàng và rổ có chung công thức là đan lòng 2, đan rá đan lòng mốt. Tuy nhiên, dần sang đan thưa hơn, người thợ đan ước lượng khoảng cách các nang tre bằng mắt và kinh nghiệm chứ hoàn toàn không có quy định về khoảng cách thưa dày giữa các nan tre. Tất cả các sản phẩm đều có công đoạn cuối cùng là dát và lận vành rồi dùng mây đã chẻ mỏng để nức vành. Sau khi hoàn thành người dùng rơm xuống khói (hầm) để đốt các long thừa trên sản phẩm sao cho sản phẩm trơn đẹp hơn…

Những kinh nghiệm đúc rút qua thực tiễn

Với nghề đan lát thì khâu quan trọng nhất là chọn nguyên liệu bởi với bất cứ sản phẩm nào nếu tre và mây không bảo đảm chất lượng thì sẽ kéo theo sự yếu kém về chất lượng khi đan. Những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề đan chỉ cần nhìn qua các loại tre là biết xấu hay tốt. Tre tốt trước hết là phải già, mắt đỏ, các mắt này lặn chứ không nổi lên dọc thân tre. Ngoài ra các mắt phải thưa và ruột tre đặc thì mới có thể sử dụng được tối đa được cây tre, từ đó tạo được sản phẩm đẹp đồng thời hạ được giá thành để dể tiêu thụ. Ngoài chọn tre người ta còn phải chọn mây để nức vành sao cho sản phẩm vừa bền, vừa bóng đẹp. Mây dùng để nức vành phải là loại mây không non, cũng không già, màu sắc phải sáng và hơi ngã vàng, các mắt mây cũng phải thưa và lặn như khi chọn tre để trách lãng phí. Sau khi đã chọn được nguyên liệu thì việc đan thành sản phẩm đẹp hay xấu tùy thuộc vào tay nghề của người thợ. Ngoài ra còn có một kinh nghiệm nhỏ nữa là khi làm xong sản phẩm nếu chưa tiêu thụ được thì đem gác trên sàn bếp để trách ẩm mốc và mối mọt (nếu là mùa đông), còn mùa hè thì chỉ cần để trong nhà cho trắng tre …

Trải qua hàng chục năm với nhiều thay đổi, nhất là của cơ chế kinh tế thị trường, nhưng làng nghề vẫn đứng vững và phát triển. Để làm được điều đó làng nghề Thọ Đơn đã không ngừng tạo ra những sản phẩm mới bắt kịp nhu cầu thị trường.

Cả làng Thọ Đơn hầu như nhà nào cũng làm nghề đan lát các vật dụng phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trước đây sản phẩm chính của làng Thọ Đơn chủ yếu là nong nia, thúng, mũng... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nay nắm bắt nhu cầu thị trường, làng Thọ Đơn đã tạo sự chuyển biến mới bằng cách tạo ra được nhiều sản phẩm dùng trong sản xuất ngư nghiệp.

Nếu với 2 lao động thì chỉ mất có 2 ngày thì có thể đan xong 1 chiếc thúng. Thúng bán ở dạng thô thì có giá 1,5 triệu, trừ chi phí thì lãi được 1 triệu.

Tuy nghề làm thuyền thúng thu lãi cao gấp nhiều lần so với làm rổ rá các loại, nhưng do vốn lớn, công nhiều nên chỉ những hộ dân có điều kiện thì mới theo nghề này. Hiện nay, làng Thọ Đơn có gần 600 hộ dân làm nghề đan lát. Sản phẩm chủ yếu là rổ rá, nong, nia đủ kích cỡ để vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ sản xuất ngư nghiệp và dùng trong xây dựng. Nếu chỉ làm các sản phẩm rổ, rá, nong, nia đơn thuần, thì mỗi lao động cũng có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng tháng. Nhiều hộ gia đình nhờ giỏi nghề mà đã vượt lên đói nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.

Thực tế cho thấy, là vùng quê nông nghiệp nhưng nghề đan lát đã thực sự trở thành một nghề chính đem lại thu nhập khá cao cho người dân ở đây. Với những đặc điểm khá thuận lợi như: nguyên liệu là tre sẵn có ở các vùng nông thôn nên rất dễ mua, kỹ thuật tạo ra sản phẩm tương đối đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi điều kiện thời tiết, nghề đan lát Thọ Đơn đã thu hút được trên 90% hộ dân trong thôn tham gia. Đây chính là thế mạnh, là tiền đề cơ bản nhất để làng nghề Thọ Đơn hướng đến sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre xuất khẩu, có thể phát triển làng nghề một cách hiệu quả và bền vững.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w