Làng nghề đóng thuyền truyền thống Thanh Trạch 1 Đôi nét về làng Thanh Trạch

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 31 - 33)

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LÀNG THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH

2.1.1.Làng nghề đóng thuyền truyền thống Thanh Trạch 1 Đôi nét về làng Thanh Trạch

2.1.1.1. Đôi nét về làng Thanh Trạch

Xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch nằm sát bờ phía nam hạ lưu sông Gianh. Biển rộng, nông sâu, các cửa lạch bao bọc toàn bộ phía bắc, tây bắc và phía đông vây lấy bộ phận cư dân toàn xã. Các làng đều tụ họp ven bờ sông Gianh, cửa biển và ven các khe từ dãy núi phía nam và tây nam đổ vào sông Gianh chảy ra biển

Đông. Tập quán sinh sống ở đây có điểm giống các nơi khác trong tỉnh là tất cả hướng nhà đều tìm cách quay về hướng nam, đông nam và tây nam. Chỉ có một ít quay ra phía bắc để bám lấy quốc lộ 1A làm ăn, buôn bán. Ruộng vườn nằm ở phía các làng chạy mãi đến chân núi Lệ Đệ. Con đường Thiên Lý Bắc Nam chạy suốt từ đầu xã đến cuối xã.

Cả xã chia thành 7 thôn, làng. Các thôn, làng này lại chia thành 22 xóm, mỗi xóm có nghề, tập quán sinh hoạt và tín ngưỡng khác nhau. Các thôn Thanh Hải, Thanh Gianh, Thanh Xuân chuyên nghề ngư và hầu hết đồng bào theo Công giáo. Các thôn Quyết Thắng, Tiền Phong làm nông, ngư kết hợp; Thanh Khê, Thanh Vinh dân cư làm nghề đóng thuyền, thủ công, cơ khí, dịch vụ buôn bán, theo Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật hoặc không theo tôn giáo nào. Như vậy, thiên nhiên đã ban cho người ở vùng đất này đủ 5 thế mạnh cơ bản đó là: rừng núi và gò đồi, làm nông nghiệp khai thác tốt với nhiều khả năng thủy lợi; công thương nghiệp và dịch vụ, giao thông vận tải thủy bộ; ngư nghiệp với nhiều thuận lợi về bến bãi, cửa biển, hải cảng và ngành nghề đóng, sữa chữa tàu thuyền mang tính truyền thống. Điểm đặc biệt mới có nhiều địa điểm lý tưởng để xây dựng nhà nghỉ dưỡng, khách sạn, du lịch. Du khách có thể thấy Thanh Trạch làm trung tâm nghỉ ngơi, tắm biển Đá Nhảy rồi theo đường Ba Trại du ngoạn rừng thông, ngược lên thăm động Phong Nha hoặc từ đây theo du thuyền đi chơi đảo Chim, đến Hòn La và ở lại Thanh Khê trong ngày. Xuất phát từ địa hình, địa mạo nên Thanh Trạch có vị trí chiến lược lớn về quân sự cũng như về kinh tế, chính trị.

Ngược dòng lịch sử, xem xét các sự kiện chính biến của đất nước thì thấy rằng các giới quân sự ở phe ta cũng như kẻ địch đều chú ý đến căn cứ Thanh Trạch. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân Pháp xem Bồ Khê (Thanh Trạch) làm bàn đạp để tiếp nhận quân lương phía biển vào phía nam và từ đó triển khai khống chế vùng Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc: không quân, tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi ngày đêm bắn phá, hủy diệt vùng Thanh Trạch, Quảng Phúc nhằm ngăn chặn sự chống trả của hải quân ta và thả mìn phong tỏa cửa biển sông Gianh, vô hiệu hóa con đường vận tải huyết mạch này. Trong hòa bình xây dựng, đây là cửa khẩu quan trọng đối với

tỉnh Quảng Bình trong việc mở rộng quan hệ quốc tế với tỉnh bạn và với tàu thuyền nước ngoài.

Mười năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Thanh Trạch dần đã trở thành trung tâm kinh tế phát triển của cả tỉnh. Trong số 3 cảng biển lớn nhất của tỉnh ta: Cảng Gianh, Hòn La, Nhật Lệ thì tốc độ phát triển của cảng Gianh vừa lớn về quy mô vốn đầu tư và cũng là lớn nhất tỉnh về khả năng tiếp nhận, xuất, nhập hàng hóa. Từ quy mô hoạt động cảng Gianh trở thành cảng biển quốc gia nằm trên địa bàn xã và cả khu vực nên tỉnh ta đã cho xây dựng ở đây cảng cá, nhà máy đông lạnh, biến Thanh Trạch thành khu kinh tế - thương mại lớn ở khu vực phía bắc tỉnh Quảng Bình.

Ngày nay bộ mặt làng xã ở đây nhanh chóng đô thị hóa. Nếu so sánh với các xã trong huyện Bố Trạch thì Thanh Trạch là xã có số lượng nhà cao tầng nhiều nhất vào loại nhất nhì huyện. Các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, y tế, bưu điện, cung ứng xăng dầu… phát triển nhanh. Trong tương lai thì Thanh Trạch sẽ nhanh chóng trở thành cụm kinh tế - xã hội phát triển lớn sau thành phố Đồng Hới và sẽ là đòn bẫy kinh tế mạnh cho cả vùng bắc nam sông Gianh.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số làng thủ công truyền thống ven sông Gianh tỉnh Quảng Bình (Trang 31 - 33)