Sự phát triển của các nghề và làng nghề gặp nhiều khó khăn

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 62 - 66)

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CỦA LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH

3.1.2. Sự phát triển của các nghề và làng nghề gặp nhiều khó khăn

Mặc dù các làng nghề thủ công truyền thống vùng đôi bờ sông Gianh có sự phát triển và đưa lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Song sự phát triển của các làng nghề gặp nhiều khó khăn, không chỉ tự thân nó mà còn xuất phát từ những tác động của quá trình CNH, HĐH đất nước mang lại. Do những chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông thôn, một bộ phận dân cư chuyển sang làm các nghề khác; sự thay thế các công cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt hàng ngày bằng các loại sản phẩm từ nền sản xuất công nghiệp đã làm cho các nghề thủ công truyền thống đứng trước những khó khăn thách thức.

Đối với nghề đan lát Thọ Đơn: Bên cạnh sự nhanh nhạy nắm bắt thị

trường tiêu thụ sản phẩm trong cơ chế mới, Thọ Đơn hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn. Về Thọ Đơn bây giờ người ta ít gặp hình ảnh những thanh niên khỏe mạnh thuần thục đan thúng bơi, gàu tát nước mà thường chỉ là những cụ già, em nhỏ và các chị phụ nữ đan các loại rổ rá, nong nia, dần sàng, sọt các loại. Thực tế cho thấy những sản phẩm có tính truyền thống này hiện tại chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại máy móc, các loại đồ nhựa tiện dụng rẻ tiền. Ngày xưa các bà, các chị phải dùng nong nia, dần sang để làm ra hạt gạo trắng thơm, bây giờ những việc ấy đã được máy móc làm thay một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhiều người sau gần cả cuộc đời gắn bó với nghề nghiệp đã phải ngậm ngùi tìm việc khác phù hợp hơn hoặc nếu vẫn theo đuổi nghề thì phải làm ra những sản phẩm mà thị trường đang đòi hỏi để có thể duy trì và phát triển. Những sản phẩm nay chỉ còn giá rất rẻ, còn những thanh niên trai tráng trong làng thì đi vào miền Nam làm ăn… Nói chung người dân Thọ Đơn hiện nay đang gặp phải khó khăn trong việc tìm lối ra cho sản phẩm. Ngoài việc sản phẩm bị ứ đọng cũng gây ra tình trạng thiếu vốn cho sản xuất. Bên cạnh đó, giá vật liệu ngày càng tăng do sự cạn kiệt dần của mây tre trong vùng. Người dân Thọ Đơn thường phải đi mua tre ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch, thậm chí ra tận Hà Tĩnh. Tiền công vận chuyển ngày một đắt đỏ hơn khiến giá thành vật liệu gia tăng. Bên cạnh những khó khăn trên thì một thị trường tiêu thụ ngay trên

địa bàn cũng chưa có mặt một cách chính thức tạo nên sự tạm bợ trong việc tiêu thụ sản phẩm làm ra khi người dân phải đi bán rong hoặc đón xe về các tỉnh bạn tiêu thụ… Tất cả những yếu tố kể trên đã phần nào cản trở sự ổn định và phát triển của làng nghề đan lát Thọ Đơn trong cơ chế mới.

Đối với nghề nón: Nón làng Thổ Ngọa vẫn nổi tiếng về hình dáng và độ

bền, được sản xuất đều đặn. Tuy nhiên, nghề nón vùng vùng ven sông Gianh nói chung đứng trước một thực trạng là thị trường tiêu thụ đang dần thu hẹp.

Nón lá được sản xuất ở làng Thổ Ngọa cũng như một số nơi khác trước đây không chỉ phục vụ cho người dân nông thôn mà còn phục vụ cho nhu cầu của dân đô thị. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế nông nghiệp đang dần được cơ giới hóa, một bộ phận nông dân chuyển sang làm dịch vụ và các ngành khác, người nông dân làm việc trên cánh đồng ít hơn nên nhu cầu đội nón hạn chế. Bên cạnh đó, những thay đổi về phương tiện đi lại kéo theo sự ra đời của các loại hình mũ đội đầu thay thế nón truyền thống như mũ vải, mũ thời trang, mũ bảo hiểm xe máy các loại… cũng là yếu tố làm cho thị trường nón lá thu hẹp. Khó khăn này không chỉ riêng nghề nón vùng ven sông Gianh mà còn diễn ra ở một số nơi khác trong nước.

So với các sản phẩm nón ở Huế, Hội An, Bình Định, Hòa Bình thì nón Thổ Ngọa vẫn chưa có một “tiếng nói” nào để được khách thập phương biết đến. Bởi vậy cần có một giải pháp, một hướng đi thích hợp để vừa giữ gìn và bảo tồn nghề nón, vừa bảo đảm thu nhập cho người dân vùng ven sông Gianh hiện nay.

Đối với nghề sản xuất bánh đa: Khó khăn của làng nghề là thiếu vốn để

mở rộng sản xuất. Việc quảng bá sản phẩm cũng là một vấn đề quan trọng giúp cho nghề ánh đa truyền thống Lộc Điền có điều kiện phát triển thuận lợi. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay do người Lộc Điền đi làm ăn khắp nơi, rồi những thanh niên dựng vợ gả chồng ở nhiều làng khác nhau, khi ra đi họ đã mang theo nghề gia truyền của cha ông để lại làm vốn sống tạo dựng cơ ngơi riêng của mình. Vì vậy hiện nay không chỉ riêng Lộc Điền mà nhiều làng trong huyện Quảng Trạch đã làm được loại bánh đa để bán. Nhưng riêng hai loại: Bánh đa mè xát vỏ và bánh đa nem thì Lộc Điền vẫn đang độc quyền - chưa nơi nào làm được và ngon như ở đây. Tuy vậy, nghề bị phát tán ra nhiều nơi nên đã ảnh

hưởng không nhỏ đến sự phát triển của làng nghề. Hiện tại nghề làm bánh đa ở Lộc Điền chỉ phát triển cầm chừng, tự phát với hình thức kinh tế hộ gia đình manh mún tự sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy để làng nghề ngày một phát triển trong cơ chế thị trường hiện nay, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ để khuyến khích người dân tự vươn mình lên làm giàu chính đáng bằng chính nghề truyền thống của quê hương mình.

Đối với nghề đóng thuyền truyền thống ở Thanh Trạch: Hiện nay, ở Thanh

Trạch đã có một số cơ sở sửa chữa tàu thuyền của dân địa phương. Tuy nhiên nghề đóng thuyền truyền thống ở đây không cạnh tranh được với nghề đóng tàu thuyền ở Đức Trạch (Bố Trạch), ở Cảnh Dương (Quảng Trạch), ở Hà Cừ (Đồng Hới), và một số nơi khác trong tỉnh và cả nước. Sự phát triển của nghề này gặp những khó khăn trở ngại mà trước hết là thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ thợ kỹ thuật có tay nghề, rất ít người mạnh dạn đầu tư sản xuất. Trong sự chuyển đổi lối làm ăn trước đây, nghề này chậm đổi mới, chậm cải tiến kỹ thuật, kinh doanh kém hiệu quả, thợ thủ công bỏ nghề, một số chuyển sang làm nghề khác. Đấy chính là nguyên nhân làm cho nghề truyền thống ở Thanh Trạch suy tàn cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề truyền thống không bắt nhịp được cơ chế thị trường, đã bị tụt lùi, sản xuất giảm xuống, thậm chí không duy trì được nghề. Những làng nghề tiếp tục giữ vững sản xuất mặt hàng chủ lực, lâu đời của mình chiếm số đông, song khó khăn chủ yếu của họ vẫn chưa tìm kiếm được thị trường lớn, sau đó là thiếu vốn.

Có thể nói, do tác động của CNH, HĐH, sự ra đời của các sản phẩm công nghiệp với những đặc tính ưu việt của nó đã làm cho người dân không mặn mà với các sản phẩm thủ công. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng các ngành dịch vụ và công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp đã tác động trực tiếp đến các làng nghề truyền thống. Một số làng muốn vận dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất để năng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm thì lại thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào, giá cả nguyên liệu tăng cao, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề. Vấn đề quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Ngoài ra, do nhu cầu của con người về sản phẩm thủ công

ngày càng cao nhưng sự chuyển đổi, thay đổi mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm ở đây chậm nên đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Đó là những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề truyền thống ven bờ sông Gianh. Tuy nhiên, mức độ khó khăn ở mỗi nghề và làng nghề không giống nhau. Có làng thì thiếu vốn và cơ sở vật chất kĩ thuật sản xuất, có làng thì khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm… Ngoài ra, những khó khăn khác cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các làng nghề thủ công ven sông Gianh như đứt gãy truyền thống, chất lượng sản phẩm thấp dẫn đến chất lượng cạnh tranh hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý kinh doanh hàng thủ công, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, thị hiếu khách hàng hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do:

Thứ nhất: Ở các làng thủ công truyền thống ven sông Gianh, cơ sở hạ tầng

còn yếu kém và trình độ kỹ thuật - công nghệ còn thô sơ hoặc có cải tiến nhưng không đáng kể. Trong hệ thống kết cấu hạ tầng của các làng nghề hiện nay, hệ thống giao thông và mặt bằng để xây dựng lò, xưởng sản xuất có vị trí quan trọng bậc nhất. Những cố gắng hiện đại hóa kỹ thuật công nghệ xuất hiện chưa nhiều ở làng nghề. Quy mô sản xuất TTCN chư được mở rộng; việc quan tâm cải tiến phương tiện, thiết bị sản xuất còn hạn chế; lao động tham gia vào lĩnh vực TTCN chưa nhiều, sản phẩm còn ít, hầu như chưa có sản phẩm tạo được thương hiệu thực sự, sức cạnh tranh hạn chế. Tuy được sự quan tâm của lảnh đạo tỉnh, huyện, các sở liên quan đặc biệt là Sở Công thương và sử ủng hộ của chính quyền địa phương, nhưng chương trình phát triển TTCN áp dụng tại các vùng ven sông Gianh vẫn gặp nhiều khó khăn, sự chuyển biến các làng nghề còn chậm; chưa có bước phát triển nổi bật về hoạt động kinh doanh, về quy mô sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm. Sản xuất TTCN của các làng xã ven sông Gianh còn manh mún; việc đổi mới công nghệ chậm; quy mô sản lượng sản phẩm còn nhỏ, mặt hàng đơn điệu, còn rất ít sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu đặc thù và truyền thống của địa phương.

Thứ hai: Việc lựa chọn tổ chức học tập, du nhập phát triển nghề mới hạn

chế; công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất các làng nghề còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra làm đầu

mối chuyên lo cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất TTCN và người lao động cho các làng nghề. Đây là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho sự phát triển ổn định cho các cơ sở sản xuất, nhất là đối với các địa phương, cơ sở mới đào tạo nghề, du nhập phát triển nghề mới.

Thứ ba: Vùng ven sông Gianh có tỷ lệ nông dân cao, chủ yếu là thuần

nông, sản xuất TTCN còn nhỏ bé, manh mún, chậm phát triển. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhiều nhưng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, mặt bằng xây dựng nhà máy, phân xưởng, nên đã hạn chế việc thu hát các dự án đầu tư phát triển TTCN trên địa bàn. Phần lớn các cơ sở sản xuất TTCN đều có quy mô sản xuất nhỏ, yếu về năng lực tài chính, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất.

Những làng quê vùng ven sông Gianh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thủ công nghiệp nhất là các ngành nghề truyền thốn. Đó là nguồn lao động dồi dào, giá nhân công thấp; có vị trí địa lí thuận lợi; có thế mạnh về tài nguyên sông, biển, trữ lượng gỗ lớn; nhiều ngành nghề đã hình thành từ lâu đời, phát triển đa dạng.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w